Việt Nam dự báo bão chính xác hơn các nước?

ANTĐ - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với báo giới về việc dự báo cơn bão số 3 vừa qua.

Bão số 3 đổ bộ vào bờ biển Hải Phòng (Ảnh: TRỌNG THIẾT)

- PV: Ông có thể tóm tắt về cơn bão số 3 vừa qua theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương?

- Ông Bùi Minh Tăng: Bão số 3 hình thành ở vùng biển phía đông Philippines từ sáng 26-7, sau đó vào Biển Đông. Bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, tốc độ trung bình 25km/h.

Đến tối 28-7, khi cách quần đảo Hoàng Sa 260km về phía Đông Bắc, bão đi chậm lại theo hướng Tây khoảng 10-15km/h. Đến sáng 29-7, bão lại đi theo hướng Bắc Tây Bắc rồi lệch dần theo hướng giữa Tây Bắc và Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h. Chiều tối 29-7, bão đi vào đảo Hải Nam, Trung Quốc rồi di chuyển nhanh theo hướng Tây.

Rạng sáng 30-7, bão vào Vịnh Bắc bộ, cường độ mạnh cấp 9, cấp 10 và di chuyển theo hướng Tây, vận tốc 20km/h. Chiều cùng ngày, bão vào vùng bờ biển các tỉnh Thái Bình - Hà Tĩnh , cường độ giảm còn cấp 8, cấp 9. Chiều tối 30-7, bão đổ bộ vào các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An và suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới. Bão di chuyển tiếp về phía Tây và suy yếu nhanh thành vùng áp thấp, tan dần trên địa phận Lào.

- Thưa ông, có ý kiến cho rằng Trung tâm Khí tượng thủy văn đã không dự báo được thời điểm bão đổ bộ và cường độ bão?

- Ông Bùi Minh Tăng: Trong cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương sáng 30-7, chúng tôi đã thông báo thời điểm đổ bộ khoảng từ 15h đến 19h cùng ngày. Kết quả là bão đổ bộ lúc 18h, trên địa phận giữa Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và Quỳnh Lưu (Nghệ An), hơi lệch về phía Tĩnh Gia. Do đó, không có lý nào khi nói rằng chúng tôi dự báo không chính xác. Tôi nhấn mạnh, cấp độ bão khi đổ bộ là cấp 8, trong khi chúng tôi dự báo cấp 9, điều này nằm trong sai số cho phép.

- Dự báo bão của Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản có khác với Trung tâm không, thưa ông?

- Ông Bùi Minh Tăng: Nhật dự báo, bão đổ bộ vào nam Nam Định tới bắc Thanh Hóa lúc 23h ngày 30-7. Thế nhưng thời điểm đó tâm bão đã sang biên giới Việt Nam - Lào, cường độ gió cấp 8, khi đó chúng tôi đã phát tin cuối cùng.

Mỹ cho rằng, sáng 29 bão còn ở ngoài đảo Hải Nam (Trung Quốc), ngày 31 bão sẽ đổ bộ vào nước ta, khoảng độ vĩ tuyến 18 tức là giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đến đêm 29, bản tin dự báo của Mỹ lại nói tâm  bão đổ bộ vào Nam Định. Nghĩa là, chỉ sau 1 ngày dự báo tâm bão của Mỹ nhảy từ Đèo Ngang về Nam Định.

Dự báo của Hồng Kông thì gần sát với dự báo của chúng tôi: tối 29, trước khi bão đổ bộ 1 ngày, lúc 19h, Hồng Kông xác định là bão mạnh, giữa cấp 10, họ cũng nhận định bão sẽ vào giữa Thanh Hóa - Nghệ An. Khi vào bờ, dự kiến là gió cấp 8, 9.

- Tức là các nước dự báo bão không chính xác bằng Việt Nam?

- Ông Bùi Minh Tăng: Có thể nói như vậy, một trong những lý do là họ không có những trạm quan trắc gió dọc bờ biển nước ta. Họ chỉ dựa vào ảnh mây vệ tinh, do đó sai số sẽ rất lớn. Dự báo của chúng tôi dựa trên số liệu ảnh mây vệ tinh, số liệu quan trắc gió, kinh nghiệm dân gian v.v…

- Ngày 26-7, ông nói rằng bão đổ bộ với gió giật cấp 12, 13. Nhưng khi vào Nghệ An chỉ có cấp 8. Phải chăng trung tâm dự báo “vống” lên để tránh sai sót từng gặp trước kia?

- Ông Bùi Minh Tăng: Đúng là ngày 26-7, trung tâm cho rằng gió bão giật cấp 12, 13. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng bản tin bão cập nhật cách nhau 3 tiếng đồng hồ, liên tục hàng ngày. Nếu cách 4 ngày mà chúng tôi dự báo được, thì chắc tôi đắp chăn ngủ cho khỏe. Nếu thường xuyên theo dõi bản tin được chúng tôi cập nhật liên tục, sẽ thấy dự báo của chúng tôi hôm 30-7 là tâm bão vào Nghệ An - Thanh Hóa, đúng theo thực tế. Lượng mưa thì khó dự báo lắm, nhưng chúng tôi cũng đúng khi nói mưa kéo dài tới tận ngày 2-8, tức là 4 ngày. Cơ bản là lượng mưa cũng đúng như chúng tôi nói.

- Nhiều ngư dân ven biển phàn nàn họ phải sơ tán quá cẩn thận, trong khi kinh nghiệm sống và đi biển của họ cho rằng bão chỉ mạnh cấp 6 là cùng, trung tâm có giải thích gì?

- Ông Bùi Minh Tăng: Tôi không phủ nhận kinh nghiệm dân gian, nhưng nên nghĩ rằng, gió bão mạnh thế nào tùy cảm nhận từng người. Chúng tôi căn cứ chính vào số liệu của những trạm quan trắc được chuẩn hóa.