Việt Nam-Israel đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế - quân sự

ANTD.VN - Sau 24 năm, quan hệ hợp tác Việt Nam-Israel đã có những bước phát triển mới cả về ngoại giao, kinh tế và quân sự, Israel đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của chúng ta.

Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Israel

Năm 1946, thủ tướng tương lai của Israel David Ben-Gurion và Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ở tại cùng một khách sạn ở Paris. Cả hai nhà lãnh đạo đều ấp ủ những hoài bão lớn xây dựng đất nước và họ đã trở thành bạn bè thân thiết.

Sau này, Thủ tướng Ben Gurion đã kể về bối cảnh lúc ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhấn mạnh rằng, tình bạn với nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam.

Việt Nam và Israel đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào 12 tháng 7 năm 1993. Israel đã mở đại sứ quán tại Hà Nội tháng 12 năm 1993 và đại sứ Israel đầu tiên tại Việt Nam là David Matnai. Còn đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại thủ đô Tel Aviv là Đinh Xuân Lưu.

Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao (2/7/1993), Việt Nam và Israel đã có nhiều hoạt động mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm khoa học - công nghệ… đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiêp, thủy lợi, y tế.

Sau 24 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Israel đã trở thành những đối tác quan trọng của nhau.

Về kinh tế, Israel là một trong những nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam (chính thức công nhận vào ngày 29/5/2016). Ngoài ra, Isarel cũng là quốc gia đầu tiên tại Trung Đông đang tiến hành đàm phán FTA với Việt Nam.

Hiện hai nước đã tiến hành được 2 phiên đàm phán và phiên thứ 3 dự kiến sẽ được tiến hành trong nửa đầu năm 2017. Đây chính là cơ hội nhằm góp phần biến những lợi thế trong quan hệ giữa hai nước thành những kết quả hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực trong thời gian tới.

Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam giới thiệu video bắn thử Hệ thống tên lửa phóng loạt EXTRA của hải quân Việt Nam

Trong lĩnh vực thương mại, Israel là một trong những đối tác lớn của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 5 lần trong 5 năm, từ mức 375 triệu USD năm 2011 lên 1,7 tỷ dollars Mỹ năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đã giảm xuống chỉ còn hơn 1,2 tỷ USD.

Một số mặt hàng xuất khẩu từ Israel sang Việt Nam có mức tăng trưởng cao là động vật và các sản phẩm từ động vật; dệt may; phân bón; khoáng sản phi kim loại, kim loại và đá quý; máy móc, thiết bị công nghệ cao…

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Israel chủ yếu bao gồm: Hóa chất, giấy và các sản phẩm từ giấy; điện thoại và linh kiện các loại, giày dép, cà phê, hạt điều, hàng dệt may, thủy sản.

Ngoài ra, Israel cũng cam kết cung cấp gói tín dụng 250 triệu USD cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, kinh doanh với các đối tác Israel.

Tính đến tháng 1/2017, Israel có 25 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 46,36 triệu USD (chủ yếu trong lĩnh vực dệt sợi, hóa chất, phần mềm, nuôi trồng thủy sản, công nghệ...), xếp thứ 56/116 và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Quân đội Việt Nam đã sử dụng rộng rãi súng trường tiến công Galil Ace của Israel

Về viện trợ phát triển chính thức (ODA), tháng 8/2013, dự án Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Israel (vốn ODA không hoàn lại của Israel hơn 1 triệu USD) đã chính thức đi vào hoạt động.

Hiện nay, hai nước đã đặt ra chỉ tiêu nâng cao kim ngạch thương mại song phương lên mức 2 tỷ USD; đồng thời cam kết sẽ tạo điều kiện tối ưu cho hàng hóa của nhau…, nhằm đưa quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Israel lên một tầm cao mới, xứng đáng với tiềm năng đã có.

Ngoài ra, Việt Nam và Israel còn tích cực hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp; giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; khoa học kỹ thuật, công nghệ lưỡng dựng, đặc biệt là công nghệ quốc phòng, trong đó hợp tác kỹ thuật quân sự, mua sắm vũ khí đang là một trọng tâm.

Quan hệ hợp tác quân sự Việt Nam-Israel

Hiện nay, Israel là một trong số các đối tác đang cung cấp vũ khí, trang bị hiện đại cho Việt Nam, bên cạnh đối tác truyền thống cung cấp vũ khí, trang bị tác chiến chủ lực trong các quân chủng của quân đội Nhân dân Việt Nam là Nga.

Theo những thông tin từ kênh truyền hình “Quốc phòng Việt Nam”, các loại vũ khí bộ binh Israel đang có sự hiện diện đáng kể trong biên chế các lực lượng vũ trang Việt Nam, nhằm dần dần thay thế dòng súng AK của Liên Xô đã sản xuất từ những năm 1960-1970, không còn đáp ứng các yêu cầu chiến tranh hiện đại.

Cảnh sát cơ động Việt Nam đã được trang bị súng bẻ góc CornerShot của Israel

Ngay từ năm 2011, Việt Nam đã mua và trang bị cho một số đơn vị sử dụng thử nghiệm các loại súng bộ binh của Israel như tiểu liên Uzi, súng trường tiến công ТАR-21 Tavor, súng bẻ góc CornerShot, súng phóng lựu Matador, súng trung liên Negev…

Các loại súng Israel đã cho thấy chất lượng rất cao nên phía Việt Nam đã đề xuất được chuyển giao công nghệ và tự sản xuất 2 loại vũ khí là súng trường tiến công Galil ACE 32 và carbine Galil ACE 31 của công ty vũ khí IWI Ltd, với một hợp đồng có trị giá khoảng 170 triệu USD.

Việt Nam cũng đã mua sắm một số trạm radar 3D cảnh giới đường không EL/M 2106 ATAR và các đài radar EL/M-2084 MMR, vốn được dùng cho hệ thống phòng thủ tên lửa lừng danh Iron Dome (Vòm Sắt), do các công ty Rafael và Elta của Israel ản xuất.

Các radar Israel có thể chỉ dẫn cho tên lửa đánh chặn mục tiêu đạn đạo ở cự ly 35km và ở độ cao 16 km, khả năng chống nhiễu vô cùng tốt, có thể xây dựng mạng tích hợp xử lý thông tin, khi kết nối với các radar nhận biết địch-ta và các trạm thông tin liên lạc.

Sau đó, Việt Nam cũng đã mua các hệ thống tên lửa phòng không tầm gần/tầm trung SPYDER tiên tiến của Israel, trang bị các tên lửa Python 5 và Derby, để hiện đại hóa vũ khí, trang bị cho các đơn vị phòng không, nhằm dần dần thay thế các hệ thống phòng không đã cũ như S-75 hay S-125 của Liên Xô.

Việt Nam đã mua Hệ thống tên lửa phòng không SPYDER của Israel

Các tên lửa của hệ thống này do Rafael Advanced Defense Systems chế tạo, với sự hợp tác hỗ trợ từ Israel Aerospace Industries (IAI) có độ cao tác chiến từ 20-9.000 m, tầm bắn từ 1-20 km, Nếu lắp tầng đẩy phụ thì có tăng tầm bắn hạ mục tiêu đến 35km, độ cao đánh chặn đến 16km.

Mỗi hệ thống SPYDER gồm 1 xe điều khiển và 6 bệ phóng cơ động, có thể tiêu diệt các loại mục tiêu bay khác nhau, gồm: Trực thăng, máy bay không người lái ở độ cao nhỏ và trung bình, tăng cường sức mạnh cho các tổ hợp pháo phòng không tầm thấp của bộ đội phòng không Việt Nam.

Quân đội Việt Nam cũng đã mua sắm các loại đạn pháo phản lực chính xác cao EXTRA và ACCULAR của Công ty IMI - Israel, dùng cho các bệ phóng rocket phóng loạt cơ động LAR-160, biên chế cho các lực lượng bảo vệ bờ biển.

Đạn rocket EXTRA là loại đạn pháo phản lực có thiết bị dẫn đường (thường là GPS), tầm bắn xa 150 km, đầu đạn 300 mm, nặng 120 kg. Còn đạn ACCULAR cỡ 160 mm, tầm bắn 40 km, trọng lượng phần chiến đấu 35 kg.

Các loại đạn pháo phản lực này có độ chính xác cao (chỉ lệch mục tiêu trong khoảng 10m), là loại vũ khí cực kỳ hiệu quả chống đổ bộ đường biển, thậm chí là cả tàu đổ bộ đang thực hiện đổ quân cũng không còn cơ hội sống sót khi nằm trong vùng hỏa lực của EXTRA và ACCULAR.

Ngoài ra, quân đội Việt Nam đã mua sắm một loại máy bay không người lái của Israel là Orbiter 2 do hãng ADS (Israel) chế tạo. Orbiter 2 là loại UAV chiến thuật, có tầm hoạt động 80km, thời gian lưu không 4h, trần bay tối đa 3km đảm nhận nhiệm vụ trinh sát mục tiêu gần bờ và hướng dẫn hỏa lực.

Kênh truyền hình “Quốc phòng Việt Nam” giới thiệu máy bay không người lái Orbiter 2 của Israel

Israel mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam

Thời gian gần đây, phía Israel tiếp tục mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, phát huy hết những tiềm năng chưa được khai thác trong các lĩnh vực.

Về mặt chính trị, Đảng cầm quyền Likud dù có cách thức vận hành khác biệt và chưa từng có quan hệ chính thức với Đảng ta, nhưng lần đầu tiên phía Bạn đã gửi thư chúc mừng trước và sau Đại hội Đảng XII.

Đảng Likud cũng bày tỏ ý kiến sẵn sàng cử đoàn sang thăm Việt Nam trong năm 2017 để góp phần thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Vừa qua, Thủ tướng Netanyahu đã có thư gửi chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức vụ Tổng Bí thư và gửi thư chúc mừng tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tổng thống Israel cũng đã gửi thư chúc mừng tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Ngoài ra, mặc dù hiện nay Israel đang có xu hướng thu hẹp quy mô hoạt động của các Cơ quan Đại diện chính thức ở nước ngoài, song vẫn tiếp tục mở rộng trụ sở Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và tăng thêm biên chế Tùy viên quốc phòng (2/2016).