- Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
- Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith chúc mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
![]() |
Đoàn kết trong Đảng là yếu tố quan trọng tạo sự ổn định về chính trị (Trong ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nắm tay nhau sau khi chúc mừng đồng chí Tô Lâm ngày 3-8-2024 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu giữ chức Tổng Bí thư ) |
Khẳng định kế thừa và phát huy thành quả đã đạt được
Đài NHK của Nhật Bản bình luận: “Với sự chú ý của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu chứng minh sự ổn định chính trị bằng cách tiến hành suôn sẻ việc bổ nhiệm các nhà lãnh đạo cấp cao”. Trong khi đó, với tiêu đề: “Việt Nam bổ nhiệm ông Tô Lâm làm Tổng Bí thư mới, ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng của người tiền nhiệm”, bài viết của hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản nhận định đồng chí Tô Lâm là người ủng hộ chiến dịch chống tham nhũng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an. Tương tự, báo Yomiuri cho rằng, từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện chiến dịch chống tham nhũng.
Các cơ quan thông tấn, báo chí chính thống của Trung Quốc, trong đó có Tân Hoa xã, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Nhân dân nhật báo cũng đồng loạt đưa tin về việc Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư. Truyền thông Trung Quốc trích đăng phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, trong đó khẳng định kế thừa và phát huy những thành tựu cách mạng; cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.
Ấn phẩm điện tử của Đài Phát thanh quốc gia Lào thì nhấn mạnh đến phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng và các thế hệ lãnh đạo đi trước đã gây dựng, duy trì sự đoàn kết, thống nhất và cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng, đưa đất nước vững bước phát triển trong giai đoạn mới.
Nhiều hãng, trang tin, tờ báo như AFP (Pháp), TASS (Nga), báo Bangkok Post (Thái Lan), The Straits Times (Singapore)... đã nhấn mạnh phát biểu của tân Tổng Bí thư Tô Lâm về việc “đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... bất kể người đó là ai”. Còn tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) nhận định Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm được kỳ vọng sẽ kế thừa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng Cộng sản Việt Nam phát động thời gian qua.
Về chính sách đối ngoại của Việt Nam, hãng thông tấn Kyodo nhận định chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ không có có bất kỳ thay đổi lớn nào trong thời điểm hiện tại. Hãng tin NHK của Nhật Bản đăng nội dung trả lời của Tổng Bí thư Tô Lâm với tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm sâu sắc thêm tình hữu nghị với tất cả các nước. Đây là chính sách đối ngoại của chúng tôi và sẽ không thay đổi”. Hãng tin này nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam, thể hiện qua phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục thực hiện hiệu quả ngoại giao thời đại mới, trên cơ sở cốt cách của con người Việt Nam, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, hòa hiếu, “lấy chí nhân thay cường bạo”, đồng thời phát huy cao độ vai trò đối ngoại, huy động cao nhất sức mạnh của thời đại, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm từ xa, thực hiện thành công đường lối đổi mới.
Vốn quý để phát triển đất nước
Có thể nói sự ổn định về chính trị và nhất quán trong chính sách của Việt Nam là những vấn đề được truyền thông quốc tế nhấn đến nhiều khi đưa tin đồng chí Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư. Đây chính là điều mà Đảng ta quan tâm, luôn coi giữ vững ổn định về chính trị là nhiệm vụ quan trọng.
Trước hết, ổn định chính trị là điều kiện sống còn để bảo vệ độc lập dân tộc, ứng phó với các thách thức bên trong và bên ngoài. Trải qua nhiều năm chiến tranh đau thương, đất nước bị chia cắt, bị tàn phá, dân tộc Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình, độc lập, thống nhất, giá trị của ổn định chính trị để phát triển đất nước, mang lại cuộc sống bình yên. Trên thực tế, sự ổn định chính trị đã trở thành ưu điểm xuyên suốt quá trình phát triển của Việt Nam, ưu điểm mà không phải quốc gia nào cũng có được. Có được sự ổn định chính trị là vì Đảng ta luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, đoàn kết dân tộc và đoàn kết trong Đảng. Cả hệ thống chính trị, xã hội, nhân dân đoàn kết quanh Đảng tạo thành một khối gắn kết vững chắc. Mọi giai cấp, tầng lớp, lực lượng, thành phần đều hiểu rõ giá trị của mình, từ đó đóng góp vì giá trị chung, mục tiêu chung.
Việc Đảng ta đẩy mạnh nỗ lực chống tham nhũng, xử lý những cán bộ trót “nhúng tràm”cũng là một cách để khẳng định tính chính danh của Đảng cầm quyền, để giữ vững niềm tin cho các đảng viên và quần chúng nhân dân. Qua đó không chỉ góp phần quan trọng làm trong sạch đội ngũ, mà còn giúp ổn định chính trị, tạo thêm xung lực cổ vũ, động viên khích lệ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng trong bối cảnh mới.
Chính nhờ giữ vững ổn định chính trị, Việt Nam đã tạo cho mình nhiều lợi thế. Trong đánh giá của quốc tế về các yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, ổn định chính trị luôn là yếu tố hàng đầu. Kinh nghiệm cho thấy khi đổ vốn vào bất cứ quốc gia nào, nhất là những khoản đầu tư lớn, dài hạn, nhà đầu tư phải tìm hiểu cặn kẽ về môi trường chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, dân cư của quốc gia đó. Bởi vì những bất ổn về chính trị dễ dẫn tới những bất ổn về kinh tế, bất ổn về xã hội, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Những năm gần đây, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động với những lò lửa chiến tranh, xung đột, căng thẳng địa chính trị giữa các nước trên thế giới…, Việt Nam vẫn có sức hút lớn về đầu tư nhờ luôn giữ được ổn định chính trị. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20-7-2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn giải ngân đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, riêng tháng 7-2024 đã ghi nhận tổng lượng vốn đăng ký hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn đầu tư trong 7 tháng.
Ổn định chính trị đã trở thành vốn quý để phát triển đất nước. Tuy nhiên, ổn định chính trị không phải là thứ tài nguyên trời ban mà là nhờ năng lực và uy tín lãnh đạo của Đảng. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ vấn đề này để có hành động đúng đắn nhằm giữ vững ổn định chính trị vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.