Vỡ quỹ bảo hiểm y tế?

(ANTĐ) - Một con số đáng chú ý là chỉ trong 4 tháng đầu năm 2008, số tiền chi khám chữa bệnh cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN) đã bội chi tới gần 152 tỷ đồng. Sự bội chi này là điều đã được dự đoán trước.

Vỡ quỹ bảo hiểm y tế?

(ANTĐ) - Một con số đáng chú ý là chỉ trong 4 tháng đầu năm 2008, số tiền chi khám chữa bệnh cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN) đã bội chi tới gần 152 tỷ đồng. Sự bội chi này là điều đã được dự đoán trước.

Chỉ tròn 1 năm kể từ ngày sửa đổi điều lệ BHYT mới (tháng 6-2006), đến giữa năm 2007, quỹ BHYT đã sử dụng hết 2.800 tỷ đồng kết dư từ gần 10 năm nay.

Nguy cơ vỡ quỹ BHYT lại xảy ra khi riêng trong quý I-2008 đã có 1,6 triệu người tham gia BHYTTN. Con số này cao hơn số thẻ BHYTTN phát hành trong cả năm 2007. Và mức đóng BHYT trên thực tế cũng đã được điều chỉnh tăng lên, vậy mà thu vẫn không thể bù chi.

Hóa ra, có quá nhiều nguy cơ đe dọa đến quỹ BHYT. Chưa tính đến nguyên nhân mức đóng BHYTTN là 120.000-320.000 đồng/người/năm, thấp hơn nhiều so với chi phí khám chữa bệnh bình quân của mỗi người tham gia BHYT trong năm 2006 (gần 900.000 đồng/người/năm), thì quỹ BHYT đã và đang phải gánh chịu những chi phí bất hợp lý.

Khảo sát tình hình khám chữa bệnh tại 20 địa phương, số lần khám chữa bệnh ngoại trú, số ca điều trị nội trú đều tăng bất thường. Mức chi bình quân cho một lần khám chữa bệnh ngoại trú, một ca điều trị nội trú cũng tăng.

Còn theo BHXH Việt Nam, hiện hệ thống khám chữa bệnh tại các bệnh viện được tăng cường trang thiết bị chẩn đoán hiện đại.

Do đó, nhiều bệnh viện chỉ định những dịch vụ kỹ thuật cao không hợp lý, đặc biệt tại những bệnh viện có trang thiết bị máy móc mua theo dạng cổ phần. Tại nhiều bệnh viện trên 50% người bệnh có chỉ định siêu âm, và cứ bị tai nạn là có chỉ định chụp CT sọ não.

Bên cạnh đó, đã xảy ra tình trạng thuốc ngoại giá cao được chỉ định sử dụng rộng rãi, chiếm trên 80% tổng số chi phí thuốc, tập trung chủ yếu ở các bệnh viện tuyến trung ương. Đó là chưa kể đến việc có trạm y tế phường đã lập khống hàng trăm hồ sơ để rút quỹ BHYT trên 50 triệu đồng.

BHYT, cũng như tất cả các loại hình bảo hiểm khác, đều phải hoạt động dựa trên nguyên tắc cộng đồng chia sẻ rủi ro, người khỏe chia sẻ với người ốm.

Do vậy, dù đối tượng tham gia BHYT có tăng lên, nhưng phần lớn là loại hình tự nguyện với tỷ lệ rất cao người già, người có bệnh sẵn và người nghèo được Nhà nước trả phí thì số lượng tăng chỉ là gánh nặng quá tải thêm cho quỹ BHYT.

Bởi với các đối tượng này, mức đóng rất thấp trong khi số chi cho họ lại lớn nhất.

Sự tùy tiện trong các chỉ định xét nghiệm hiện nay cũng cần phải thay đổi và quy định rõ, bởi đây chính là một sự lãng phí rất lớn. Phải chuẩn hóa các xét nghiệm, không thể để tình trạng ở huyện xét nghiệm, lên tỉnh lại xét nghiệm và lên trung ương làm thêm một loạt xét nghiệm tương tự.

Cũng cần lưu ý là trong khi mức đóng phí BHYT ở nhiều nước khá cao (Thái Lan 4,5%, Nhật Bản 7-9%, Nga 10%, Đức 12%...) thì ở Việt Nam người tham gia BHYT bắt buộc chỉ phải đóng 3% lương.

Anh Thư