Xử lý vi phạm nước thải tại các khu công nghiệp (1)

“Vô tư” đầu độc môi trường

ANTĐ - “Danh sách đen” những doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong khu công nghiệp (KCN), có hành vi “đầu độc” môi trường tiếp tục được nối dài. Tuy nhiên, lực lượng chức năng mới tập trung điều tra, làm rõ, xử phạt vi phạm chủ doanh nghiệp, mà “quên” đi việc xử lý trách nhiệm liên đới của BQL, chủ đầu tư hạ tầng các
khu công nghiệp(KCN).

Nước thải của KCN Quang Minh không xử lý, xả thẳng ra môi trường


Bất lực trước sai phạm

Theo thống kê của ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 8 KCN tập trung đang hoạt động. Trong số 8 KCN này, chỉ có 5 KCN xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đi vào hoạt động, còn lại 3 KCN: Sài Đồng B; Thạch Thất - Quốc Oai; Nội Bài chưa có nhà máy xử lý. Điển hình trong đó là KCN Sài Đồng B, quận Long Biên. KCN này có trên 20 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất dịch vụ hàng công nghiệp và tiêu dùng. Chỉ số ô nhiễm nước thải của KCN này được Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm nghiệm cho thấy: thông số ô nhiễm BOD5 (nhu cầu oxi sinh hóa) vượt 11,2 lần; COD (nhu cầu oxi hóa học) vượt 12,9 lần; SS (cặn lơ lửng) vượt 1,9 lần; Fe (hàm lượng sắt) vượt 3,02 lần..., đặc biệt là Coliform (vi sinh vật có hại) vượt 1.100 lần mức cho phép. Chính vì các thông số ô nhiễm đều vượt tiêu chuẩn nên nước kênh Cầu Bây - nơi tiếp nhận nước thải KCN Sài Đồng B luôn bốc mùi hôi thối.

Tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải KCN là vậy, nhưng theo đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường - CATP Hà Nội, không đáng kể gì so với các cụm công nghiệp (CCN) hiện nay. Trung tá Nguyễn Anh Dũng - Cán bộ Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết: Qua khảo sát thực tế, lực lượng công an xác định hiện chỉ có 1/33 CCN tại Hà Nội có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Theo Ban quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội: Các vi phạm về xả thải tại khu, CCN ở Hà Nội diễn ra cả chục năm nay và ngày càng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, năm 2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 08/2009/TT-BTNMT ngày 15-7-2009, “Quy định quản lý và bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu KCN và CCN”, trong đó ấn định thời hạn cuối cùng để BQL, chủ đầu tư hạ tầng KCN nào chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải, phải xây dựng và đưa vào vận hành trước ngày 31-12-2010. Tuy nhiên đến nay, viện dẫn các lý do, nhiều KCN, CCN vẫn chưa chấp hành.

Nghi vấn có sự  “tiếp tay”

Một chủ trương mà nhiều KCN trước đây và hiện nay vẫn áp dụng, là “trải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư. Chỉ quan tâm đến việc làm sao lấp đầy diện tích đất, bảo đảm hiệu quả kinh tế, BQL nhiều KCN đang có thái độ thờ ơ, coi thường pháp luật bảo vệ môi trường. Điều này phần nào lý giải tại sao Hà Nội có nhiều khu, CCN không có nhà máy xử lý nước thải; không giám sát được hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; thậm chí không “lên tiếng” mạnh mẽ với các doanh nghiệp trắng trợn vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, trên chính mảnh đất họ quản lý.

Tuy nhiên, với số ít khu, CCN có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, việc vận hành vẫn mang nặng tính đối phó. Một số chủ đầu tư KCN từng bị cơ quan công an bắt quả tang không vận hành hệ thống xử lý nước thải, “đầu độc” môi trường. Điển hình phải kể đến KCN Quang Minh. Đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết: tuy KCN này có hệ thống xử lý nước thải tập trung, song chỉ kêu gọi, vận động được 39/124 doanh nghiệp đang kinh doanh tại đây đấu nối đường ống xả nước thải vào nhà máy xử lý. Số doanh nghiệp còn lại vẫn vô tư xả thẳng ra môi trường.

Đáng chú ý, tháng 5-2010, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội còn phát hiện, bắt quả tang chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của KCN Quang Minh không vận hành trạm xử lý nước thải. Nước thải công nghiệp chứa hóa chất độc của hàng chục doanh nghiệp không được thu gom vào hệ thống xử lý, xả thẳng ra môi trường với lưu lượng lớn.

(Còn nữa)