Vô can?

(ANTĐ) - Những ngày qua, việc một số công ty chuyên mua bán hàng hóa qua truyền hình như Happy Shopping, Viet Home Shopping… bị phát hiện bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về nhãn mác đã làm dư luận bức xúc.
 

Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến việc một hình thức mua sắm mới, được cho là tiện dụng đang bị lợi dụng và bộc lộ nhiều rủi ro, mà quan trọng hơn là trách nhiệm cũng như sự liên đới của nhà “đài” đến đâu sau hàng loạt vụ gian lận thương mại bị phát giác?

Không thể phủ nhận sức cuốn hút về mặt thương hiệu cũng như hiệu quả kinh doanh của các sản phẩm được quảng bá trên sóng truyền hình. Người tiêu dùng tin tưởng, sẵn sàng gọi điện mua hàng mà không cần tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, phần lớn cũng vì niềm tin với kênh truyền hình đang đóng vai trò “cầu nối”. Nhưng nhìn lại, nhà “đài” đã làm gì khi nhiều nội dung quảng cáo bị hư cấu, còn các doanh nghiệp lại bán hàng “ất ơ”. Vấn đề này, có lẽ người tiêu dùng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Trong khi đó, Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã quy định: nếu hàng hóa, dịch vụ được cung cấp cho người tiêu dùng qua bên thứ 3 thì bên thứ 3 phải có trách nhiệm bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về các loại hàng hóa, dịch vụ. Nhiều trường hợp vi phạm quy định trên đã bị xử lý nhưng thực tế, sự giả dối vẫn được tiếp tay, điều này đã khiến người tiêu dùng đặt ra câu hỏi: Có hay không việc nhà “đài” “bắt tay” doanh nghiệp giữ “bí mật” thông tin về sản phẩm? Và sự im lặng, thiếu những động thái bồi thường, khắc phục hậu quả vẫn được bên có trách nhiệm cung cấp thông tin duy trì có đồng nghĩa với việc cho rằng mình vô can?

Ở khía cạnh khác, nhiều người tiêu dùng đã “ăn” phải “quả lừa”. Nhưng họ biết kiện ai và đòi quyền lợi ở đâu khi những sản phẩm “rởm” mà mình đã mua về luôn có giá hàng triệu đồng, trong khi hình thức bán hàng này chưa bị coi là hành vi lừa đảo và việc xử lý các bên liên quan vẫn chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính.