Việt Nam tiên phong trong việc gìn giữ môi trường cho tương lai, không bỏ ai lại phía sau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ấn tượng trước những cam kết và hành động của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới để có thể gìn giữ một tương lai an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu, để không bỏ lại ai ở phía sau.

Thách thức an ninh khí hậu với ổn định và phát triển

Phát biểu khi tham dự lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc tại Hà Nội nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 21 và 22-10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên tiếng kêu gọi các nước, đặc biệt là các quốc gia phát triển, hành động nhiều hơn nữa để chống biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đặc biệt, người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong cho những giá trị mới để có thể gìn giữ một tương lai an toàn trước tác động của biến đổi khí hậu, để không bỏ lại ai ở phía sau.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong giữ gìn một tương lai an toàn trước biến đổi khí hậu

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành nơi tiên phong giữ gìn một tương lai an toàn trước biến đổi khí hậu

Việc Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhiều hơn và mạnh mẽ hơn để chống biến đổi khí hậu khi đang ở thăm Việt Nam cho thấy ông nhìn nhận vai trò quan trọng của nước ta trong cuộc chiến chống lại một trong những thách thức chung lớn nhất, ảnh hưởng vô cùng lớn tới tương lai môi trường sống trên Trái đất. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là quốc gia đang rất cần sự hợp tác, trợ giúp của thế giới, nhất là các nước phát triển, trong nỗ lực thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Ngay trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại rằng, với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nếu không có hành động chung về khí hậu toàn cầu, hơn 1 triệu người Việt Nam có thể bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực chỉ trong thập kỷ này. Lúc đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, thiệt hại về kinh tế của biến đổi khí hậu ở Việt Nam có thể tăng gấp 50 lần vào năm 2050.

Lo ngại trên của người đứng đầu Liên hợp quốc hoàn toàn có cơ sở khi Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Theo đó, nếu nước biển dâng 1m, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.

Tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững. Theo Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Do tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.

Diễn biến thực tiễn được ghi nhận cho thấy, biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong những năm vừa qua diễn ra nhanh hơn so với dự kiến. Nhìn lại đối chiếu với những nhận định trước đây, thời điểm trước năm 2010, khởi đầu của nhiều nghiên cứu về thiệt hại của biến đổi khí hậu trên thế giới, nước ta vẫn là quốc gia chịu tác động rất nặng nề của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề cần phải lưu tâm, ví như năm 2017 là năm có số lượng các cơn bão ảnh hưởng tới nước ta nhiều bất thường (16 cơn bão), theo tính toán của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Tổng cục Thống kê, gây thiệt hại khoảng 38,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,7 tỷ USD.

Tác động do biến đổi khí hậu trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra những thách thức an ninh khí hậu, nguy cơ tiềm ẩn đối với ổn định và phát triển đất nước, tạo ra những làn sóng di cư. Thống kê gần đây cho thấy trong 10 năm trở lại đây, đã có 1,7 triệu người đã di cư ra khỏi đồng bằng sông Cửu Long. Có thể thấy, biến đổi khí hậu đe dọa tới việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nếu chúng ta không có một kế hoạch tổng thể để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hành động nhanh chóng và mạnh mẽ

Biến đổi khí hậu là vấn đề hệ trọng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học và nhân dân ta đặc biệt quan tâm. Đây là vấn đề toàn cầu nên cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, tiếp cận tổng thể để đánh giá mọi tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên phạm vi cả nước trong mối quan hệ toàn diện giữa Trung ương và địa phương, giữa các địa phương với nhau và với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Lấy cấp cơ sở là nền tảng, lấy người dân và doanh nghiệp là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể để thực hiện.

Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, kìm hãm tốc độ nóng lên của Trái đất. Điều này thể hiện qua cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở thành phố Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) vào tháng 11-2021, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết, Việt Nam sẽ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Thực hiện cam kết mạnh mẽ trên, ngay sau Hội nghị COP-26, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của nước ta. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP-26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP-26 với các mục tiêu cụ thể là các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh…

Chúng ta đã đề ra Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với các mục tiêu đưa Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Chiến lược sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xanh, phát thải carbon thấp trong dài hạn, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế.

Đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014 và đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014. Đây là nền tảng cho tương lai đất nước hướng tới các mốc quan trọng vào năm 2030, năm 2045 và những năm tiếp theo, tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho mục tiêu chung của thế giới.

Những cam kết mạnh mẽ đi đôi với hành động nhanh chóng, có trách nhiệm của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các định chế tài chính, tập đoàn lớn về năng lượng tái tạo đã cam kết, đề nghị được hợp tác với Việt Nam trong triển khai thực hiện cam kết.