Vòng xoáy “tín dụng đen”: Người cho vay luôn thiệt

ANTĐ - “Tín dụng đen” không khác gì trò đánh bạc, trong đó phần thua luôn thuộc về người cho vay. Lãi suất có được của người này thực chất là tiền của người khác mà con nợ dùng để “đập” sang. Và một khi con nợ chủ ý “bùng”, chủ nợ sẽ trắng tay.

CQĐT đọc lệnh tạm giam Nguyễn Thị Cúc


Vừa liều vừa thiếu hiểu biết

Tìm hiểu các vụ vỡ nợ xảy ra thời gian gần đây, nhận ra một thực tế là các chủ nợ quá liều và thiếu hiểu biết. Nếu coi việc cho vay lãi là sự đầu tư, thì ở đây, các “chủ đầu tư” đã thoải mái rót tiền mà không hề biết đối tác của mình kinh doanh gì. Họ đặt niềm tin vào những lời quảng cáo của các con nợ, nào là kinh doanh bất động sản, nào là buôn bán vàng mà không có bất cứ động thái kiểm tra, xác minh xem con nợ có kinh doanh thực sự không. Tâm lý “bầy đàn” trong trường hợp này đã khiến danh sách các bị hại nối dài và cùng “sốc” khi biết các con nợ, “đối tác” làm ăn của mình thực chất dùng tiền, tài sản của mình để… ăn chơi. Tám miếng đất của Nguyễn Thị Cúc (Phú Xuyên), chiếc ô tô Audi A8 bạc tỷ mà vợ chồng Cúc lượn lờ suốt ngày, cả căn biệt thự diêm dúa ở vùng ngoại thành nghèo xã Văn Nhân… những thứ trang sức đó được mua sắm chính bằng tiền của các chủ nợ. Và trong thời gian dài, chính những tài sản đó đã khiến các chủ nợ lóa mắt, tin rằng vợ chồng Cúc rất giàu.

Phạm Thị Chinh, ở Cầu Giấy cũng vậy. “Trùm nợ” 36 tuổi hiện đang biệt tích này từng một thời gian dài huy động vốn với lý do đầu tư vàng. Của đáng tội, Chinh trước kia cũng làm ở một cửa hàng vàng, song đã nghỉ việc. Vay được tiền của người này, Chinh cố tình mang khoe với những người đang có ý định tham gia đường dây “tín dụng đen” do cô ta chủ trì, để “câu”. Anh chồng của “trùm nợ” Chinh nghiện ma túy nặng, phải đi cai. Nhưng Chinh giải thích sự vắng mặt của chồng là lên vùng cao gom vàng. Vẫn có nhiều người tin, chẳng có chủ nợ nào buồn đi kiểm chứng việc kinh doanh của vợ chồng Chinh. Cho đến ngày cô ta biệt tăm cùng các thành viên trong gia đình. Ngay ngôi nhà thông tầng cũng đã bị Chinh kịp gán cho một công ty TNHH. Sự liều và thiếu hiểu biết của các chủ nợ trong các vụ vỡ nợ “tín dụng đen” đã phải trả giá quá đắt.

Chặn vòi lây lan của “tín dụng đen”

Đến thời điểm này, sau 4 vụ vỡ nợ “đình đám” kể trên, địa bàn Hà Nội mới chỉ phát hiện thêm vụ đổ vỡ nhỏ. Giám đốc CATP đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã rà soát để phát hiện và có biện pháp ngăn chặn hoạt động của các đường dây “tín dụng đen” cũng như nguy cơ đổ vỡ có thể xảy ra. Biện pháp này là hết sức kịp thời, cần thiết, nhưng chưa đủ. Bởi theo chỉ huy Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội, một khó khăn trong công tác xử lý các vụ vỡ nợ “tín dụng đen” thời gian qua là sự chưa tương đồng về quan điểm giữa các cơ quan tố tụng. Trong vụ án Nguyễn Thị Dậu; ban đầu, CQĐT CAQ Hà Đông đã đề xuất khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam Dậu về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xuất phát của những đề xuất này là dấu hiệu phạm pháp khá rõ trong các hành vi giao dịch của Dậu, chứ không đơn thuần chỉ là “giao dịch dân sự” như nhận định của Viện KSND quận Hà Đông.

Cụ thể, Dậu khai huy động vốn để đầu tư dự án bất động sản ở huyện Hoài Đức. Lý do này cũng được Dậu đưa ra với nhiều chủ nợ khi vay tiền. Tuy nhiên, quá trình kê biên tài sản cũng như các bản khai sau này của Dậu tại CQĐT CATP Hà Nội, Dậu chỉ có 2 ngôi nhà - đất ở quận Hà Đông. Có thông tin, Dậu cho một cá nhân vay hàng chục tỷ đồng. Những tình tiết này, đặc biệt sự thiếu kiên quyết của cơ quan tố tụng quận Hà Đông, đã khiến Nguyễn Thị Dậu có khoảng thời gian dài “kê cao gối” tại tư gia số 5 Nguyễn Thái Học, rồi bỏ trốn. Nguyễn Thị Dậu hiện bị tạm giam về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, song theo một điều tra viên, CQĐT có thể sẽ thay đổi quyết định khởi tố sang hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi “dấu hiệu lừa đảo của Dậu đã rất rõ ràng”, điều tra viên này nhận định.

“Bản chất của loại tội phạm này là hoạt động tín dụng liên quan đến tội phạm hình sự. Do đó, phải  nhìn nhận các vụ vỡ nợ này ở góc độ tội phạm hình sự chứ không thể nhìn dưới góc độ quy luật kinh tế như những vụ vỡ nợ xảy ra tại doanh nghiệp”, Thượng tá Đậu Văn Liên-Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an Hà Nội đánh giá.

Qua các vụ vỡ nợ gần đây, đã xuất hiện các dạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (dùng các thủ đoạn gian dối trước khi huy động vay vốn, có ý thức chiếm đoạt tiền), tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (gian dối sau khi đã vay được tiền và tìm cách chiếm đoạt). Quan điểm đánh giá bản chất vụ việc, vụ án của cơ quan tố tụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi liên quan đến việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với cá nhân liên quan. Thực tế từ vụ Nguyễn Thị Dậu, vụ Nguyễn Thị Cúc cho thấy, khoảng thời gian chấp chới hình thức xử lý giữa dân sự và hình sự đã giúp các bị can này có điều kiện để che giấu hành vi phạm pháp; thậm chí, đối tượng còn có cơ hội để bỏ trốn. Trong tố tụng, bên cạnh yêu cầu không để xảy ra oan sai luôn song hành nguyên tắc không để sót, lọt tội phạm. Sự chưa thống nhất về quan điểm, thiếu quyết đoán trong xử lý, ở góc độ nhất định, đã khiến hiện tượng “tín dụng đen” trở nên phức tạp.