Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, nếu chỉ tính riêng năm 2020, Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình báo cáo tại hội nghị sáng 28-12

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình báo cáo tại hội nghị sáng 28-12

Sáng 28-12, Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020 được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương cho thấy, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết lĩnh vực.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt bình quân 6,8%/năm, riêng năm 2020 đạt 2,91%, là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2020, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN).

GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).

Dù vậy, bên cạnh các điểm sáng, tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 không đạt mục tiêu.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Chính phủ

Về mục tiêu năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, trên cơ sở nhận diện rõ những điểm nghẽn của từng địa phương, những vướng mắc, bất cập của chính sách từng ngành, khả năng chống chịu của nền kinh tế… Chính phủ đặt ra 12 chỉ tiêu.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%...

Thông tin rõ hơn về các nội dung trên, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giới thiệu Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Theo đó, dự thảo này đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể cần triển khai trong năm 2021.

Một số nhiệm vụ chính như: phục vụ tổ chức thành công đại hội đảng, bầu cử Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp;

Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển hệ thống chính sách xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững…

Về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự thảo yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải cụ thể hóa Nghị quyết bằng các chương trình hành động cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình để tổ chức thực hiện.