Vụ “chuyến bay giải cứu”: Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói rất ân hận sau 1 năm bị bắt giam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chiều 18-7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” tiếp tục phần bào chữa, tự bào chữa của các luật sư và bị cáo. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói trong nước mắt:  ''Một năm ở trại giam, tôi rất ân hận'' và xin lỗi nhân dân vì những sai phạm.

Cựu Thứ trưởng bật khóc, xin lỗi Đảng và Nhà nước

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”, do có hành vi nhận tiền từ 13 doanh nghiệp với tổng số tiền 21,5 tỉ đồng. Khi luận tội, Viện kiểm sát (VKS) đánh giá một số bị cáo không chủ động yêu cầu đưa tiền nhưng do không tránh được cám dỗ nên đã phạm tội. VKS cho rằng đây là căn cứ xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo và từ đó đề nghị mức hình phạt 19-20 năm đối với bị cáo Tô Anh Dũng.

Bị cáo Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Bị cáo Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Tô Anh Dũng nói: ''Trong 1 năm ở trại giam, tôi rất ăn năn, hối lỗi và nhắc gia đình khắc phục các hậu quả''. Cựu Thứ trưởng đã bật khóc khi nói lời xin lỗi: ''Trước HĐXX, tôi xin thành khẩn nhận lỗi, xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao, xin lỗi nhân dân vì sai phạm của mình''.

Bị cáo Tô Anh Dũng nhiều lần nhắc lại lời nhận tội trong nước mắt: ''Tôi xin thành khẩn xin lỗi… Tôi xin nhận tội… Kính mong HĐXX xem xét tôi phạm tội lần đầu trong bối cảnh dịch bệnh không có tiền lệ… Cả đời tôi đã phấn đấu… xem xét để tôi được trở về trong những năm cuối đời. Tôi xin cảm ơn''.

Cựu Thứ trưởng trình bày, trong quá trình công tác, bị cáo này không dám tham mưu để trục lợi chính sách. Trong quá trình cấp phép chuyến bay, bị cáo đã nỗ lực xây dựng quy trình làm sao triển khai thực hiện được, đưa công dân về nước nhanh nhất, an toàn nhất, tránh lây lan dịch trong cộng đồng.

Khi xét duyệt chuyến bay, bị cáo thường xuyên nhắc nhở anh em không gây khó khăn, đòi hỏi với doanh nghiệp, giấy tờ hồ sơ xé duyệt đều công khai. Việc tiếp xúc với doanh nghiệp xuất phát từ nể nang và mong muốn nghe phản ánh của doanh nghiệp. Khi làm việc với CQĐT, bị cáo đã nhận thức sai lầm và làm đơn gửi lãnh đạo CQĐT xin được tự nguyện thành khẩn khai báo.

Trước đó, luật sư Lê Thành Kính, bào chữa cho bị cáo Tô Anh Dũng thừa nhận truy tố của VKS nhưng đề nghị HĐXX, VKS làm rõ hơn tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng.

Theo luật sư, qua lời khai của các bị cáo khác trong phiên tòa như Hoàng Diệu Mơ, Lê Văn Nghĩa, Tào Đức Hiệp, Phan Thị Mai… thì bị cáo Dũng không có mối quan hệ cá nhân với các doanh nghiệp có trong danh sách được phê duyệt.

Bị cáo Chử Xuân Dũng - cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Bị cáo Chử Xuân Dũng - cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Bị cáo Tô Anh Dũng cũng không thỏa thuận với doanh nghiệp hay ra yêu cầu điều kiện, không đòi hỏi, gây khó dễ trong việc phê duyệt chuyến bay. Sau khi chuyến bay được phê duyệt, doanh nghiệp mới xin gặp nói là để báo cáo kết quả thực hiện.

Không yêu cầu đưa tiền nhưng... không tránh được cám dỗ

Trước đó, bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch Hà Nội), luật sư Trịnh Văn Tuyến nêu những đóng góp trong 26 năm giảng dạy và làm quản lý giáo dục của bị cáo Chử Xuân Dũng. Luật sư Tuyến mong HĐXX cân nhắc những đóng góp này khi lượng hình đối với cựu Phó Chủ tịch Hà Nội.

Theo cáo buộc, khi giải quyết chủ trương cách ly tại Hà Nội đối với các công dân về nước trên các ''chuyến bay giải cứu'', bị cáo Chử Xuân Dũng đã nhận hối lộ 2 tỉ đồng từ bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Thái Hòa) và bị cáo Lê Thị Ngọc Anh (cựu cán bộ Vụ Lễ tân Ban đối ngoại Trung ương).

Khi phân hóa trách nhiệm, mức độ hành vi của các bị cáo, VKS cho rằng một số bị cáo, trong đó có cựu Phó Chủ tịch Hà Nội tuy không chủ động yêu cầu đưa tiền nhưng đã không tránh được cám dỗ nên đã phạm tội. Theo VKS, đây là căn cứ xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo. Với quan điểm lượng hình này, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Chử Xuân Dũng mức án từ 4-5 năm tù.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến bào chữa cho cựu Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến bào chữa cho cựu Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng.

Bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng, luật sư chỉ rõ thân chủ của mình không hề thỏa thuận, yêu cầu, đòi hỏi hay gây khó dễ cho doanh nghiệp trong việc cấp chủ trương cách ly để nhận được tiền bạc. CQĐT cũng đã kết luận giữa bị cáo Trần Minh Tuấn và bị cáo Dũng không có thỏa thuận về việc cấp chủ trương cách ly tại Hà Nội.

Tại CQĐT, bị cáo Ngọc Anh cũng khẳng định, chi phí đi xin chủ trương cách ly tại Hà Nội cho công dân về nước là do người khác tham khảo và đưa cho Ngọc Anh chủ động thực hiện. Tháng 12-2021, bị cáo Ngọc Anh đề xuất bị cáo Dũng ký duyệt chủ chương cách ly cho 720 khách nhưng không đưa tiền.

Bị cáo Dũng sau đó vẫn ký duyệt chủ trương cách ly do doanh nghiệp một cách bình thường. Theo luật sư, việc cựu Phó Chủ tịch Hà Nội nhận tiền là ''thụ động'', “đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu”, không hề đòi hỏi.

Ngoài ra, luật sư còn nêu Dũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, quá trình công tác có nhiều thành tích, bằng khen, giấy khen…, đã nộp khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét toàn diện, thấu đáo và tuyên bản án ''thấu tình đạt lý'' đối với bị cáo Dũng.

Tiếp lời luật sư, bào chữa cho bản thân, bị cáo Chử Xuân Dũng nói về những đóng góp của bản thân trong công tác phòng chống dịch Covid. Khi đó, bị cáo có trách nhiệm quyền hạn duyệt, ký chủ trương cách ly trên địa bàn Hà Nội.

'Đây là nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ, bị cáo gặp nhiều khó khăn. Giờ nghĩ lại, bị cáo thấy các quyết định của bị cáo đều đã thực hiện trên tinh thần vì nhân dân''- bị cáo Dũng nói. Bị cáo Dũng cho rằng, bản thân xác định là người có tội.

''Khi đứng trước toà hôm nay, bị cáo rất đau đớn. Bị cáo có quá trình chống dịch gian khó, không từ bất cứ việc gì, cũng là người đóng góp nhiều và cống hiến hết sức cho công tác phòng chống dịch, nay lại thành tội đồ của thành phố'' – bị cáo Dũng trình bày.

“Quá trình chống dịch thì chia sẻ, hỗ trợ người dân trong công tác an sinh xã hội, nay đứng đây lại thành người phạm tội với tình tiết tăng nặng là lợi dụng dịch bệnh để phạm tội. Bị cáo mong HĐXX mở rộng khoan hồng để bị cáo sớm có cơ hội được quay lại với xã hội, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, đóng góp thêm sức lực của mình cho xã hội” - bị cáo Dũng nói.