Việt Nam - nhà sản xuất mới nổi của các công ty Mỹ

ANTĐ - Đó là nhan đề bài viết đăng trên Washington Post nhân dịp Tổng thống Obama thăm Việt Nam. Theo tác giả bài báo, trong khi một bộ phận người Mỹ lo lắng bị mất việc làm vào tay Trung Quốc, nhiều công ty của Hoa Kỳ chứng minh rằng họ có thêm động lực phát triển nhờ Việt Nam - nền kinh tế năng động ở Đông Nam Á.

Việt Nam - nhà sản xuất mới nổi của các công ty Mỹ ảnh 1Doanh nghiệp da giày tại Việt Nam có thêm nhiều cơ hội kinh doanh trước ngưỡng cửa TPP

Điểm đến của các “đại gia” giày dép

Wolverine Worldwide, một công ty giày có trụ sở ở Rockford, bang Michigan, Mỹ là minh chứng điển hình cho sự thay đổi của các nhà sản xuất giày dép và may mặc Mỹ sau khi rút khỏi Trung Quốc để chuyển sang một điểm sản xuất mới nổi: Việt Nam.

Trong 3 năm qua, Wolverine Worldwide - chủ của các nhãn hiệu Keds, Hush Puppies và Saucony đã tăng gấp đôi sản lượng tại quốc gia Đông Nam Á này nhờ tận dụng lợi thế về chi phí lao động thấp. Việt Nam hiện thời chiếm gần 30% sản lượng của Wolverine, trong khi thị phần của Trung Quốc đã giảm từ 90% xuống còn 50%.

Nhiều công ty khác của Mỹ cũng có động thái tương tự, mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam, nơi Tổng thống Obama vừa có chuyến thăm trong 2 ngày từ 23 đến 25-5. Ông Obama tin rằng, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Mỹ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại gồm 12 quốc gia, trong đó từng bước giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của các nước trong khối.

Theo Tổng thống Obama, TPP là phương tiện để giúp Hoa Kỳ bước vào các thị trường đang nổi lên nhanh chóng trong khu vực Đông Nam Á và khai thác các xu hướng kinh tế toàn cầu đem lại lợi ích cho Mỹ. Mặc dù Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn TPP và có nhiều luồng ý kiến lo ngại rằng hiệp định này sẽ chiếm việc làm của người Mỹ nhưng với những công ty như Wolverine, thỏa thuận này có thể làm cho công việc kinh doanh của họ phát đạt, thậm chí mang lại lợi nhuận hơn. 

Lãnh đạo Công ty Wolverine Worldwide cho biết, nếu giảm 20 triệu USD tiền thuế quan hàng năm đối các sản phẩm do Việt Nam sản xuất, người tiêu dùng Mỹ sẽ mua được giày với giá thấp hơn và điều này sẽ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Hơn nữa, lực lượng lao động sản xuất trong nước của công ty dù bị suy giảm nhưng sẽ được bù đắp nhờ sự mở rộng các phòng ban khác. Wolverine chỉ có 700 công nhân làm việc tại các nhà máy ở Hoa Kỳ nhưng họ có tới 5.000 nhân viên khác bán hàng và tiếp thị. “Nguồn nhân lực bên ngoài lĩnh vực sản xuất của chúng tôi lớn hơn rất nhiều. Mọi công ty trong ngành công nghiệp này đều như vậy. Mọi người đều tập trung vào công việc được trả lương cao hơn, làm văn phòng hơn là lao động thủ công”, Michael Jeppesen, Chủ tịch Wolverine cho biết.

 Cùng với đó, Tổng thống Obama đã nhận được sự hỗ trợ của một “đại gia” ngành công nghiệp giày dép Mỹ. Tháng 5 năm ngoái, ông Obama đã tới thăm trụ sở của Nike ở Beaverton, Oregon nhằm làm nổi bật cam kết của Nike rằng sẽ tạo ra 10.000 việc làm mới trong nước nếu TPP được Quốc hội phê duyệt. Thực tế, con số đó chưa là gì so với lực lượng lao động của Nike tại Việt Nam, cơ sở sản xuất lớn nhất của hãng.

Lợi ích cho cả đôi bên

Trước chuyến thăm Việt Nam, phụ tá của Tổng thống Hoa Kỳ cho biết, ông Obama nhân dịp này sẽ quảng bá TPP đối với chính các nhà lãnh đạo kinh doanh của Mỹ. Mặc dù, Nhật Bản - điểm đến thứ hai sau chuyến công du Việt Nam, đến nay là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ trong số các quốc gia tham gia TPP, nhưng Việt Nam vẫn là minh chứng tốt hơn cho chiến lược theo đuổi hiệp định thương mại được coi là nền tảng kinh tế cho một chính sách châu Á mạnh mẽ hơn.

Trong một loạt phương hướng tăng cường hợp tác song phương, có lẽ thương mại là lĩnh vực mà Mỹ nhìn thấy tiềm năng rõ nhất khi kéo Việt Nam gần với Mỹ hơn. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 1-2016 cho biết, Việt Nam được đánh giá là nước được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định TPP, với GDP có thể tăng 10% vào năm 2030. “Việt Nam có tiềm năng lớn nhất để phát triển, nhưng việc này còn phụ thuộc vào những quyết định đúng đắn của Chính phủ Việt Nam. Và những gì Hoa Kỳ đang cố gắng hiện nay là tạo ra ưu đãi cho những việc đó”, Patrick Cronin, một nhà phân tích về châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho biết. 

Theo các điều khoản của TPP, thuế quan đánh vào mặt hàng giày dép của Việt Nam xuất sang Mỹ từ mức 40% sẽ bị loại bỏ trong vòng 7 năm. Điều này sẽ tạo cho Việt Nam có lợi thế hơn Trung Quốc, Campuchia, Indonesia và Philippines, những nước không phải là thành viên TPP, từ đó thúc đẩy sự bùng nổ sản xuất trong nước. Trong 3 năm gần đây, nhập khẩu giày dép của Mỹ từ Việt Nam tăng gần 50%, từ 2,9 tỷ USD năm 2013 đến 4,3 tỷ USD trong năm 2015, theo một phân tích của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ. Nghiên cứu cho thấy, trong vòng 15 năm tới, mặt hàng giày của các nước tham gia TPP nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ tăng thêm 23%, chủ yếu là từ Việt Nam.

Matt Priest, Chủ tịch Hiệp hội Phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ, ước tính rằng nhờ TPP, các công ty của Mỹ ở Việt Nam có thể tiết kiệm được 500 triệu USD tiền thuế nhập khẩu. “Vào được thị trường Hoa Kỳ mà được miễn thuế sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn”, ông Matt Priest nói.