Việt Nam và Mỹ tăng cường hợp tác trong các vấn đề toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ tăng cường hợp tác song phương, Việt Nam và Mỹ còn tăng cường hợp tác trong giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu tại Liên hợp quốc, góp phần đưa quan hệ hai nước không chỉ mở rộng mà còn phát triển về chiều sâu, thực chất hơn.

Nỗ lực cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ

Mới đây, tại New York (Mỹ), Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã có buổi làm việc với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Mỹ, thành viên nội các Linda Thomas Greenfield nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước và hai phái đoàn trên các vấn đề toàn cầu cùng quan tâm trên các diễn đàn đa phương, trong đó có Liên hợp quốc.

Lễ khánh thành tòa nhà S8 tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam do Chính phủ Mỹ tài trợ

Lễ khánh thành tòa nhà S8 tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam do Chính phủ Mỹ tài trợ

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi thẳng thắn và chia sẻ quan điểm về các ưu tiên của mình tại Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc, các lĩnh vực cùng quan tâm như phát triển bền vững, tuân thủ luật pháp quốc tế, các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, qua đó thu hẹp khác biệt, thúc đẩy hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tập trung tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu và khu vực.

Đây là hoạt động nhằm triển khai và cụ thể hóa Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ được hai bên nhất trí thông qua trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vừa qua, trong đó xác định tăng cường hợp tác trên 10 lĩnh vực trụ cột, gồm nhiều cấp độ hợp tác, từ song phương đến khu vực và toàn cầu.

Liên quan đến hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, nổi lên là hợp tác về gìn giữ hòa bình giữa Việt Nam và Mỹ thông qua Liên hợp quốc. Mỹ là một trong những đối tác hàng đầu tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác về gìn giữ hòa bình với Việt Nam, thể hiện rõ nét nhất qua Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình mà hai bên ký năm 2015. Không những thế, lĩnh vực hợp tác này còn được đưa vào nội dung chương trình Đối thoại chính sách quốc phòng, tham vấn quốc phòng và các cuộc gặp song phương giữa hai bên.

Hiện Mỹ đang tích cực phối hợp và hỗ trợ để Việt Nam trở thành trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình đẳng cấp quốc tế. Với sự trợ giúp của Mỹ, Tòa nhà giảng viên, học viên quốc tế - S8 đã được hoàn thành và bàn giao vào năm 2021. Đây là khu lưu trú tiện lợi dành cho các giảng viên và học viên quốc tế khi tham gia các hoạt động huấn luyện, trao đổi chuyên môn và hội thảo, hội nghị về gìn giữ hòa bình tổ chức tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Trước đó, Tòa nhà S5 tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng đã hoàn thành để làm cơ sở huấn luyện các thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Nam Sudan và tổ chức các khóa đào tạo của Liên hợp quốc cho các nước láng giềng trong khu vực.

Hoạt động trao đổi đoàn về lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc luôn được hai bên quan tâm thúc đẩy. Hàng năm, Mỹ mời và tài trợ Việt Nam cử nhiều lượt sĩ quan tham dự các khóa tập huấn ngắn hạn về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc như huấn luyện quan sát viên quân sự, sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần… trong khuôn khổ Chương trình sáng kiến hoạt động hòa bình toàn cầu (GPOI). Hai bên cũng tích cực tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn, các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Việt Nam và Mỹ cũng tích cực hợp tác trong đối phó với thách thức toàn cầu là biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo như Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) lần thứ 26 đặt ra. Hiện Việt Nam và Mỹ đã thiết lập cơ chế Đối thoại an ninh năng lượng nhằm hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này. Năm 2022, Mỹ và Việt Nam đã khởi động dự án Chương trình năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) trị giá 36 triệu USD do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ nhằm cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để hiện thực hóa các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng bền vững.

Nhiều lĩnh vực hợp tác trong các vấn đề toàn cầu đang mở ra

Phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9-2023 với chủ đề “Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu đậm quan hệ Việt Nam - Mỹ, trong đó nhấn mạnh không ai có thể tưởng tượng có một ngày Tổng thống Mỹ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và tuyên bố cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác ở mức độ cao nhất. Điều này là một minh chứng cho việc các nước có thể vượt qua quá khứ, từ đối thủ trở thành đối tác để cùng giải quyết các thách thức và hàn gắn vết thương. Từ bài học kinh nghiệm này, Tổng thống Joe Biden khẳng định, Mỹ sẵn sàng hợp tác với các nước để giải quyết các tranh chấp và Mỹ cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.

Nhiều lĩnh vực hợp tác trong các vấn đề toàn cầu đang mở ra với Việt Nam và Mỹ. Đó là phối hợp trong các vấn đề khu vực và toàn cầu mà hai bên cùng có lợi ích và quan tâm, đóng góp vào các nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trước hết, hai bên có thể tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc. Tiếp đó là tại các diễn đàn khu vực như Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), cũng như các hội nghị cấp Bộ trưởng liên quan khác của ASEAN…

Hai bên còn có thể phối hợp thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc. Trong lĩnh vực này, Việt Nam và Mỹ có quan điểm tương đồng như ủng hộ nhất quán việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, cũng như tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở, như ở Biển Đông; tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi quốc gia, phù hợp với luật biển quốc tế được thể hiện trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).

Việt Nam và Mỹ cũng chia sẻ tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 và tái khẳng định ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu lực và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 và không ảnh hưởng tới các quyền của bất cứ quốc gia nào theo luật pháp quốc tế.