Võ đường... hợp chủng quốc

(ANTĐ) - Lò võ đến lạ. Lạ nữa ở chỗ, cả võ đường ấy ngoài ông thầy vốn chẳng phải người Tây, còn lại môn sinh thì tịnh không có một ai là người Việt.

Võ đường... hợp chủng quốc

(ANTĐ) - Lò võ đến lạ. Lạ nữa ở chỗ, cả võ đường ấy ngoài ông thầy vốn chẳng phải người Tây, còn lại môn sinh thì tịnh không có một ai là người Việt.

Lọt thỏm trong một con ngõ nhỏ, lối lên ngoằn ngèo qua mấy lần cầu thang, nơi “thi triển quyền cước” cũng chẳng lấy gì làm rộng rãi, thế nhưng đã hơn chục năm nay, lò võ của Võ sư Phạm Vũ Quang không lúc nào vắng người luyện tập.

“Lập thân tối hạ...”

Trong giới võ thuật của Hà Nội, cái tên Phạm Vũ Quang vốn không phải là quá xa lạ. 8 tuổi bắt đầu học võ, 16 tuổi đã “thành thầy”, những năm 80 anh là một trong số những võ sư trẻ nhất của Sở Thể dục Thể thao Hà Nội tham gia làm huấn luyện viên võ thuật cho các lớp thiếu niên.

Rồi trưởng thành đi học đại học, rồi vào lính, rồi ra lính, đi làm đủ thứ nghề, rút cuộc lại quay lại với nghiệp võ. Quang bảo: “Có lẽ võ nghệ nó đã ngấm vào máu mình, lúc nào cũng chảy trong huyết quản nên cố trốn cũng chẳng được. Học nó từ nhỏ rồi chính nó lại nuôi sống mình, thế nên coi nó như nghiệp vậy”.

Thực ra thì đôi ba lần, ông cụ Phạm Ngọc Lan thân sinh ra anh cũng cố hướng cho con mình nối nghiệp. Vốn xuất thân là dân văn nghệ sĩ, là một tay máy có tiếng (Nghệ sĩ ưu tú) của Hãng Phim truyện Việt Nam nên ông cụ cũng muốn con theo đòi bút nghiên.

Chiều ý cha, Quang thi đậu vào Đại học Tổng hợp Lý, rồi cũng loay hoay một chút với nghệ thuật. Nhưng cũng chẳng được mấy bữa, nghề võ lại kéo anh theo những miếng cước, đường quyền. Thấy “ông con” mải mê với võ nghiệp, ông cụ cuối cùng đành tặc lưỡi: Thôi thì “lập thân tối hạ thị văn chương”. Xưa nay cái câu “nghề chọn người” chẳng lúc nào thất sách.

Mở lò võ với Quang là một sự tình cờ. Bắt đầu từ năm 1996 trong một buổi tập tại phòng tập thể hình trên đường Nguyễn Thái Học, tình cờ anh gặp hai người nước ngoài nói với chủ phòng tập về nhu cầu cần tìm người giúp họ rèn luyện thể lực.

Kinh nghiệm của 3 năm làm huấn luyện viên võ thuật trong quân ngũ cộng với quãng thời gian khá dài từng dạy võ tại Sở Thể dục Thể thao khiến anh nhận lời dạy kèm 2 môn sinh ngoại quốc này tại gia đình họ. Dần dần người nọ giới thiệu người kia tìm đến gặp anh, số môn sinh ngày một đông thêm, điều đó khiến Quang đi đến quyết định mở lớp luyện võ ngay tại nhà cho đỡ mất công đi lại.

“Duyên phận phải chiều”

Năm 1998 võ đường của anh chính thức mở ra tại số 1 phố Hồ Xuân Hương. Chẳng quảng cáo, chẳng chiêu sinh, người học tìm đến với Quang hoàn toàn do chính những môn sinh cũ giới thiệu. Thầy cũng dễ tính, thấy học trò đủ thể lực theo học là ok. Chính vì thế võ đường này hầu như rất ít người Việt biết đến mà chủ yếu là người nước ngoài. Đó là những nhân viên ngoại giao từ các văn phòng đại sứ quán, những doanh nghiệp nước ngoài hay từ các tổ chức của Liên hiệp quốc đang hoạt động tại Hà Nội.

Võ đường nằm trên tầng 3, một mặt quay ra phố Hồ Xuân Hương, một mặt nhìn xuống phố Bà Triệu lúc nào cũng tấp nập người xe qua lại. Hôm tôi đến, Quang đang “đánh vật” với hai môn sinh nữ. Một là Britta Merklinghaus, 27 tuổi - nhân viên ngành giao thông của UNDP đến từ Darmstadt (Đức) và một là Eva Vernerova - nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ Olomovc (CH Czech) tới. 

Eva đang theo học kiếm pháp Thái cực quyền, cô nói: Chúng tôi vẫn gọi vui đây là “Võ đường hợp chủng quốc” vì thầy Quang có số môn sinh đến từ hơn 50 quốc gia khác nhau. Chưa hẳn là một môn phái, nhưng những gì học được ở đây giúp chúng tôi giảm bớt đi căng thẳng sau một ngày làm việc.

Và cơ bản là chúng tôi có điều kiện để tìm hiểu văn hóa. Triết lý văn hóa phương Đông ẩn hiện đằng sau những đường kiếm và các thế võ. Britta thì đơn giản hơn: Buổi học đầu tiên, Quang nói với chúng tôi: “Học võ không phải để đánh nhau”. Tất cả cùng ồ lên: “Vậy học để làm gì?”. Quang nói: “Người Việt học võ để không bị đánh. Chúng tôi chỉ tự vệ”.

Ở đây có vấn đề khác biệt về tư duy - Britta nói tiếp - người phương Đông coi nó như một thứ văn hóa. Họ học võ giống như chúng tôi chơi nhạc Jazz vậy. Và tôi cũng thích nhạc Jazz - Cô cười và gấp võ phục vào ba lô.

Bây giờ “Võ đường Hợp chủng quốc” vẫn đều đặn mở cửa từ 5h sáng đến 9h đêm. Quang bảo: Muốn dạy võ cho người nước ngoài là phải hiểu phong tục, tập quán của họ. Có như thế mới giúp họ hiểu học võ chính là cách để giúp con người làm chủ bản thân chứ không phải là làm đau người khác. Tuy nhiên để giúp họ hiểu sự thật, đôi khi cũng cần mạnh tay một chút -  và anh mỉm cười một cách hài hước.

Minh Tú