Vỡ đường ống nước sông Đà: Hàng chục nghìn hộ dân lao đao

ANTĐ - 3 ngày kể từ khi đường ống nước sông Đà của Công ty nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cung cấp nước cho người dân quận Thanh Xuân bị vỡ, sự cố vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt sự việc lại xảy ra đúng vào những ngày nghỉ cuối tuần, khi nhu cầu dùng nước lên cao nhất  nên hầu như người dân không kịp đối phó.

Hậu quả là hơn 40.000 hộ dân của 3 quận đã bị ảnh hưởng, cụ thể là 2 phường của quận Cầu Giấy, một bộ phận của quận Hoàng Mai và toàn bộ quận Thanh Xuân. Theo khảo sát của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, phần lớn hộ gia đình sử dụng nguồn nước này đều không hề biết sự cố mất nước từ ngày 4-2, chính vì vậy họ vẫn vô tư dùng nước. Chỉ tới hôm sau, khi các bể chứa đã cạn khô, người dân mới nháo nhác vì mất nước nên không thể duy trì nếp sinh hoạt như bình thường.

Đường ống vỡ đang được khắc phục

Quán triệt “đầu ra”

Chị Phạm Thị Thủy trú tại khu B tập thể Thanh Xuân Bắc cho biết: “Mấy ngày nay, gia đình tôi rơi vào cảnh cơm hàng cháo chợ. Lý do duy nhất là trên bể không có nổi một giọt nước để nấu cơm. Mới hôm qua, tôi mới biết là do vỡ đường ống dẫn nước chính về Hà Nội. Nếu biết sẽ mất nước kéo dài như vậy thì gia đình tôi đã có kế hoạch sử dụng tiết kiệm nước trên bể chứa đặt trên trần. Đằng này…”. Gia đình chị Thủy không có bể chứa ngầm, cả chung cư 5 tầng nơi chị sinh sống chỉ có duy nhất một bể chứa chung đặt trên nóc tầng 5 dùng cho cả khu. Chính vì thế, khi có sự cố xảy ra thì không riêng nhà chị mà hàng chục gia đình khác cũng đều rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Để khắc phục tình trạng này, một số hộ dân tại đây có “sáng kiến” mua nước đóng bình về sử dụng. Nhưng theo bà Lê Thị Minh - một hộ dân ở đây cho biết thì giải pháp ấy cũng chỉ giải quyết được khâu… “đầu vào”. Còn “đầu ra” thì người dân chịu chết. Than thở với chúng tôi, bà Minh nói bằng giọng hài hước: “Sống ở nhà cao tầng không có nước thì chỉ có bán nhà. Nhà chung cư bao giờ cũng khép kín, ăn uống thì cố khắc phục được, nhưng ăn rồi thì phải đi vệ sinh. Thế mà mất nước mấy ngày trời như vậy thì dù có cố nhịn chúng tôi cũng không chịu được. Khốn nỗi đi vệ sinh xong thì lấy đâu ra nước mà dội, chả lẽ cứ để khắp nhà bốc mùi?”. Chính vì thế nên mấy ngày nay, bà Minh “quán triệt” tất cả chồng con dù đi học hay đi làm thì phải tranh thủ giải quyết khâu vệ sinh ngay tại lớp và công ty chứ không được phép mang về nhà nhằm… đảm bảo “môi trường”. “Không chỉ riêng nhà tôi đâu, tất cả các nhà xung quanh đây đều như vậy hết. Thậm chí có gia đình phải “di tản” toàn bộ đến nhà anh em họ hàng để… tắm nhờ nữa đấy” - bà Minh nói.

Đã có phương án dự trù

Trước sự cố này, ông Cao Hải Tháp - Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) - đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nước đến người dân cho biết: “Công ty chịu trách nhiệm quản lý hệ thống cung cấp nước từ trạm đầu mối thuộc khu vực Trung tâm hội nghị Quốc gia tới đồng hồ của người dân. Phần còn lại thuộc về  Viwasupco. Theo thông tin ban đầu chúng tôi nhận được thì sự cố xảy ra tại đường ống phi 1.500cm thuộc khu vực thôn Yên Lũng, xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội). Phía Viwasupco cũng đang rất tích cực sửa chữa, nhưng có lẽ do vết vỡ khá lớn, đường ống lại nằm sâu dưới đất tới 5m nên không thể xong trong ngày một ngày hai. Dự kiến là trong sáng nay (7-2), việc sửa chữa sẽ khắc phục xong và chúng tôi lại có thể tiếp tục cung cấp nước cho người dân một cách bình thường”.

Được biết trung bình một ngày Viwaco có trách nhiệm cung cấp khoảng hơn 100.000m3 nước và đây là lần đầu tiên hệ thống cung cấp nước này bị sự cố lớn đến như vậy. Trước câu hỏi: Nếu trong ngày 7-2, việc xử lý sự cố vẫn chưa xong, phía công ty đã có phương án dự trù để khắc phục tạm thời cho người dân hay chưa? Ông Tháp cho biết: “Chúng tôi đã tính đến khả  năng này. Nếu hôm nay việc xử lý vết vỡ chưa hoàn thành, Viwaco sẽ đề nghị với Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội “cấp cứu” bớt cho một số địa bàn hiện đang “căng thẳng” về nước. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi phía Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội cũng không thể đảm bảo được cho toàn địa bàn quận Thanh Xuân. Do đó, nếu có thì cũng chỉ một vài điểm là sẽ có nước tạm đủ dùng. Số còn lại chúng tôi sẽ xử dụng xe téc chở tới tận nơi để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân”.