Việt Nam tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Những điều này đều được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được đảm bảo tôn trọng trên thực tế.
Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân và các tín đồ tôn giáo

Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân và các tín đồ tôn giáo

Thất bại toan tính kích động, gây mất ổn định

Thế lực thù địch, phản động cùng các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị những năm qua với âm mưu xuyên suốt “diễn biến hòa bình” đã tìm mọi cách, mọi cơ hội lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc, bóp méo, vu cáo nhằm Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo. Từ đó, họ toan tính kích động, gây rối trật tự an ninh, chia rẽ tôn giáo, gây mất ổn định xã hội, đồng thời kêu gọi quốc tế can thiệp, gây áp lực với Việt Nam…

Những chiêu trò đó dù cũ rích và không đánh lừa được ai song vẫn được họ tìm mọi cách mang ra “xài đi xài lại” bất cứ khi có cơ hội, điều kiện thuận lợi. Mới đây nhất là những sự việc liên quan tới cá nhân ông Lê Anh Tú - Thích Minh Tuệ.

Những ngày qua, khi thông tin và hình ảnh của ông Lê Anh Tú - Thích Minh Tuệ “chiếm sóng” trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, cũng là lúc bùng phát một cuộc “tấn công truyền thông” của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị nhằm mục đích xuyên tạc về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. Họ tung ra rất nhiều các video, đoạn clip cắt ghép nhằm xuyên tạc, bóp méo để bôi xấu hình ảnh Phật giáo, tăng sĩ Phật giáo nước ta cũng như về tự do tu hành, tự do tín ngưỡng.

Thế nhưng, sự thật thế nào? Ông Thích Minh Tuệ (tên thật Lê Anh Tú, 43 tuổi, quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; thường trú tại tỉnh Gia Lai) tự tu, thực hành hạnh nguyện khất thực và đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2023. Trong suốt quá trình đó, việc đi lại và tu tập của ông Thích Minh Tuệ diễn ra bình thường, không có khó khăn, cản trở và không gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự. Tuy nhiên, khi những hình ảnh của ông Thích Minh Tuệ xuất hiện nhiều trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã kéo theo rất nhiều người, gây mất trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội.

Ông Thích Minh Tuệ đã tự nhận thức rõ tình hình, cũng như quyền và nghĩa vụ của công dân của mình, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.

Chia sẻ với truyền thông chính thức ngày 10-6, ông Thích Minh Tuệ khẳng định, tạm dừng đi bộ khất thực là “để đảm bảo an toàn giao thông, tránh việc tụ tập đông người làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự”. Ông cho biết, vẫn mong muốn tu tập, bộ hành khất thực, mong những người hiếu kỳ, các YouTuber và TikToker không tụ tập gây mất an ninh trật tự và làm phiền đến việc tu tập của ông.

Thế nên, có thể khẳng định chẳng có gì gọi là “trấn áp” hay chính quyền đang “vùi dập một người chân tu chân chính”, “áp đặt người dân không được sống đúng với tín ngưỡng, tự do tôn giáo”… như các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, vu cáo! Ai cũng thấy rất rõ Phật giáo với hơn14 triệu tín đồ và 18.544 cơ sở thờ tự là tôn giáo có nhiều tín đồ nhất và cũng có ảnh hưởng sâu rộng nhất tại Việt Nam. Những hoạt động, sinh hoạt của các cơ sở thờ tự, tăng ni, phật tử tại nước ta được Đảng, Nhà nước tôn trọng, bảo đảm trên thực tế theo đúng quy định của luật pháp.

Việt Nam đến nay đã 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (Lễ Tam hợp: kỷ niệm Đức Phật Đản sinh, thành đạo, niết bàn; được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận năm 1999) vào các năm 2008, 2014 và 2019. Tại Đại lễ Vesak 2019, Việt Nam đón 1.650 đại biểu quốc tế từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, trong đó có nhiều vị tăng vương, tăng thống, lãnh đạo giáo hội, nhà nghiên cứu... cùng hơn 20.000 đại biểu là phật tử, nhân dân trong nước. Đó cũng chính là minh chứng về sự tôn trọng và bảo đảm cho hoạt động của Phật giáo nói riêng, tất cả các tôn giáo khác nói chung, tại Việt Nam.

Tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc, đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong suốt tiến trình phát triển của đất nước, chính sách nhất quán cùng những nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được khẳng định trên nguyên tắc Hiến định tại các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013.

Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được hoàn thiện theo hướng tiệm cận luật pháp quốc tế và Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 (ICCPR) mà Việt Nam đã tham gia thành viên, nhằm đảm bảo cho mọi người được thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng tốt hơn trên thực tế. Điều đó được bảo đảm bằng các văn bản pháp luật như: Pháp lệnh 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2004 quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22 của Chính phủ năm 2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị 1940 của Thủ tướng Chính phủ về nhà đất liên quan đến tôn giáo…

Với những nỗ lực liên tục của Việt Nam trong việc hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tình hình đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phong phú, đa dạng, số lượng chức sắc, người theo đạo, cơ sở thờ tự ngày càng tăng. Theo khảo sát của Viện Diễn đàn Pew (Mỹ), Việt Nam thuộc nhóm 12 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao.

Thống kê cho thấy, năm 2003, cả nước có 6 tôn giáo 15 tổ chức, với 17 triệu người có Đạo, khoảng 20 nghìn cơ sở thờ tự; 34 nghìn chức sắc, 78 nghìn chức việc. Năm 2022, chính quyền đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 27,2 triệu người có Đạo, trên 53 nghìn chức sắc, khoảng 148 nghìn chức việc, 29.718 cơ sở thờ tự. Số lượng chức sắc, chức việc trong tổ chức tôn giáo có vai trò quan trọng trong tổ chức Giáo hội, là người thụ hưởng chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo…

Bên cạnh đó, hàng năm có trên 8.000 nghìn lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn người theo đạo tham gia. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các tổ chức tôn giáo có trên 500 cơ sở khám chữa bệnh, trên 800 cơ sở bảo trợ xã hội, với 300 trường mầm non... Từ năm 2018-2021, đã cấp phép xuất bản 2.027 ấn phẩm với trên 7 triệu bản in, trong đó có nhiều xuất bản phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp, tiếng dân tộc và có 25 tờ báo, tạp chí của các tôn giáo đang hoạt động.

Chưa bao giờ các tôn giáo tại Việt Nam có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay. Quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng. Từ năm 2011 đến nay, hàng nghìn lượt cá nhân tôn giáo đã xuất cảnh tham gia khóa đào tạo ở nước ngoài, tham dự hội thảo, hội nghị quốc tế liên quan đến tôn giáo. Đồng thời, gần 500 đoàn nước ngoài, với hơn 3.000 lượt người vào Việt Nam để trao đổi, giao lưu, hướng dẫn tại cơ sở thờ tự, tham dự các sự kiện tôn giáo do các tổ chức tôn giáo Việt Nam tổ chức như: 3 lần đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak; Lễ hội của Công giáo, Tin lành như: Đại hội đồng Giám mục Á châu; Lễ 100 năm Tin lành đến Việt Nam…

Thực tiễn đời sống tôn giáo phong phú, sinh động đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trên đất nước chính là sự khẳng định thuyết phục rằng, Việt Nam tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời bác bỏ mọi sự chống phá, xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam.