Viết từ một chuyến đi

(ANTĐ) - Fredkorpset (FK) vốn là một tổ chức tình nguyện phi Chính phủ Na Uy, thành lập cách đây 47 năm, sau rồi mới trực thuộc Bộ Ngoại giao nước này. Nó hoạt động độc lập bằng nguồn kinh phí Nhà nước, để hỗ trợ Chính phủ cho mục tiêu hợp tác và phát triển toàn diện đất nước. Na Uy trải dài trên bờ biển như Việt Nam, diện tích nhỏ hơn nước ta một chút (323.759 km2/ 331.700 km2).

Viết từ một chuyến đi

(ANTĐ) - Fredkorpset (FK) vốn là một tổ chức tình nguyện phi Chính phủ Na Uy, thành lập cách đây 47 năm, sau rồi mới trực thuộc Bộ Ngoại giao nước này. Nó hoạt động độc lập bằng nguồn kinh phí Nhà nước, để hỗ trợ Chính phủ cho mục tiêu hợp tác và phát triển toàn diện đất nước. Na Uy trải dài trên bờ biển như Việt Nam, diện tích nhỏ hơn nước ta một chút (323.759 km2/ 331.700 km2).

Đưa mọi người đến với nhau

Na Uy là nước phát triển ở Bắc Âu. Tính cộng đồng toàn cầu và nhân văn của người dân đất nước quân chủ lập hiến này thật đáng nể phục. Mong muốn xây dựng một thế giới công bằng và phát triển cho quyền sống cơ bản của con người, Na Uy coi trọng sự liên kết hợp tác với các nước đang phát triển, đặc biệt là hỗ trợ các nước nghèo nhất trong các nước nghèo, theo năm nguyên tắc: thống nhất, trao đổi, bình đẳng, đa dạng và minh bạch.

Hoạt động của FK gồm hai lĩnh vực chính: chương trình trao đổi và phát triển mạng lưới. Hiện FK đã có mạng lưới trên 60 nước ở ba châu lục Á, Phi và Nam Mỹ, trong đó có Việt Nam. Năm 1963, ngay khi mới thành lập, FK đã cử các tình nguyện viên sang Uganda và Iran. FK tổ chức ba chương trình trao đổi: trao đổi nam - nam (giữa các nước đang phát triển), trao đổi bắc - nam (giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển), và trao đổi giữa những người trẻ tuổi. Một bên là các tổ chức, tập đoàn, các tổ chức cộng đồng Na Uy, một bên là các nước Á, Phi và Nam Mỹ.

Chúng tôi - diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam (VFEJ) được FK chỉ định làm điều phối chương trình trao đổi nam - nam với Trung Quốc và Lào. Chương trình bắt đầu bằng việc tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn ba tuần ở Thái Lan - một trong hai nước có văn phòng đại diện của FK trên toàn thế giới.

Lần này, Diễn đàn nhà báo môi trường Trung Quốc cử hai tình nguyện viên (TNV), một sang Lào và một sang Việt Nam. Lào cử một TNV sang Việt Nam. Việt Nam cử hai TNV, một sang Lào và một sang Trung Quốc. Chương trình trao đổi diễn ra trong 12 tháng. Khóa học chuẩn bị này do AIT và FK phối hợp tổ chức nhằm giúp các TNV sống và làm việc hiệu quả ở đất nước sẽ tiếp nhận mình đến làm việc.

Ba tuần tập huấn với năm đơn vị học trình là đủ hay thiếu? Nhiều hay ít? Câu trả lời phải là của các TNV sau hoặc ngay trong thời gian làm việc. Nhưng tôi thật sự ngạc nhiên khi trong các học trình ngoài những vấn đề chung về mục tiêu hoạt động của FK, của các TNV khi tiến hành trao đổi, những vấn đề về con người, về phát triển rất được FK chú trọng.

Họ chuẩn bị cho các TNV không chỉ những nguyên lý, những đặc điểm văn hóa, mà cả cách thức xử lý những cú sốc văn hóa, cách đối phó với tâm lý chán nản, e sợ hoặc cô đơn khi một mình sống ở một nước xa lạ. Chu đáo đến mức chuẩn bị cho các TNV trẻ cả phương thức đối phó với những người khó tính, dạy họ cách xử lý khi gặp mâu thuẫn, dặn những điều cần thiết về an toàn và an ninh cá nhân, dạy cách sơ cứu khi gặp nạn. Các bà mẹ Hà Nội dạy con gái khi đi làm dâu cũng không kỹ càng hơn được.

Học kỹ năng sống bằng trò chơi

Mỗi nhóm trên dưới chục người bám chặt lấy nhau thành một con rắn. Bám vào vai, vào thắt lưng, miễn sao không bị đứt ra khi tấn công rắn khác, hoặc rắn khác tấn công vẫn không giật, kéo được đuôi (người cuối cùng ra) khỏi thân là được. Bốn con rắn quần nhau hò hét, kêu ré lên, la oai oái, ngã lăn kềnh, cười nắc nẻ.

Tôi, gã đầu bạc 70 tuổi thoắt sống lại những đêm trăng ở quê chơi trò rồng rắn lên mây với lũ bạn bè tuổi thơ. Rồi mấy chục con người thi nhau rút ra nhận xét: Nếu đầu bám chặt lấy đuôi thành một vòng tròn thì bảo vệ được mình, nhưng không thể chiến thắng được kẻ khác. Muốn thắng được đối phương, cả con rắn phải mạnh, trước hết là cái đầu phải mạnh, phải mưu trí (lúc nào thì bỏ đuôi ra để cắn đuôi đối phương) trên cơ sở từng đốt phải mạnh.

Các đối tác và tình nguyện viên tham gia trò chơi khởi động trước khi vào giờ họp
Các đối tác và tình nguyện viên tham gia trò chơi khởi động trước khi vào giờ họp

Trò chơi ấy, yêu cầu cao ở thể lực. Trò chơi chuyển nước lại yêu cầu ở trí tuệ, mưu mẹo, kinh nghiệm. Các nhóm đều được trang bị 1 cuộn thừng to, 1 cuộn dây (buộc hàng) 1 xô nhựa, 1 thùng nước. Làm sao chuyển được nước từ hồ nước (thùng nước) ấy, đến một làng (một vùng giới hạn bằng một hình vuông mỗi chiều 3m), không được bước chân vào làng, mà vẫn đổ được đầy chai nước giữa làng ấy. Các nhóm xúm lại bàn luận. Hai nhóm cùng nghĩ ra một cách, dùng dây thừng buộc xô nhựa đầy nước, khiêng xô nhựa (đã buộc dây để điều chỉnh) vào làng, kéo sợi dây điều khiển để đổ nước vào chai.

Một nhóm nước rót mạnh quá làm đổ chai chịu chết không làm sao dựng lên được. Nhóm tôi, rút kinh nghiệm, khéo léo hơn nên cũng đổ được đầy chai, trước tiếng reo hò khoái trá của mọi người. Nhược điểm là thời gian thực hiện lâu nhất. Hai nhóm kia dùng thừng “khiêng” người cùng với xô nước đầy vào làng, nhờ thế nước đổ vào chai ngon lành. Thời gian dùng rất ít. Tôi cũng đề xuất cách làm này. Tiếc rằng không thuyết phục được cả nhóm vì phải qua TNV dịch, mà là dịch ngược nên có phần lúng túng. Trò chơi dạy người ta bài học: Thách thức thế nào rồi cũng tìm ra được giải pháp.

Ấy là nhờ sức nghĩ của mọi người góp lại. Nói thế thì đúng nhưng bảo, ba thợ giày thành một Gia Cát thì…, câu này là của một lãnh tụ nước nọ nhằm huy động hiến kế của mọi người thôi. Nó chỉ đúng khi cần những mẹo nhỏ giải quyết những chuyện vụn vặt trong đời sống lao động hàng ngày thôi. Những bài toán xã hội lớn cần phải có những trí tuệ lớn của những bậc trí giả, các nhà tư tưởng lớn. Ba, chứ ba trăm triệu thợ giày cộng lại cũng chẳng thể bằng được một trí tuệ Gia Cát.

Thợ chỉ có thể nghĩ ra mẹo. Thầy mới nghĩ được ra mưu. “Mưu thầy mẹo thợ”, các cụ ta xưa đã nói rồi! Thành công, thành công đến mức độ nào, cả thất bại của nhóm này nhóm khác đều có cùng một nguyên nhân trực tiếp là việc trao đổi thảo luận giữa các thành viên trong nhóm (như nhóm tôi) chưa thật thấu đáo, hoặc sự phối hợp hành động giữa mọi người chưa ăn ý, nhịp nhàng. Cũng có thể cả nhóm chưa bầu được người chỉ huy đích thực của mình (như nhóm đánh đổ chai) các đối tác, các TNV chúng tôi rút ra kết luận như thế.

Một đời làm công chức, không thể đếm được đã dự bao nhiêu lớp tập huấn. Thú thật, không còn nhớ được gì. Trong ký ức tôi, chỉ còn đọng lại những gì nghiêm trang và nghiêm túc, nặng nề và khô cứng. Chưa bao giờ, chưa một ai được cười hay cười được trong các lớp tập huấn ấy vì toàn những chuyện to tát, quan trọng và nghiêm trọng. Nhưng thực tế là chẳng biết để làm gì. Hơn nửa thế kỷ trước, khi đến thăm trường cấp 3 Chu Văn An, Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: Nhà trường là nơi chuẩn bị cho học sinh vào đời. Lâu nay chúng ta mới chỉ dạy kiến thức (dẫu còn sách vở) không hề dạy kỹ năng sống như chúng tôi đang được cẩn thận dạy từ những trò chơi như thế.

Lồng lộng con người

Giảng viên của chúng tôi là bà Teresta Suselo, người Philippines cổ ngắn, mình ngắn, chân ngắn. Ngắn đến mức bà đứng mà chỉ bằng các học viên ngồi. Nhưng hình như bà không hề mặc cảm về điều đó. Phụ nữ có thể đi giày, dép cao trên dưới mười phân để tăng chiều cao cơ mà. Tôi nhìn xuống đôi dép rọ giản dị dưới chân bà. Nó mỏng dính như đôi dép mo cau của các bà nông dân Việt Nam nghèo ngày xưa vậy. Cái gì cũng ngắn, chỉ trí tuệ là dài. Có lẽ bà tự biết như thế. Giọng bà khúc triết mạch lạc. Sự tự tin thể hiện rõ trên gương mặt đầy đặn phúc hậu như một bà mẹ Việt Nam đã có tuổi.

Trong lớp chỉ có hai người là tôi và một người nữa không hiểu bà nói gì. Vì không hiểu gì nên tôi cho phép mình quan sát bà và những người khác. Họ đều biết tiếng Anh, nên nét mặt tỏ ra rất chăm chú. Mắt cứ sáng lên như nuốt từng lời, chứng tỏ họ rất hiểu điều bà nói. Nhiều lần bà dừng lại, đặt câu hỏi, học viên trả lời, bà phát triển, mở rộng. Nhiều lần bà làm các học viên cười, cười thích thú bởi khoái cảm trí tuệ chứ không phải vì lối pha trò rẻ tiền. Tôi càng cảm phục người phụ nữ lùn tịt có chồng là người Inđônesia và hai đứa con đã làm nên điều kì diệu để mọi người đều gặp nhau trong tiếng cười hòa hiếu, hòa hợp, hòa đồng.

Chưa bao giờ tôi chứng kiến một lớp tập huấn vui như thế. Chưa bao giờ tôi ngồi cùng lúc với các bạn mang nhiều quốc tịch đến thế. Chợt xót thương cho chính mình bởi sự ấu trĩ kém cỏi đầu đời. Khi ấy, tôi chỉ biết đủ các thuộc tính của văn chương, trừ thuộc tính quan trọng nhất làm nên giá trị nhân loại - nhân tính. Mặc dầu vẫn thuộc lòng câu ông cha ta dạy - một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.

Hồi chống Pháp chúng tôi vẫn hát: Vàng đen trắng nước da không chia tấm lòng. Biên giới kia ngăn chặt mối dây thân tình. Phản động kia không ngăn lòng yêu chứa chan. Có đoàn thiếu nhi, chỉ mong yên vui thái bình… (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước). Mãi đến bây giờ mới thành hiện thực, không phải chỉ với trẻ con mà là với người lớn. Mãi gần đây mới biết thế giới người ta có hẳn một môn khoa học gọi là nhân loại học.

Khoan dung

Đêm trước ngày chia tay về nước, chúng tôi quây quần bên mấy chai bia, một chai   cocacola. Tôi bảo các bạn Lào là, rất ngạc nhiên khi thấy cờ Đảng của Lào vẫn là cờ búa liềm của Đảng Cộng sản Đông Dương một thời. Rằng tôi rất khoái khi sang đấy, thấy nước bạn nhất thể hóa đúng như trong tiểu thuyết “Lửa đắng” của tôi - Bí thư Đảng và Chủ tịch chính quyền là một.

Tôi khoe rằng, Chủ tịch Suva Nuvông và Tổng bí thư Cay Xỏm Phôm vi hẳn từng là học sinh trường Bưởi mà có mười năm tôi làm công tác quản lý ở đây. Anh Manichanh, Trưởng ban kinh tế Thời báo Viên Chăn thì kể rằng đã cùng các bạn qua cửa khẩu cầu treo Hà Tĩnh sang Cửa Lò chỉ để được tắm biển một lần. Lào không có biển, ta đã cho bạn thuê một phần cảng Đà Nẵng để thông thương với thế giới.

Tôi nâng bàn tay anh bạn Pu Tan lên ngắm. Lòng bàn tay anh trắng bệch, nhưng mu bàn tay đen nhẻm. Anh buộc chỉ cổ tay, với ý nghĩa là lời cầu chúc may mắn. Anh bảo cái này Chúa buộc cho, cái này Phật buộc cho, còn cái này bạn buộc cho. Dây vòng vàng đeo tay là bằng tiền lương tháng đầu tiên. Dây vòng vàng đeo cổ để đeo tên dòng họ. Anh tên là TSHERING WANGDI, 25 tuổi, làm nghề quay phim cho tổ chức truyền thông TARAYANA FOVNDATTON, tên một vị nữ Chúa.

Tôi kể, xưa Việt Nam cũng có tục buộc chỉ cổ tay, nhưng là để trai gái nhắc nhở nhau giữ lời hẹn ước. Tôi cũng đã từng được bà con một bản người Lào hì hục cả buổi chiều làm bánh nếp và trang trí mâm hoa bốn tầng dùng trong lễ buộc chỉ cổ tay cho tôi. Câu chuyện thân mật như quen biết từ lâu. Anh bạn Myanma ngồi bên làm tôi nhớ đến một người Diến Điện (sau gọi là Miến Điện, giờ là Myanma) từng là Tổng thư ký Liên hợp quốc. Đấy là người châu Á đầu tiên giữ cương vị ấy. Mấy chục năm sau, giờ đến ông Ban-ki Moon (Hàn Quốc) là người thứ hai.

Anh bạn trẻ bảo có nghe nói như thế, nhưng không nhớ tên. Tôi nhắc, đấy là ông Uthan và hỏi, sao ông ấy mặc váy mà anh không mặc như anh bạn Pu Tan này? Anh bảo có mang đi, nhưng vào một dịp nào đấy trang trọng mới mặc. Nhờ không khí thân mật nên tôi đánh bạo hỏi, đàn ông Scotlen cũng mặc váy ngắn, tôi nghe, có tờ báo nói ở trong họ không mặc gì… Thế… các anh có mặc gì bên trong không? Mấy cô Việt Nam đỏ mặt. Tôi phải ép mới dịch, anh ấy bảo có khi có, có khi không. Khi nào có khi nào không? Cả đám phá lên cười. Không biết anh trả lời thế nào, mấy cô thà chết chứ nhất định không chịu dịch.

Thế đấy, chỉ nói chuyện ăn, chuyện mặc cũng thấy tính nhân loại của mỗi dân tộc. Sự khác biệt chỉ là tử số rất nhỏ, thuộc về đặc điểm văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán… Nhưng dù khác nhau thế nào cũng vẫn tìm ra tiếng nói chung. Mục đích hoạt động trao đổi của FK chính là mang mọi người đến với nhau, để tìm hiểu nhau, trao đổi, học hỏi nhau đặng cùng nhau phát triển. Chỉ nhắc tên của các nước nhóm trong khóa học này cũng thấy chúng tôi quan tâm đến chuyện gì: Tín dụng nhỏ, Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Truyền thông về môi trường, Nông nghiệp sạch, Quyền con người, Đối thoại hòa bình.

Trước kia tôi chỉ hiểu khoan dung là rộng lượng, bao dung, tha thứ, kiểu đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Đến khi biết đến định nghĩa của Liên hợp quốc về Năm quốc tế khoan dung mới biết đến tầm văn hóa rất cao của khái niệm này.

Khoan dung là hãy chấp nhận sự khác nhau của người khác, kể cả tôn giáo, sắc tộc, chính kiến. FK và AIT đang dạy tôi những bài học về sự khoan dung để hội nhập thế giới. Trong một điều tra xã hội ngắn, giảng viên hỏi các TNV, bạn lo sợ nhất điều gì? Không phải chỉ các bạn Ấn Độ vừa phải chịu một trận khủng bố kinh hoàng thế giới ở Mum bai mà nhiều TNV đều trả lời: Nạn khủng bố.

Nguyễn Bắc Sơn