ASEAN nắm bắt cơ hội trong bối cảnh trật tự thế giới rạn nứt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Làm sao để có được một vị thế tốt nhằm nắm bắt các cơ hội trong một trật tự thế giới đang rạn nứt là thách thức mà các nước trên thế giới, trong đó có các nước ASEAN như Việt Nam, phải tìm cách vượt qua.

Thế giới đang trải qua giai đoạn chưa từng có

Trong phiên thảo luận về “Điều hướng trong một trật tự toàn cầu rạn nứt” tại Diễn đàn ASEAN và châu Á (AAF) lần thứ 14 với chủ đề “Các cơ hội khu vực, trật tự thế giới rạn nứt” do Viện các vấn đề quốc tế Singapore (SIIA) tổ chức ngày 6-10, các diễn giả thừa nhận thế giới đang phải trải qua một giai đoạn chưa từng có, với hàng loạt các cuộc khủng hoảng chồng chéo, từ những căng thẳng địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát gia tăng, gián đoạn nguồn cung năng lượng cho tới thời tiết cực đoan, khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Nhìn tổng thể, thế giới đang trong quá trình hình thành cấu trúc trật tự mới. Trật tự hiện nay không còn là đơn cực nhưng vẫn chưa phải đa cực. Tuy sức mạnh của Mỹ trong tương quan so sánh với phần còn lại của thế giới không còn cho phép Mỹ có khả năng áp đặt thế giới theo ý chí của riêng mình, nhưng sự ra đời và tồn tại của các trung tâm quyền lực khác, như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU)... vẫn chưa đủ khả năng định hình trật tự đa cực. Cấu trúc “nhất siêu, đa cường” vẫn tồn tại và ngôi thứ giữa các nước lớn không có nhiều thay đổi, song so sánh lực lượng giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, có sự thay đổi nhanh chóng.

Start-up kỹ thuật số là chìa khóa phục hồi kinh tế của ASEAN

Start-up kỹ thuật số là chìa khóa phục hồi kinh tế của ASEAN

Trong bối cảnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Nga diễn ra hết sức gay gắt mà một trong những hệ quả của nó là sự bùng phát xung đột ở Ukraine. Sự kiện này đang làm rung chuyển toàn cầu và tác động không nhỏ tới cấu trúc an ninh khu vực châu Âu, thậm chí cả cục diện chính trị thế giới. Trước mắt, tác động về kinh tế có thể cảm nhận khắp toàn cầu.

Nga là một trong những nhà sản xuất dầu lửa và khí đốt hàng đầu thế giới. Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, dẫn tới việc Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt, Nga đáp ứng tới 40% nhu cầu tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Liên minh châu Âu (EU). Nhiều nước trong EU gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung khí đốt Nga. Nga và Ukraine còn là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mỳ và 17% sản lượng ngô, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương. Hai nước này cũng là những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới.

Xung đột Nga - Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung, làm bùng nổ các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực trên thế giới, khiến kinh tế thế giới chao đảo. Các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 so với dự báo đưa ra trước đó. Ngân hàng Thế giới ước tính tăng trưởng toàn cầu năm 2022 giảm đáng kể, từ mức 4,1% trong dự báo vào thời điểm đầu năm 2022 xuống còn 2,8% trong dự báo tháng 8-2022. Fitch Ratings cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 xuống chỉ còn 2,4%, điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6-2022. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7-2022 của Quỹ Tiền tệ quốc tế nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt 3,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4-2022. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế dự báo tăng trưởng của thế giới trong năm 2022 đạt 3%, giữ nguyên so với dự báo đưa ra tháng 6-2022.

Đặc biệt, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho biết khoảng 345 triệu người đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực tại 82 nước mà tổ chức này có hoạt động, tăng hơn gấp đôi so với con số trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2020. Còn các nhà kinh tế thì cảnh báo, nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài, các nguồn cung lương thực bị gián đoạn, thế giới sẽ có thêm khoảng 47 triệu người nữa rơi vào cảnh đói ăn.

Tiềm năng tăng trưởng và thịnh vượng của ASEAN

Tuy nhiên, trong bối cảnh phức tạp đó vẫn có những cơ hội. Nhiều phát biểu tại Diễn đàn ASEAN và châu Á (AAF) lần thứ 14 vẫn bày tỏ lạc quan về tiềm năng tăng trưởng và sự thịnh vượng của châu Á, trong đó có ASEAN. Trước hết, châu Á chiếm hơn một nửa dân số thuộc tầng lớp trung lưu trên thế giới và sẽ tiếp tục tăng trong thập kỷ tới. Điều này có nghĩa là, phần lớn nhu cầu tiêu dùng trên thế giới sẽ sớm chuyển hướng sang châu Á, biến khu vực này thành động lực tăng trưởng cho nền kinh tế toàn cầu.

Với Đông Nam Á, đây là khu vực nằm ở trung tâm, kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, nơi có nhiều tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế đi qua. Với dân số hơn 650 triệu người, GDP khoảng 3.000 tỉ USD, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Các vấn đề toàn cầu như đại dịch Covid-19, xung đột tại các vùng lãnh thổ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang gây cản trở không nhỏ tới các tuyến đường vận chuyển hàng hóa. Vì lý do này, các doanh nghiệp quốc tế cần phải tìm cách để củng cố và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á đang nổi lên như một trung tâm hấp dẫn cho các doanh nghiệp toàn cầu đầu tư. Những lợi thế lớn nhất của khu vực này đến từ chi phí lao động thấp trong khi đây là một trong những thị trường tiêu dùng và bán lẻ phát triển nhanh nhất toàn cầu.

Để nắm bắt những cơ hội từ trật tự thế giới hiện tại, ASEAN cần phải duy trì cam kết lâu dài của về thương mại mở và tự do để luôn mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư, ý tưởng sáng tạo và tài năng. ASEAN cũng cần đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa và các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) hiện có, đặc biệt đẩy nhanh việc thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là hiệp định đa phương với sự tham gia của 15 nước có tổng dân số gần 2,3 tỷ người (30,2% dân số thế giới), chiếm 33,6% GDP thế giới và khoảng 30,3% thương mại toàn cầu.

Đi vào những lĩnh vực cụ thể, ASEAN có thể tập trung khai thác số hóa và phát triển bền vững vì đây là những lĩnh vực tạo ra cơ hội mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực. Theo con số thống kê, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số ASEAN đã tăng gần 20% lên hơn 316 triệu người. Kinh tế kỹ thuật số dự kiến đóng góp 363 tỷ USD vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN vào năm 2025.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh đến các công ty khởi nghiệp (start-up) kỹ thuật số, coi đây thực sự là “chìa khóa” phục hồi kinh tế và là “chất xúc tác” cho tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á. Bằng cách thu hút tài trợ và trực tiếp tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo của địa phương, đặc biệt tạo ra công ăn việc làm, các start-up kỹ thuật số là “một phần thiết yếu” trong tầm nhìn của ASEAN nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế khu vực. Điều đó sẽ giúp ASEAN đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 5% trong năm nay và 5,3% trong năm tới, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.