Việt Nam mạnh mẽ thực hiện cam kết chống biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam không chỉ có những hành động quyết liệt và cụ thể thực hiện cam kết về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đưa ra tại COP26 cách đây 2 năm mà còn tiếp tục công bố một số sáng kiến, cam kết mới của nước ta nhân COP28 nhằm cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu trong tương lai.
Trong nỗ lực thực hiện cam kết ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam đã triển khai hàng loạt dự án năng lượng tái tạo như điện gió và năng lượng mặt trời

Trong nỗ lực thực hiện cam kết ứng phó biến đổi khí hậu, Việt Nam đã triển khai hàng loạt dự án năng lượng tái tạo như điện gió và năng lượng mặt trời

Chung tay ứng phó thách thức toàn cầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vào chiều 28-11 đã rời Thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra từ ngày 29-11 đến 3-12, tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) theo lời mời của Chính phủ UAE. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự COP28 là dịp để Việt Nam thể hiện mạnh mẽ thông điệp trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý thách thức chung toàn cầu về biến đổi khí hậu; để cộng đồng quốc tế hiểu rõ chủ trương, quyết tâm nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại này.

Hội nghị thượng đỉnh COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục trong năm 2023 và tác động nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách.

Để đẩy lùi tình trạng trên, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Chính phủ các nước, cần phải đặt công tác thích ứng với biến đổi khí hậu lên hàng đầu và là trọng tâm của chương trình nghị sự về khí hậu tại Hội nghị COP28. Theo đó, tại Hội nghị COP28, các nước sẽ tập trung đàm phán với 5 nhóm nội dung chính: Tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải và đảm bảo khả thi trong thực hiện. Đồng thời, Hội nghị COP28 sẽ thảo luận về tuyên bố loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, coi việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng là biện pháp trọng tâm thực hiện giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ theo Thỏa thuận Paris.

Có thể nói việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đảm bảo công bằng, công lý khí hậu và dựa trên nền tảng là đoàn kết và hợp tác quốc tế, trong đó các nước phát triển có vai trò đi đầu, tạo động lực cho các hành động khí hậu, đồng thời tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển. Chính vì vậy, tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP28 lần này, Việt Nam trông đợi Hội nghị sẽ đạt được những bước tiến thực chất, đặc biệt trên một số lĩnh vực quan tâm hàng đầu, trong đó việc đầu tiên là các nước tiếp tục có những hành động mạnh mẽ để giảm phát thải khí nhà kính, tiến hành chuyển đổi năng lượng một cách bền vững và công bằng; đồng thời các nước phát triển thực hiện cam kết của mình, đặc biệt trong việc cung cấp tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển trong quá trình này, bao gồm thực hiện cam kết với mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm và tăng mức cam kết cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030; Sớm đưa Quỹ Tổn thất và thiệt hại đi vào vận hành để có nguồn tài chính mới, lớn hơn hỗ trợ cho các nước đang phát triển và những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu…

Hành động khẩn trương, quyết liệt

Do vị trí địa lý đặc thù nhiệt đới gió mùa cùng đường bờ biển dài hơn 3.000km bên bờ Thái Bình Dương, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là từ vấn đề nước biển dâng. Theo một số nghiên cứu, nếu nước biển dâng 1m, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 20-30 triệu người dân.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách toàn diện, quyết liệt nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, trong đó có việc tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế. Điều này thể hiện qua cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 vào tháng 11-2021, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết, Việt Nam sẽ đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP-26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP-26 với các mục tiêu cụ thể là các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, xử lý chất thải được đẩy mạnh…

Việt Nam đã đề ra Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với các mục tiêu đưa Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Chiến lược sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xanh, phát thải carbon thấp trong dài hạn, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu; tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho mục tiêu chung của thế giới.

Việt Nam cũng đã thông qua Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metal đến năm 2030; Kế hoạch hành động của các ngành thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26… Đặc biệt, trong năm 2022, dấu ấn quan trọng nhất của Việt Nam trong hành trình chống biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính là việc đàm phán và thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) bao gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Đan Mạch và Na Uy. Thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Cùng với Chính phủ, các địa phương đã tổ chức quán triệt các cam kết tại Hội nghị COP26, tăng cường năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ và tuyên truyền đến các doanh nghiệp, nhân dân; tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu... Nhiều địa phương đã thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp; kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió trên địa bàn. Các địa phương có biển đã tiến hành giao các khu vực biển để thực hiện hàng chục dự án điện gió gần bờ…

Thể hiện trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ của nước ta, tại Hội nghị thượng đỉnh COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đối khí hậu trong tương lai.