Việt Nam tích cực hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC 14) với chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia” diễn ra ngày 26-11 dưới hình thức trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chào mừng Hội nghị.

Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin về Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC 14) trong cuộc họp báo ngày 25-11

Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin về Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 14 (AMMTC 14) trong cuộc họp báo ngày 25-11

Khẳng định vai trò, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam

Hội nghị năm nay do Bộ Công an Việt Nam chủ trì, có sự tham dự của các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và Đại sứ quán các nước ASEAN tại Hà Nội; đại biểu các bộ, ngành liên quan và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an. Hội nghị AMMTC 14 được tổ chức nhằm thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong ASEAN, góp phần vào thành công chung năm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 của Việt Nam; khẳng định vai trò, trách nhiệm quốc tế, cam kết chính trị mạnh mẽ và sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Ngay sau Lễ khai mạc là Phiên họp toàn thể Hội nghị AMMTC 14, do Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (Trưởng AMMTC Việt Nam) chủ trì. Tham dự phiên họp có Bộ trưởng phụ trách phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, Chủ tịch Hội nghị những người đứng đầu ASEAN về lãnh sự và xuất nhập cảnh (DGICM). Tại phiên họp toàn thể, Việt Nam sẽ nhận bàn giao vai trò Chủ trì AMMTC từ Thái Lan.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng phụ trách phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của các nước ASEAN sẽ cùng nhau đánh giá tình hình thế giới và khu vực có tác động đến diễn biến tội phạm xuyên quốc gia; thống nhất những giải pháp để thúc đẩy các mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch hành động ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2016-2025; đồng thời ghi nhận và thông qua các văn kiện về các sáng kiến, ý tưởng của các nước thành viên trong cơ chế AMMTC.

Những sáng kiến của Bộ Công an Việt Nam

Bộ Công an Việt Nam đề xuất chủ đề Hội nghị AMMTC 14 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia”. Đây là sự kế thừa và bám sát chủ đề chung của năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Đây là lần đầu tiên một nước thành viên ASEAN đề xuất chủ đề cho Hội nghị AMMTC. Điều đó thể hiện vai trò chủ động, tích cực, tham gia có trách nhiệm của Bộ Công an Việt Nam đối với cơ chế hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của ASEAN.

Bộ Công an Việt Nam cũng đề xuất với các nước sáng kiến thiết lập kênh liên lạc trực tiếp (DCL) cấp Bộ trưởng trong cơ chế AMMTC, nhằm mục đích tăng cường hiệu quả trao đổi thông tin, phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự của mỗi nước ASEAN và cả khu vực, tại Hội nghị SOMTC 20 vừa qua. Sáng kiến này được các nước ghi nhận và đánh giá cao. Sau khi tập hợp ý kiến tham gia của các nước, Bộ Công an Việt Nam hiện đang hoàn thiện tài liệu khái niệm về DCL để tiếp tục trình bày, thuyết phục các nước ủng hộ sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị AMMTC 14 sắp tới.

Bộ Công an đề xuất đưa nội dung phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong và sau thời kỳ Covid-19 vào Tuyên bố chung Hội nghị AMMTC 14, nhằm nhấn mạnh tác động tiêu cực của đại dịch đối với sự gia tăng tội phạm xuyên quốc gia và khẳng định cam kết của các quốc gia trong thực hiện mục tiêu vừa khống chế dịch bệnh, vừa hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực.

Cơ chế AMMTC tập trung vào phòng, chống 10 loại tội phạm xuyên quốc gia trong ASEAN gồm: tội phạm về ma túy; cướp biển; mua bán người; khủng bố; buôn lậu vũ khí; rửa tiền; tội phạm kinh tế; tội phạm công nghệ cao; buôn lậu động vật hoang dã và gỗ; đưa người di cư trái phép. Ngoài 10 nội dung trên, tại Hội nghị năm nay, Bộ Công an đề xuất thêm nội dung về phòng chống tội phạm về buôn bán cổ vật.

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin đến các phóng viên tại cuộc họp báo

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin đến các phóng viên tại cuộc họp báo

Ngày 25-11, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Tổ chức chủ trì họp báo thông tin Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC 14). Cùng dự có Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức hội nghị AMMTC 14; Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Tấn Tới cho biết: “Hội nghị AMMTC 14 được tổ chức nhằm thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong ASEAN, góp phần vào thành công chung Năm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 của Việt Nam; khẳng định vai trò, trách nhiệm quốc tế, cam kết chính trị mạnh mẽ và sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia”.

Mục đích của Hội nghị nhằm thiết lập kênh liên lạc trực tiếp cấp Bộ trưởng trong cơ chế AMMTC, hướng tới mục đích tăng cường hiệu quả trao đổi thông tin, phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự của mỗi nước ASEAN và cả khu vực. Thông qua Hội nghị AMMTC 14, đại diện 10 nước thành viên ASEAN sẽ thống nhất các biện pháp, cơ chế nhằm thúc đẩy hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, hiện nay các hoạt động tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Gần đây, trong chuyến công tác tại Việt Nam, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã đưa ra cảnh báo rằng, các loại tội phạm tại khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông đang có xu hướng gia tăng. Các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam cần phát huy hơn nữa năng lực và khả năng hợp tác để giữ vững môi trường ổn định.

Ánh Nguyệt