Vốn hóa thị trường chứng khoán giảm 19,5% trong 6 tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Bộ Tài chính, đến cuối tháng 6, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 6.250 nghìn tỷ đồng, giảm 19,5% so với cuối năm 2021, dù quy mô niêm yết tăng 5,22%.

Báo cáo về công tác điều hành thị trường chứng khoán trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết, thị trường chứng khoán đã diễn biến tích cực trong quý 1 và đạt mức đỉnh lịch sử mới 1.528,57 điểm vào ngày 6/1/2022. Thanh khoản thị trường cổ phiếu trong giai đoạn này tiếp tục tăng trưởng khá với giá trị giao dịch bình quân quý I/2022 đạt 31.174 tỷ đồng, tăng 17,2% so với bình quân năm 2021.

Tuy nhiên, trong quý II/2022, thị trường đã trải qua những nhịp điều chỉnh giảm mạnh. Đóng cửa thị trường ngày 30/6/2022, chỉ số VNIndex đạt mức 1.197,6 điểm, giảm 20,1% và chỉ số HNX-Index đạt mức 277,68 điểm, giảm 41,4% so với cuối năm 2021.

Thanh khoản thị trường có xu hướng giảm khiến giá trị giao dịch bình quân quý II/2022 đạt 20.491 tỷ đồng/phiên, giảm 34,27% so với bình quân quý I/2022.

Thị trường chứng khoán suy giảm cả về điểm số và thanh khoản trong quý II

Thị trường chứng khoán suy giảm cả về điểm số và thanh khoản trong quý II

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân của thị trường cổ phiếu đạt 25.440 tỷ đồng, chỉ giảm 4,4% so với bình quân năm trước.

“Bên cạnh đó, giá cổ phiếu giảm sâu kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp đã đưa định giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực với mức P/E VN-Index dự phóng 11,5 lần trong khi tỷ lệ P/E dự phóng trung bình của các quốc gia ASEAN đang phát triển trong khu vực khoảng 16,2 lần” – Bộ Tài chính nhận định.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu giảm do chỉ số giảm mạnh nhưng quy mô niêm yết vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tính đến ngày 30/6, mức vốn hóa thị trường đạt 6.250 nghìn tỷ đồng, giảm 19,5% so với cuối năm 2021, tương đương 74,4% GDP.

Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối tháng 5/2022 đạt 1.830 nghìn tỷ đồng, tăng 5,22% với cuối năm 2021. Đến nay tổng số các công ty đại chúng niêm yết là 1.808 công ty.

Về tài khoản chứng khoán mở mới, tính chung cả 5 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới gần 1,4 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.

Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã đạt 5,695 triệu tài khoản, tăng 32% so với cuối năm 2021, trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt 5,64 triệu tài khoản, tăng 32,4% so với cuối năm 2021.

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước tương đương hơn 5,7% dân số, vượt trước 3 năm so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra.

“Xu hướng này phản ánh mức độ quan tâm của người dân đến kênh đầu tư chứng khoán ngày càng tăng và đầu tư chứng khoán đang trở thành một kênh đầu tư quan trọng bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống” – Bộ Tài chính nhận định.

Trong 06 tháng đầu năm 2022, UBCKNN đã triển khai 10 đoàn thanh kiểm tra, bao gồm 02 đoàn thanh kiểm tra định kỳ và 08 đoàn kiểm tra đột xuất. UBCKNN tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng trong việc xử lý hình sự những vụ việc liên quan đến thao túng giá cổ phiếu.

UBCKNN đã ban hành 182 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt 15,84 tỷ đồng, trong đó một số vụ việc xử phạt áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả.

Bộ Tài chính cũng tiếp tục tiến hành tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK). Tính đến thời điểm báo cáo, kết quả thực hiện công tác tái cấu trúc như sau: 01 CTCK đang trong tình trạng cảnh báo, 01 CTCK đang trong tình trạng kiểm soát, 02 CTCK đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, 02 CTCK đang trong tình trạng giải thể; bên cạnh đó, đình chỉ hoạt động đối với 01 CTCK, chấm dứt hoạt động đối với 01 CTCK, thu hồi giấy phép của 13 CTCK và mở thủ tục thu hồi Giấy phép 06 CTCK.