Vụ hàng chục nghìn “sổ đỏ” bị gom: Hé lộ dấu hiệu lừa đảo

(ANTĐ) - Câu chuyện về hàng chục nghìn “sổ đỏ” của người dân ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc bị các tổ chức, cá nhân lén lút đi thu gom, cho đến những ngày cuối tháng 7 này đã hé lộ dấu hiệu của đường dây lừa đảo. Sau nhiều tháng dày công đấu tranh, CQĐT - Bộ Công an, đã xác minh được một đầu mối lớn tiếp nhận “sổ đỏ” từ các tỉnh chuyển về. Đó là một công ty TNHH có trụ sở ở đường Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy.

Vụ hàng chục nghìn “sổ đỏ” bị gom: Hé lộ dấu hiệu lừa đảo

(ANTĐ) - Câu chuyện về hàng chục nghìn “sổ đỏ” của người dân ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc bị các tổ chức, cá nhân lén lút đi thu gom, cho đến những ngày cuối tháng 7 này đã hé lộ dấu hiệu của đường dây lừa đảo. Sau nhiều tháng dày công đấu tranh, CQĐT - Bộ Công an, đã xác minh được một đầu mối lớn tiếp nhận “sổ đỏ” từ các tỉnh chuyển về. Đó là một công ty TNHH có trụ sở ở đường Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy.

Một số lượng lớn “sổ đỏ” bị cơ quan công an thu giữ
Một số lượng lớn “sổ đỏ” bị cơ quan công an thu giữ

Dự án... rỉ tai

Đầu tháng 3-2009, CQĐT - Bộ Công an nhận được nguồn tin tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc đang diễn ra “trào lưu” thu gom “sổ đỏ” của người dân để đầu tư vào một dự án liên tỉnh do nước ngoài tài trợ. Bản báo cáo đầu tiên mà CQĐT nhận được từ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, tại địa phương này, có một số cá nhân tự xưng là cán bộ doanh nghiệp Nhà nước có khả năng xin tài trợ dự án từ Mỹ và Thụy Sỹ.

Thậm chí, một số cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện cũng được các đối tượng tiếp cận, quảng bá về một dự án “triệu đô” do nước ngoài đầu tư, nhằm khắc phục hậu quả chất độc da cam. Theo các đối tượng môi giới này, phía nhà đầu tư nước ngoài muốn giải ngân thông qua doanh nghiệp để đồng vốn sẽ đến được địa chỉ cần đến. Dự án liên tỉnh ấy có tên: “Phát quang, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy để đầu tư trồng rừng và phủ xanh đất trống đồi núi trọc”.

Cho đến khi CQĐT vào cuộc thì “Dự án” đã lây lan khá mạnh. Báo cáo của Công an các tỉnh, thành phố gửi về cho thấy; tại Yên Bái, có hơn 1.200 sổ đỏ (cả bản gốc và bản công chứng) của người nông dân và doanh nghiệp tư nhân đã bị nộp cho những kẻ thu gom để đợi được nhận một khoản vay 10-15 triệu đồng/ha. Tại tỉnh Điện Biên, con số này lên đến gần 1.400 “sổ đỏ”.

Dẫn đầu danh sách địa phương có người dân “tham gia Dự án” là tỉnh Lạng Sơn; với hơn 6.000 “sổ đỏ”, bản công chứng, được gom với tốc độ rất nhanh bởi thông tin ai nộp nhanh sẽ được vay 100 triệu đồng/ha. Sự lây lan của “Dự án” này còn về cả Thanh Hóa, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Hà Nội. Tuy nhiên nhiều ngày, nhiều tháng sau khi nộp “sổ đỏ”, chưa cá nhân, tổ chức nào được nhà đầu tư nước ngoài rót tiền về. Số phận những cuốn “sổ đỏ” cũng như bóng chim câu.

Hàng nghìn nông dân đã bị cuốn vào vòng xoáy thu gom "sổ đỏ"
Hàng nghìn nông dân đã bị cuốn vào vòng xoáy thu gom "sổ đỏ"

Những dấu hiệu bất minh

Trước những dấu hiệu bất thường này, một mặt CQĐT tăng cường truy xét các đầu mối thu gom “sổ đỏ” của người dân; một mặt xác minh thông tin về dự án có tên nêu trên tại các cơ quan chức năng. Làm việc với Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam, cán bộ CQĐT được hồi âm: “Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam không có dự án, chương trình hỗ trợ trồng rừng nào và không có nguồn vốn nào từ nguồn kinh phí bồi thường chất độc da cam đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng”.

Một thông tin quan trọng từ Văn phòng Chính phủ khẳng định: “Hiện tại Văn phòng Chính phủ không có dự án hỗ trợ trồng rừng cho các hộ dân của tổ chức Cựu chiến binh Mỹ và Thụy Sỹ. Văn phòng Chính phủ không có thông tin về dự án trên”. Thông tin tương tự được đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính xác nhận: “Hiện tại, có 9 chương trình, dự án trồng rừng thuộc nguồn vốn vay và viện trợ không hoàn lại của các chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho lĩnh vực trồng rừng đang trong quá trình triển khai. Trong các dự án nói trên, không có dự án nào có tên là “Phát quang, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường...”.

Cùng với những thông tin xác nhận trên, hiện tượng gom “sổ đỏ” bộc lộ những dấu hiệu bất thường khác. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, từ trước đến nay, chưa có dự án trồng rừng nào có mức đầu tư, hỗ trợ lớn như dự án “Phát quang...” mà người dân ở nhiều tỉnh, thành phố đang được mời “tham gia”. Đáng chú ý, bất kỳ dự án nào cũng đều phải công khai quy mô và các thủ tục đi kèm, chứ không thực hiện theo phương thức... rỉ tai như dự án “Phát quang...”.

Trung tuần tháng 5-2009, Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã gửi công văn đến các Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó nêu: “Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không quản lý và điều hành loại dự án nào như dự án “Phát quang...”. Hoạt động thu gom “sổ đỏ” của một số tổ chức, cá nhân như nêu trên có dấu hiệu lừa đảo về kinh tế”. Cùng với đó, Bộ này đã yêu cầu các Sở thành viên báo cáo UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp biết để kịp thời phát hiện, phòng ngừa.

Quá trình điều tra, CQĐT Bộ Công an thu thập được nhiều công văn xin tham gia “Dự án” của các doanh nghiệp ở Nghệ An, Gia Lai, Đắc Lắc, Hà Nội... Điểm đáng chú ý ở các công văn này là tuy được gửi về từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, nhưng chúng lại có cùng một “phom” ghi gửi về địa chỉ Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính. Song nơi tập kết cuối cùng của những bộ hồ sơ gom “sổ đỏ” là một công ty TNHH ở đường Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy. Làm việc với doanh nghiệp này, cán bộ CQĐT nắm được, “sổ đỏ” chỉ là 1 trong 19 yêu cầu được doanh nghiệp này đưa ra để hoàn chỉnh một bộ hồ sơ “Xin hỗ trợ vốn trồng rừng không hoàn lại”.

Cũng chính doanh nghiệp này đã phát hành bản Thông báo về khoản hỗ trợ giải ngân, phát quang cho các dự án trồng rừng, ưu tiên cho hai khu vực phía Nam và phía Bắc. Một chi tiết mà chắc chắn, những cá nhân, tổ chức không hề biết khi tham gia “Dự án” của doanh nghiệp này; đó là thành lập tháng 8-2008, số vốn điều lệ (tự khai báo) 65 tỷ đồng, song doanh nghiệp chưa có hoạt động sản xuất, kinh doanh nào. Vụ việc đang được CQĐT Bộ Công an lập hồ sơ, khai thác mở rộng.

Hoàng Quân