Vô số rủi ro khi mua xe thanh lý giá rẻ bất ngờ từ ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua một số ngân hàng đã rao bán những chiếc xe ô tô đã qua sử dụng (còn gọi là xe thanh lý) với giá rất thấp.Tuy vậy, nếu không thận trọng tìm hiểu kỹ, người mua sẽ phải đối mặt với vô số rủi ro…

Xe thanh lý do các ngân hàng bán ra thường là xe của các cá nhân, công ty mua trả góp nhưng không còn khả năng trả nợ nên bị ngân hàng thu hồi và bán lại. Có những chiếc xe hình thành từ vốn vay, hiện đang thế chấp tại ngân hàng để trả nợ cho ngân hàng được đăng ký năm 2019-2021, có giá chỉ từ 30-50 triệu đồng.

Thậm chí có chiếc xe Toyota đời 2004, 15 chỗ ngồi được rao bán với giá 20 triệu đồng – chỉ tương đương 1 chiếc xe máy, xe ô tô 7 chỗ ngồi Mitsubishi đời 1998 giá 30 triệu đồng.

Bên cạnh đó, có xe được rao bán cùng với nhà xưởng, máy móc của các công ty phát sinh nợ xấu. Do giá chào bán rất thấp, những chiếc xe thanh lý từ ngân hàng thu hút sự quan tâm của người dân.

Việc bán xe được tổ chức bằng hình thức đấu giá với thủ tục khá phức tạp và mất nhiều thời gian nên số người tham gia đấu giá không nhiều khiến cơ hội mua được xe giá rẻ khá cao.

Tuy vậy, theo anh Nguyễn Xuân Hoàng – Chủ một gara ô tô cũ ở quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, chất lượng xe cũ được bán thanh lý từ ngân hàng thường khó đảm bảo. Xe sau thu hồi thường nằm chờ ở bãi trung bình trong 2 tháng, ngân hàng không tân trang, chăm sóc, xe cũng không có chính sách bảo hành bảo trì nên rủi ro khá cao nếu xe có vấn đề.

“Hầu hết các ngân hàng đều không cam kết chất lượng những chiếc xe bán thanh lý, nên người mua cần kiểm tra xe một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định, Tốt nhất nên đi xem xe cùng thợ hoặc người có kinh nghiệm để kiểm tra chất lượng, đừng vì ham rẻ mà mất tiền oan” – anh Hoàng khuyến cáo.

Khách hàng khi mua xe thanh lý từ ngân hàng sẽ đối diện nhiều rủi ro

Khách hàng khi mua xe thanh lý từ ngân hàng sẽ đối diện nhiều rủi ro

Không chỉ có vậy, khi mua xe thanh lý từ ngân hàng thời gian xử lý hồ sơ, sang tên xe khá lâu do xe được bán thông qua bên thứ ba.

Để có thể sang tên đổi chủ phương tiện, người mua cần phải có chữ ký trong hợp đồng mua bán của chủ xe ban đầu, chứ không phải chỉ làm việc cùng ngân hàng.

Việc lập và xử lý hồ sơ, phương tiện thanh lý cần phải trải qua các thủ tục như: Xem xe, kiểm tra xe, thỏa thuận giá, ngân hàng duyệt giá, thanh toán nợ, hoàn thiện giấy tờ với ngân hàng, công chứng hợp đồng mua bán, sang tên xe…

Trong quá trình mua xe thanh lý có thể phát sinh một số rắc rối như: Chủ xe không đồng ý với mức giá ngân hàng bán ra, cố tình không đồng ý thương thảo về giá bán cuối cùng để thanh lý tài sản, chủ xe trì hoãn để đợi đủ tài chính nhận lại xe hoặc cần cả chữ ký của vợ và chồng…

Cũng theo anh Nguyễn Xuân Hoàng, tình trạng pháp lý của xe ô tô thanh lý có thể không rõ ràng. Ngoài việc thế chấp xe cho ngân hàng, nhiều người còn dùng chính tài sản đó để đi vay nợ ở nhiều cá nhân, tổ chức khác. Do đó, nếu không tìm hiểu kỹ, người mua có thể phải đối mặt với các vấn đề tranh chấp từ các chủ nợ khác.

Có trường hợp xe thanh lý liên quan đến một vụ án hình sự hoặc tranh chấp dân sự khác như chủ xe vi phạm pháp luật, vợ chồng đang ly hôn mà xe là tài sản chung,… thì cũng khiến cho các thủ tục pháp lý trở nên rắc rối.

Ngoài ra, một dạng tranh chấp khác có thể phát sinh là chủ xe và ngân hàng không đạt được thỏa thuận giãn nợ. Khi đó, dù xe đã bị thu hồi, nhưng chủ xe lại không đồng ý thanh lý tài sản, không ký giấy bán…