Vụ á khôi bị sát hại, phân xác phi tang ở sông Hồng: Nghi phạm đối diện án tử hình?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến vụ giết người phân xác phi tang tại sông Hồng, CATP Hà Nội bắt giữ nghi can gây án. Theo các chuyên gia pháp lý, đối tượng thực hiện hành vi có thể đối diện mức án cao nhất là tử hình.

Căn cứ kết quả điều tra, các chứng cứ thu thập được, nạn nhân được xác định là chị H.Y.N (SN 2006; trú tại quận Ba Đình, Hà Nội). Chị H.Y.N bị đối tượng giết và phân xác để phi tang.

Các đơn vị nghiệp vụ thuộc CATP Hà Nội cũng đã phối hợp Công an tỉnh Thái Bình phát hiện, bắt giữ nghi phạm là T.D.K (SN 1985, quê quán ở huyện Kiến Xương) tại Thái Bình. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, phi tang là việc người vi phạm pháp luật thủ tiêu tang vật nhằm tránh nguy cơ bị phát giác tội phạm. Đối với vụ việc trên nghi phạm có thể bị xử lý về Tội giết người hoặc cả 2 tội là Tội giết người và Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Về hành vi giết người, Điều 123 BLHS 2015 quy định, người nào giết người thuộc một trong các trường hợp: Có tính chất côn đồ; Tái phạm nguy hiểm; Vì động cơ đê hèn; Thực hiện tội phạm một cách man rợ…thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Hành vi của tội giết người được thể hiện ở hành vi tước bỏ quyền sống của người khác một cách trái pháp luật bằng những thủ đoạn và phương tiện khác nhau gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Về Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, Điều 319 BLHS 2015 nêu rõ, người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm.

Phạm tội thuộc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Vì động cơ đê hèn hoặc chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Cũng theo luật sư Hồng Vân, trường hợp hành vi giết người phân xác diễn ra sau khi nạn nhân đã chết thì đối tượng thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội là giết người và xâm phạm thi thể.

Do việc phân xác gây khó khăn cho công tác điều tra và ảnh hưởng xấu đến tâm lý của những thân và dư luận xã hội. Vì vậy, với hành vi này kẻ thủ ác hoàn toàn có thể bị truy tố với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù.

Theo quy định về tổng hợp hình phạt, kẻ thực hiện hành vi có thể phải đối diện mức án cao nhất cho cả 2 tội là tử hình.

Với trường hợp phân xác phi tang khi nạn nhân chưa chết, kẻ thực hiện hành vi chỉ bị truy tố về 1 tội là Tội giết người với tình tiết tăng nặng là thực hiện tội phạm một cách man rợ. Với tình tiết này, kẻ phạm tội cũng có thể đối diện mức phạt tù từ 12 -20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Việc xác định mức phạt căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt đối với người phạm Tội giết người trong trường hợp có tình tiết tăng nặng - luật sư Hồng Vân nhận định.