Vòng luẩn quẩn của thanh niên Afghanistan mơ được đến trời Âu

ANTD.VN - Tuyệt vọng với cuộc tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn ở phương Tây, Khasim đã chọn con đường trở về với đất nước Afghanistan bị chiến tranh tàn phá, nhưng chỉ 3 tháng sau, anh ta đã nghĩ lại.

Mùa hè năm ngoái, chàng trai 21 tuổi người Afghanistan đã bị 5 gã đàn ông vây đánh dã man trên đường phố Athens, Hy Lạp. Không còn sức trụ lại ở vùng đất xa lạ, Khasim đã từ bỏ giấc mơ đến được nước Đức. Anh đã tìm đến Tổ chức Di cư Quốc tế để được tài trợ 1.705 USD trở về Thủ đô Kabul của Afghanistan.

Vòng luẩn quẩn của thanh niên Afghanistan mơ được đến trời Âu ảnh 1Khasim (bên phải) cùng bạn mình qua đường trong thời gian vẫn sống bám trên đường phố Athens, Hy Lạp hồi tháng 3-2018

Quãng thời gian khốn khổ

Trở lại thời điểm một năm trước, Khasim kiếm sống quanh Quảng trường Omonia ở Athens bằng nghề… bán dâm. Thanh niên này hiếm khi kiếm được hơn 20 euro cho mỗi lần “đi khách”, bởi dòng người di cư trẻ tuổi khác “phá giá” thị trường. “Chúng tôi rất xấu hổ, chúng tôi không đồng tính, chúng tôi không thích làm công việc này… Nếu bạn sống trên đường phố, bạn phải làm những gì không muốn”, Khasim nói vào thời điểm đó.

Tham gia chương trình trở về tự nguyện của Liên hợp quốc đối với Khasim là một quyết định lớn. Anh ta đã chi hơn 11.000 USD để đến châu Âu, trong đó chủ yếu là thanh toán cho những kẻ buôn người. Khasim, không muốn nêu tên thật vì sợ gia đình biết về công việc anh đã làm ở Hy Lạp, cho biết, anh đã đi hơn 6.400km qua Iran, Bulgaria và Serbia, cuối cùng tới Athens. “Nhưng cuộc sống nhanh chóng trở nên không thể chịu đựng được. Quá tồi tệ. Tôi không có một nơi nào để ngủ và cũng không có tiền để ăn”, Khasim kể.

Hy Lạp là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất châu Âu (khoảng 18%), trong khi quốc gia này vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ năm 2008 và một dòng người di cư liên tục đến bờ biển của họ, khiến cho hệ thống phúc lợi vô cùng căng thẳng. Và Khasim đã bị mắc kẹt ở đó. Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu năm 2016, các quốc gia Balkan ở phía Bắc Hy Lạp đã đóng cửa biên giới.

Sống vật vờ ở Athens, Khasim đã cố rời khỏi đất nước này 4 lần bằng hộ chiếu bị đánh cắp hoặc hộ chiếu giả, nhưng anh ta vẫn bị bắt. Sau đó, anh đã rong ruổi trên đường phố với một người đồng hương Afghanistan có tên là Fazul. Hai người “bán thân” để lấy tiền mua thực phẩm, thuốc lá và nhà trọ. Khasim không rõ Fazul hiện giờ thế nào. “Anh ta vẫn ở Athens, vẫn hút shisha và cần sa. Tôi không biết liệu anh ta còn sống hay đã chết”.

Không từ bỏ giấc mơ

Mặc dù trải qua quãng thời gian khốn khổ như vậy, nhưng chỉ 3 tháng sau khi về nhà, Khasim lại hối hận và muốn sang phương Tây lần nữa. Vui mừng gặp lại người thân nhưng những người trong gia đình Khasim vẫn không hiểu tại sao anh lại chọn trở về trong tình cảnh đất nước vẫn rối ren vì bị phiến quân Taliban phá quấy. “Họ hỏi tại sao tôi quay trở lại Afghanistan để thất nghiệp như bây giờ. Tôi phải giải thích rằng mẹ cần tôi phụ tiền thuê nhà và trông nom em nhỏ”. Nhưng Khasim nghĩ rằng mẹ anh nói đúng: “Nếu con làm việc một tháng ở Afghanistan, tiền lương là 100 euro, còn ở châu Âu sẽ từ 700-1.000 euro”.

Nhưng người thân của Khasim không thể nào biết được anh đã kiếm tiền ở Hy Lạp như thế nào. “Họ chỉ biết đó là tự nguyện hoặc bị trục xuất vì phạm tội gì đó chứ không nhiều người hiểu nguồn cơn như thế nào”, ông Abdul Ghafoor, tổ chức hỗ trợ và tư vấn di dân của Afghanistan ở Kabul nhận định.

Liza Schuster, một chuyên gia về người di cư Afghanistan thuộc Đại học London cho biết, mỗi gia đình thường hy sinh một nguồn tài chính đáng kể để đưa ai đó sang châu Âu nên họ có thể giận dữ nếu người đó họ xuất hiện ở cửa. “Bạn có thể thấy hai, ba, bốn, năm anh em nổi đóa: Chúng tôi đã đặt hết tiền để đưa cậu đi để rồi bây giờ không chỉ cậu mà chúng tôi cũng không có tương lai, không còn gì cả”, bà Lisa nói.

Đúng vậy, Khasim nói sẽ tiếp tục đến châu Âu ngay khi anh có tiền để trả cho những kẻ buôn người. Lần này, anh hy vọng sẽ đến được nước Đức để cùng sống với anh trai mình ở Munich. “Gia đình tôi sẽ bán một số vàng để tôi có thể đi tiếp. Họ nói rằng tôi phải đi lần nữa”.

Tham gia chương trình trở về tự nguyện của Liên hợp quốc đối với Khasim là một quyết định lớn. Anh ta đã chi hơn 11.000 USD để đến châu Âu, trong đó chủ yếu là thanh toán cho những kẻ buôn người. Khasim cho biết, anh đã đi hơn 6.400km qua Iran, Bulgaria và Serbia, cuối cùng tới Athens, nhưng cuộc sống nhanh chóng trở nên không thể chịu đựng được.