Việt Nam đóng góp nổi bật cho tăng trưởng kinh tế ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với tốc độ tăng trưởng cao và khả năng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, các nền kinh tế ASEAN được coi là một điểm sáng kinh tế trong bối cảnh phần còn lại của thế giới đang đối mặt với nhiều biến động và rủi ro. Để làm nên điểm sáng kinh tế toàn cầu đó, Việt Nam có sự đóng góp tích cực, được ghi nhận và đánh giá cao.

Điểm sáng kinh tế ASEAN

Trao đổi với báo chí tại trụ sở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN ở Thủ đô Jakarta của Indonesia, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế Satvinder Singh nhấn mạnh, bất chấp những thách thức kinh tế mà cả thế giới đang phải đối mặt, các nền kinh tế thành viên hiệp hội đang cho thấy cách quản lý khả năng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Vị Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN khẳng định, Việt Nam là một trong những nước đóng góp mạnh mẽ nhất cho một ASEAN năng động, kiên cường, định vị về kinh tế như hiện nay,

Điểm sáng tăng trưởng kinh tế ASEAN càng ấn tượng hơn khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo cập nhật mới đưa ra cuối tháng 9 vừa qua cho rằng điều này diễn ra trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế của các nền kinh tế châu Á mới nổi vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Định chế tài chính này hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2022 của nền kinh tế Trung Quốc lớn nhất khu vực xuống mức 3,3% so với mức dự báo 5% đưa ra trước đó 4 tháng.

VinFast hiện là một trong các doanh nghiệp đang đi đầu trong nỗ lực vươn ra thị trường toàn cầu nhằm khẳng định một thương hiệu của Việt Nam

VinFast hiện là một trong các doanh nghiệp đang đi đầu trong nỗ lực vươn ra thị trường toàn cầu nhằm khẳng định một thương hiệu của Việt Nam

Theo ADB, chính những đình trệ do Covid-19 tại Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế khác mà khu vực phải đối mặt. Thêm vào đó là chiến sự tại Ukraine có dấu hiệu nóng hơn nữa khiến lạm phát lương thực và nhiên liệu trên toàn cầu cùng “leo thang” buộc nhiều nền kinh tế tiên tiến phải tăng lãi suất. Những thách thức và rủi ro trên đã tác động tiêu cực tới tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á đang phát triển với dự báo xuống còn 4,3% trong năm 2022, giảm so với dự đoán ở ngưỡng 5,2% đưa ra hồi tháng 4. Nếu loại trừ Trung Quốc, ADB cho biết, châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay.

Trái với bức tranh có phần sẫm màu chung của châu Á, trong khu vực vẫn xuất hiện những điểm sáng đáng mong đợi. Một trong những điểm sáng nhất, theo ADB, là dự báo tăng trưởng cho khu vực Đông Nam Á được nâng lên 5,1% so với mức 4,9% đưa ra tháng 4 năm nay và dự kiến tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN sẽ tăng trưởng 5 % vào năm 2023.

Tăng trưởng kinh tế ASEAN “ngược chiều” khu vực châu Á nhờ nhu cầu nội địa mạnh hơn ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và mức tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam so với mặt bằng chung của khu vực là 6,5% cho năm 2022 và 6,7% cho năm 2023, theo dự báo của ADB.

Chung đánh giá như ADB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á công bố ngày 11-10 vừa qua cho biết, các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% vào năm 2023, giảm lần lượt 0,2 điểm phần trăm và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7.

Tuy nhiên, IMF cho rằng tăng trưởng GDP thực của nhóm 5 nền kinh tế mới nổi trong ASEAN gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan (ASEAN-5) dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm nay, cao hơn khá nhiều so với mức 3,4% của năm 2021. Đáng chú ý, IMF nhận định, Việt Nam đứng đầu ASEAN-5 với tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 7% trong năm 2022 so với mức 2,6% của năm 2021.

Cần thúc đẩy hội nhập ASEAN và làm việc cùng nhau

Theo ADB, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đi lại đối với du khách trong nước và nước ngoài, giúp thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022 và đây là một động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ.

Cũng như định chế tài chính lớn nhất khu vực về đóng góp mạnh mẽ của Việt Nam vào “điểm sáng kinh tế ASEAN”, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế Satvinder Singh cho rằng, Việt Nam hiện đang là quốc gia dẫn đầu trong việc thể hiện cách thức phục hồi sau đại dịch, đồng thời tiến hành những chuyển đổi kinh tế quan trọng và giúp người dân ứng phó với những thách thức đang phải đối mặt. Sự đóng góp vào tăng trưởng chung của ASEAN đang gia tăng dần đều khi GDP của đất nước hình chữ S tăng mạnh từ mức 155,8 tỷ USD vào năm 2012 lên 362 tỷ USD vào năm 2021, cùng với đó là tỷ trọng của Việt Nam trong GDP chung của ASEAN cũng tăng khá mạnh, từ mức khoảng 6,5% trong thập kỷ trước lên 10,8% hiện nay.

Nhìn lại để thấy rằng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế thực sự đóng góp rất quan trọng vào sự ổn định của ASEAN, đồng thời mang đến con đường tiến tới tự do hóa kinh tế, cho thấy cách thức thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng tốt. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nắm bắt những cơ hội mới từ sự tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể thu hút rất nhiều nguồn vốn FDI chất lượng cao.

Đánh giá về những đóng góp ngày càng quan trọng cho tăng trưởng chung của khu vực, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế khẳng định, Việt Nam hiện là một đối tác rất quan trọng trong hội nhập ASEAN. Tất cả các lĩnh vực của Việt Nam đang thực sự hoạt động rất tốt, đồng thời trọng tâm hướng tới của doanh nghiệp Việt Nam hiện không phải là trong nước mà là làm thế nào để phát triển ra khu vực và quốc tế. Theo đó, Việt Nam không thể chỉ phát triển dựa trên nền tảng nội địa, mà bắt đầu nghĩ về việc làm thế nào để các doanh nghiệp trong nước vươn ra ngoài và trở thành những công ty tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Phó Tổng Thư ký ASEAN bày tỏ tin tưởng rằng, “Việt Nam có tiềm năng tạo ra thế hệ tiếp theo của một số công ty kỳ lân lớn nhất từng thấy ở ASEAN”.

Để trở thành quốc gia quan trọng trong khu vực, theo ông Satvinder Singh, điều quan trọng là Việt Nam tăng cường hội nhập khu vực và coi ASEAN như ngôi nhà của mình. Đồng thời, Việt Nam cũng có tiềm năng rất lớn để nhận được những lợi ích tích cực từ hội nhập ASEAN và mở rộng hơn nữa thị trường nội địa.

Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Kinh tế cho rằng, Việt Nam đang đi đúng đường và đang cho phần còn lại của ASEAN thấy những gì cần thiết để chuyển đổi nền kinh tế và làm thế nào để trở nên phù hợp với khu vực và toàn cầu. Việt Nam cũng đang ở vị thế để khai thác tốt nhất từ hội nhập ASEAN.

Hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trước hết là nền kinh tế khu vực, mang lại lợi ích cho kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế chung của khu vực. Theo Phó Tổng Thư ký ASEAN, một quốc gia riêng lẻ rất khó đối phó với các siêu cường và các vấn đề địa chính trị, song là một khu vực, ASEAN có tiếng nói rất quan trọng trên thế giới và quyết định được cách thức muốn làm việc với mỗi siêu cường. Bởi thế, “điều quan trọng hơn bao giờ hết” với các thành viên hiệp hội là hội nhập ASEAN và làm việc cùng nhau.