Vụ cháy 4 kho xưởng tại làng nghề Trát Cầu: Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Như ANTĐ đã đưa tin, mới đây tại làng nghề chăn ga gối đệm Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội đã xảy ra vụ cháy 4 kho xưởng gây thiệt hại không nhỏ về tài sản.Nhiều người đặt câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Điểm cháy khởi phát từ hộ gia đình anh Đỗ Duy T (SN 1979), rồi nhanh chóng lan sang 3 cơ sở sản xuất, kho chăn ga gối đệm bên cạnh. Nhận được tin báo, lực lượng chữa cháy Đội 7 và xã Tiền Phong đã nhanh chóng đến hiện trường, phối hợp cùng người dân và lực lượng PCCC CAH Thường Tín dập lửa, di chuyển tài sản, tìm kiếm cứu nạn.

Theo đại diện đội CS PCCC&CNCH CAH Thường Tín, tổng diện tích xảy cháy khoảng 300 m2, may mắn không xảy ra thiệt hại về người. Hiện cơ quan chức năng đang tích cực điều tra nguyên nhân xảy cháy.

Hiện trường vụ hỏa hoạn

Hiện trường vụ hỏa hoạn

Đám cháy trên lan sang 3 kho xưởng sản xuất chăn ga gối đệm đã gây thiệt hại không nhỏ về tài sản. Về việc xác định trách nhiệm bồi thường, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trước hết cần làm rõ nguyên nhân trực tiếp dẫn tới vụ hỏa hoạn.

Nếu nguyên nhân ban đầu là do trong quá trình sửa chữa cửa hàng có việc hàn xì gây ra cháy, nổ thì đây được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ gây cháy. Việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp này được quy định tại Điều 601 BLDS 2015.

Theo đó, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ…Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường.

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hạị.

Như vậy, chủ nhà gây ra cháy phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những hộ lân cận. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo nguyên tắc tại Điều 585 BLDS 2015. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Khi mức bồi thường không phù hợp với thực tế thì một trong 2 bên có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế.