Việt Nam tích cực tham gia tạo xung lực cho phục hồi kinh tế trong APEC

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành nhưng Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28 mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự sẽ phải bàn thảo về những phương cách hợp tác nhằm phục hồi và phát triển kinh tế thế giới và khu vực sau dịch bệnh.
APEC là thị trường quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

APEC là thị trường quan trọng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Bảo đảm dòng chảy đầu tư và thương mại ngay cả trong khủng hoảng

Diễn ra từ ngày 8 đến 12-11 theo hình thức trực tuyến, Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được kỳ vọng sẽ tạo một động lực nhằm xoay chuyển tình hình kinh tế khu vực sau cuộc khủng hoảng y tế và tính mạng con người nghiêm trọng nhất kể từ đầu thế kỷ. Mặc dù kinh tế toàn cầu đã thoát đáy kể từ thời điểm “đóng băng” hồi tháng 4 năm ngoái do các lệnh hạn chế đi lại và giãn cách xã hội, nhưng triển vọng phục hồi thì vẫn còn khá mờ mịt, thậm chí còn u ám hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố tại Hội nghị mùa thu vừa rồi cảnh báo rằng, những đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép lạm phát đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. IMF đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 7 và thấp hơn nhiều so với con số 6,5% mà tổ chức này đưa ra vào thời điểm trước khi đại dịch bùng phát vào tháng 1-2020.

Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi hai nội dung chính mà Hội nghị cấp cao APEC 28 sẽ tập trung thảo luận là triển vọng kinh tế toàn cầu và hợp tác phục hồi sau đại dịch. Trong các cuộc họp trù bị, các nền kinh tế thành viên APEC đã thống nhất chủ đề hội nghị lần này là “Cùng phối hợp - Cùng hành động - Cùng tăng trưởng” nhằm duy trì môi trường thương mại và đầu tư thuận lợi, xây dựng chuỗi cung ứng tự cường và bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng bền vững, bao trùm, nâng cao tính tự cường của các nền kinh tế và khu vực để chuẩn bị cho những cú sốc có thể xảy đến trong tương lai.

Để đạt được các mục tiêu trên, đưa khu vực phục hồi một cách bền vững và chắc chắn, điều trước tiên là phải ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, trước hết là việc triển khai tiêm vaccine. Hồi tháng 7-2021, APEC đã lần đầu tiên tổ chức một cuộc họp cấp cao không chính thức để bàn về vấn đề này. Thời điểm đó, New Zealand trên cương vị chủ nhà APEC 2021 đã tích cực vận động cho việc tăng cường bán vaccine ngừa Covid-19 và vật liệu y tế trên khắp khu vực. Kết quả là nhiều quốc gia đã cam kết giảm thuế quan và các rào cản thương mại đối với hàng hóa liên quan đến vaccine ngừa Covid-19.

Tiếp đó là yêu cầu đổi mới công nghệ và số hóa, những yếu tố cơ bản tạo luồng sinh khí mới cho các hoạt động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Triển vọng kinh tế khu vực cũng phụ thuộc vào nỗ lực duy trì các chuỗi giá trị toàn cầu cùng việc thiết lập các nguyên tắc cho nền kinh tế toàn cầu tự do, công bằng trên cơ sở cam kết của các bên với hệ thống thương mại đa phương, bảo đảm cho hoạt động đầu tư và thương mại diễn ra trôi chảy, ngay cả trong các giai đoạn khủng hoảng.

Việt Nam tích cực với các sáng kiến và dự án trong APEC

Thách thức đặt ra với APEC là rất lớn nhưng các nước thành viên đều tỏ ra lạc quan bởi tiềm năng và thành tựu mà diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực này đã đạt được. Được thành lập năm 1989 với 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam, APEC chiếm tới gần 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và hơn 48% kim ngạch thương mại toàn cầu, tham gia vào tổng số 170 thỏa thuận thương mại và thương mại tự do khu vực. Đây là nơi tụ họp của 3 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản; những “con rồng, “con hổ” châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc); những nền kinh tế đầy năng động luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao như Việt Nam, Peru.

Vào tháng 11-2020, APEC đã thông qua tầm nhìn mới đến năm 2040, hướng tới “một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai”. 2021 chính là năm đầu tiên APEC triển khai Tầm nhìn đến năm 2040. Mục tiêu mang tính định hướng của APEC là xây dựng một khu vực thương mại tự do lớn và năng động nhất thế giới, tăng cường hợp tác dựa trên 3 trụ cột chính là: tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh, hợp tác kinh tế - kỹ thuật.

Mặc dù không phải là thành viên sáng lập và trình độ phát triển còn thấp so với nhiều nền kinh tế APEC khác nhưng Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực cho nhiều hoạt động hợp tác của APEC. Việt Nam đã hai lần tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC vào các năm 2006 và 2017. Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án, với hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được đánh giá thiết thực, đáp ứng quan tâm chung, nhất là về phát triển bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số...

Gần đây nhất là tại Cuộc họp không chính thức lãnh đạo các nền kinh tế APEC hồi tháng 7-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia và đề xuất 3 nội dung hợp tác, trong đó có việc nghiên cứu khả năng xây dựng một thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19. Các thành viên rất quan tâm đến phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các biện pháp kiểm soát dịch phải được thực hiện một cách tổng thể, khoa học, bao trùm, bởi dù chỉ còn một nền kinh tế/một người chưa an toàn thì chúng ta sẽ không thể hoàn toàn an toàn. Chủ tịch nước cũng cho rằng bài học rút ra trước tiên là không bỏ ai lại phía sau và giúp người dân nhận thức đúng về dịch, từ đó tạo sự đồng tình chung tay hành động của người dân.

Tham gia Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu của Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy tinh thần chủ động, tích cực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, qua đó nâng cao vai trò và vị thế của đất nước. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nền kinh tế trong khu vực nhằm khắc phục hậu quả của dịch bệnh, cũng như thực hiện thành công nhiệm vụ đặt ra trong năm đầu tiên triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chuyển sang giai đoạn hội nhập kinh tế toàn diện, sâu rộng.