Vô vàn lợi ích khi trẻ ăn vặt đúng cách

ANTD.VN - Quan niệm xưa cho rằng ăn vặt không tốt cho sức khỏe của trẻ, thế nhưng, thực tế thì nó cũng mang lại nhiều lợi ích nếu được thực hiện đúng cách.

Những đồ ăn chất lượng chắc chắn sẽ có lợi cho sức khỏe của trẻ

Với trẻ nhỏ, ăn vặt có thể coi là đam mê của các bé. Nhiều mẹ còn khẳng định, cơm cháo thì phải nài, phải ép, nhưng ăn vặt lại không phải giục. Nguyên nhân là bởi, các món ăn vặt rất đa dạng, hương vị thơm ngon, màu sắc bắt mắt nên bất cứ bé nào cũng bị mê hoặc. Hơn nữa, với cơm, cháo… các bé phải ăn từng ngày nên dễ tạo cảm giác chán, trong khi đó, đồ ăn vặt chỉ thỉnh thoảng mới được ăn nên càng tạo cảm giác thèm thuồng. 

Trải nghiệm nhiều hương vị để phát triển vị giác

Quan niệm xưa cho rằng ăn vặt không tốt cho sức khỏe của trẻ. Cụ thể, nó khiến trẻ luôn có cảm giác no, do vậy mất cảm giác ngon miệng vào các bữa chính. Hơn nữa, các đồ ăn vặt thường có hàm lượng chất béo cao, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ, đấy là chưa kể đến nhiều loại đồ ăn vặt không đảm bảo chất lượng, dễ gây rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, thực tế, ăn vặt cũng mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe nếu được thực hiện đúng cách. Cụ thể, với trẻ bé, đó là thao tác dùng tay, cầm nắm khéo léo.

“Nhắc đến ăn vặt, chúng ta thường nhắc đến đồ ăn không lành mạnh, song ăn vặt cũng có nghĩa là ăn thêm một bữa phụ nào nữa. Thông thường, hàng ngày chúng ta có 3 bữa ăn chính. Nếu giờ ăn vặt thêm một bữa nữa, với những đồ ăn chất lượng chắc chắn sẽ có lợi cho sức khỏe của trẻ”.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia)

Chẳng hạn, bé có thể tự mình cầm bánh đưa vào miệng thay vì phải dùng thìa xúc ăn như các bữa chính. Trẻ cũng có cơ hội trải nghiệm thêm nhiều loại hương vị để phát triển vị giác. Với trẻ đã đi học, ăn vặt là lúc trẻ có thể tụ tập bạn bè, tăng sự giao lưu. Trẻ cũng sẽ học thêm được kỹ năng phán đoán món nào ngon, món nào dở dựa trên hình thức bên ngoài.

Tuy nhiên, về giá trị dinh dưỡng, đồ ăn vặt vẫn luôn bị coi là “thảm họa” bởi hầu hết chỉ mang lại năng lượng rỗng, không có nhiều “chất”. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhắc đến ăn vặt, chúng ta thường nhắc đến đồ ăn không lành mạnh, song ăn vặt cũng có nghĩa là ăn thêm một bữa phụ nào nữa. Thông thường, hàng ngày chúng ta có 3 bữa ăn chính. Nếu giờ ăn vặt thêm một bữa nữa, với những đồ ăn chất lượng thì chắc chắn sẽ có lợi cho sức khỏe của trẻ. Thế nên, thay vì cấm đoán, chúng ta hãy hướng dẫn trẻ ăn vặt đúng cách.

Kiểm soát và lựa chọn những món ăn có lợi

Các chuyên gia cho rằng, các đồ ăn vặt có ích cho sức khỏe của trẻ đó là: các loại bánh ít ngọt, các loại hạt, pho mai, sữa chua… Riêng với bim bim, kẹo, bé có thể ăn nhưng số lượng chỉ nên rất ít và một tuần cũng chỉ nên 1 lần. Với trẻ lớn hơn, chúng ta có thể hướng dẫn trẻ cách mua đồ ăn đảm bảo chất lượng: chẳng hạn như phải xem hạn sử dụng sản phẩm, mua của các hãng có uy tín, không ăn vặt ở những hàng vỉa hè, nhiều ruồi nhặng xung quanh… Và dù ăn vặt là đồ nào, chúng ta cũng không nên cho bé ăn ngay trước bữa ăn. 

Thời gian ăn vặt lý tưởng nhất là giữa 2 bữa ăn chính. Nếu để trẻ tùy tiện ăn vào bất cứ thời gian nào, nó có thể khiến trẻ đầy bụng, mất cảm giác ngon miệng. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới biếng ăn. Ngoài ra, nếu ăn phải những đồ không đảm bảo vệ sinh sẽ dễ rối loạn tiêu hóa. Khi ăn vặt, có thể trẻ sẽ dùng nhiều đến tay bốc nên chúng ta cần lưu ý trẻ rửa tay sạch sẽ trước khi ăn. Ngoài ra, cũng không nên ăn các đồ này vào buổi tối vì nó dễ gây đầy bụng, đồng thời dễ khiến trẻ bị sâu răng.

Trên thực tế, bất cứ đồ ăn nào được đưa vào cơ thể cũng luôn tồn tại 2 mặt lợi và hại. Thế nên, để có thể mang lại những giá trị dinh dưỡng tốt nhất cho cơ thể nói chung và sức khỏe của trẻ nói riêng, mỗi chúng ta cần học cách cân bằng. Chuyện ăn vặt cũng vậy. Nếu biết cách kiểm soát và lựa chọn những món ăn có lợi, nó cũng sẽ mang lại những lợi ích cho sức khỏe. Vì vậy, thay vì suy nghĩ cực đoan, hãy xem xét vấn đề trên cả hai mặt.