Vụ đôi nam nữ đâm vào ống cống tử vong: Ai chịu trách nhiệm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau vụ đôi nam nữ đâm vào ống cống chắn ngang giữa đường tử vong ở Thái Nguyên khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ, nhiều người đặt câu hỏi: Ai sẽ phải bồi thường gia đình nạn nhân và trách nhiệm hình sự có được đặt ra trong vụ tai nạn này?

Về vụ đôi nam nữ đâm vào ống cống chắn ngang giữa đường tử vong, vài ngày trước, anh Hà Văn Đ. (23 tuổi, ở xã Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) điều khiển xe máy chở theo chị Vũ Thị N. (23 tuổi, ở xã Tân Ninh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) di chuyển trên đường trong Khu công nghiệp Điềm Thụy (xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) thì đâm vào ống cống có đường kính khoảng 1,8m. Sau khi phát hiện sự việc, người dân địa phương đã đưa 2 nạn nhân đi cấp cứu nhưng cả 2 đều không qua khỏi.

Điều đáng nói là, thời điểm xảy ra vụ tai nạn đôi nam nữ đâm vào ống cống, nạn nhân nữ đang mang thai tháng thứ 5. Theo thông tin ban đầu, ống cống này trước đây phục vụ cho chốt kiểm soát dịch Covid-19.

Sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn đôi nam nữ đâm vào ống cống tử vong, trong văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị khẩn trương xác minh, kết luận nguyên nhân vụ việc; trong đó tập trung làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn giao thông khi lập chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Đối với các cá nhân tổ chức, cá nhân vi phạm, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu xử lý nghiêm.

Hiện trường vụ tai nạn đôi nam nữ đâm vào ống cống tử vong

Hiện trường vụ tai nạn đôi nam nữ đâm vào ống cống tử vong

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, trong vụ tai nạn đôi nam nữ đâm vào ống cống tử vong, trách nhiệm có thể thuộc về tổ chức, cá nhân đặt, để chướng ngại vật làm cản trở giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, đơn vị xây dựng, quản lý khai khác công trình đường bộ (chủ sở hữu hoặc người quản lý) cũng có khả năng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 nghiêm cấm hành vi đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường. Do đó, nếu việc đặt ống cống ra chắn ngang mặt đường là hành vi tự ý của cá nhân mà không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép, gây hậu quả làm 2 người chết thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy điểm b khoản 2 Điều 261 BLHS 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào đặt, để trái phép vật liệu gây cản trở giao thông đường bộ làm chết 2 người thì bị phạt tiền từ 100-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm.

Trường hợp cá nhân thực hiện việc đặt để chướng ngại vật trên đường được sự cho phép hoặc chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng văn bản thì đây sẽ là căn cứ xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan – Luật sư Hồng Vân nhận định.

Mặt khác, theo Điều 32 về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT, trường hợp đường bị thu hẹp hoặc có chướng ngại vật thì phải đặt biển báo. Nếu trên tuyến đường xảy ra tai nạn đã đặt một trong hai biển cảnh báo trên mà người tham gia giao thông không chú ý quan sát, thì lỗi hoàn toàn thuộc về họ.

Trường hợp, cơ quan Nhà nước cho phép đặt chướng ngại vật trên đường và nêu rõ phải đặt biển cảnh báo, hàng rào chắn hoặc báo hiệu nguy hiểm mà người thực hiện công vụ không tuân thủ, dẫn tới làm chết người thì cá nhân đó có thể bị xử lý hình sự theo Điều 360 BLHS 2015 về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Về trách nhiệm bồi thường trong vụ tai nạn đôi nam nữ đâm vào ống cống tử vong, theo Luật sư Hồng Vân, nếu cá nhân thực hiện hành vi vi phạm không liên quan tới tổ chức thì cá nhân đó phải bồi thường cho bị hại. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Chủ sở hữu, người quản lý tài sản trong trường hợp này có thể cũng phải liên đới cùng cá nhân, tổ chức vi phạm bồi thường cho người bị hại…