Vì sao vụ chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của ngân hàng tiếp tục phải trả hồ sơ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Toà án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, sau gần 2 ngày thẩm vấn, Tòa án nhân dân TP Hà Nội một lần nữa yêu cầu điều tra bổ sung.

Mánh lới lấy lòng và chiếm đoạt tiền ngân hàng

Liên quan đến hành vi bị truy tố của “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành còn có 24 bị cáo khác, lần lượt bị truy tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”.

Trong số 25 bị cáo, Đặng Quỳnh Hương (SN 1980, cựu cán bộ Ngân hàng TMCP Việt Á) bị đưa ra xét xử về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”; Nguyễn Hồng Trung (SN 1983, cựu nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc dân) bị truy tố cùng lúc về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng” và tội "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”...

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và các bị cáo liên quan.

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và các bị cáo liên quan.

Theo cáo trạng truy tố, khoảng năm 2016 - 2018, Nguyễn Thị Hà Thành hoạt động kinh doanh tự do, bị thua lỗ nên đã nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân trong xã hội. Nhờ chiêu vay tiền của người sau trả cho người trước, thời gian đầu, Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn.

Cũng trong khoảng thời gian này, Thành tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm với số tiền lớn để gửi đồng sở hữu. Thành lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các Hợp đồng tín dụng, vay các ngân hàng những khoản tiền lớn nên được các Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) coi là khách VIP.

Do không có hoạt động kinh doanh, chỉ vay tiền của người sau để trả gốc và lãi cao cho người trước nên từ ngày 5-6 đến 26-11-2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn. Từ đó, “siêu lừa” đã nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền từ các ngân hàng NCB, VAB và nhiều cá nhân khác nhau.

Cụ thể, tại Ngân hàng NCB, từ ngày 18-6 đến 21-8-2018, Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn (trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) 50 tỷ đồng. Bị cáo yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm thành nhiều sổ đứng tên hai vợ chồng ông này vào Ngân hàng NCB rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ.

Sau đó, Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark) dùng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmark lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, các biên bản đối chiếu công nợ với các công ty khác và lợi dụng sự tin tưởng, thiếu trách nhiệm của nhân viên Ngân hàng NCB trong hoạt động cấp tín dụng, giải ngân để cả hai ký giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn trên các chứng từ và chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng.

Cũng với thủ đoạn trên, Thành vay của ông Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm đứng tên hai vợ chồng ông này vào một ngân hàng khác, rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ. Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng sau đó dùng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmark, lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, các biên bản đối chiếu công nợ với doanh nghiệp.

Tiếp đến, Thành và đồng phạm lợi dụng sự tin tưởng và thiếu trách nhiệm của nhân viên ngân hàng này trong hoạt động thu thập hồ sơ, thẩm định cấp tín dụng và giải ngân để ký giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn trên chứng từ hợp đồng cầm cố tiền gửi trong hồ sơ cấp tín dụng. Qua đó, Thành và đồng phạm đã chiếm đoạt 49,4 tỷ đồng của tổ chức tín dụng này.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Á, trong khoảng thời gian từ 5-6 đến 26-11-2018, Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền của nhiều cá nhân rồi sau đó câu kết với các cán bộ ngân hàng này để thực hiện màn lừa đảo, chiếm đoạt của ngân hàng số tiền hơn 273 tỷ đồng.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên toà.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên toà.

Tin vào sự kiểm soát rất chặt chẽ của ngân hàng

Tại tòa, “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành khai, bị cáo này quen biết vợ chồng ông Toàn từ năm 2017. Thành vay tiền của vợ chồng ông Toàn bằng cách bảo ông này mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng, rồi đưa sổ cho bị cáo để chứng minh năng lực tài chính và trả lãi cho ngân hàng.

Theo lời khai của “siêu lừa”, tiền vẫn là của ông Toàn. Nếu bị cáo muốn sử dụng thì phải hỏi ý kiến ông Toàn. “Nếu bị cáo hỏi, chắc chắn anh Toàn không đồng ý”, “siêu lừa” trình bày.

“Vay tiền thì phải thể hiện bằng cách người cho vay, cho vay bằng vật chất, ví dụ tiền hoặc vàng, sau khi vay được thì người vay sẽ được sử dụng vật chất đó. Tôi chưa bao giờ thấy có kiểu cho vay bằng hình thức này. Đó là suy nghĩ của bị cáo đúng không?”, chủ toạ căn vặn. Đáp lời, “siêu lừa” cho biết: “Đối với người có tiền như anh Toàn thì bị cáo cho rằng đây là vay tiền”.

Quá trình khai báo, bị cáo Thành xác định, vợ chồng ông Toàn không biết việc cô ta làm. Và theo lời “nữ quái”, nếu biết việc Thành làm thì vợ chồng ông Toàn sẽ lấy lại sổ tiết kiệm chứ không để bị cáo cầm giữ.

“Bị cáo vẫn giữ quan điểm anh Toàn, chị Trang không biết việc bị cáo rút tiền”, chủ tọa hỏi. Bị cáo Thành đáp “vâng ạ” và khẳng định sau khi thế chấp sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Toàn, chị ta không thông báo cho họ biết. Đối với những người vay tiền khác, Thành cũng khai họ không biết.

Tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, ông Đặng Nghĩa Toàn trình bày, sở dĩ ông này đưa sổ tiết kiệm cho Thành vì bị cáo này giới thiệu là nhân viên ngân hàng, cần “chạy chỉ tiêu” và việc Thành cầm sổ tiết kiệm không thì không thể làm gì ảnh hưởng đến số tiền của chủ sở hữu, bởi chỉ có chủ sở hữu mới có thể rút tiền.

Cũng theo lời khai của ông Toàn, ông này không cho Thành vay tiền vì không biết Thành là ai và nếu ông Toàn cho vay thì vì sao phải gửi tiền vào ngân hàng. Ông Toàn khẳng định, lý do đưa sổ tiết kiệm cho “siêu lừa” vì tin khâu kiểm soát rất chặt chẽ của ngân hàng. Nếu chủ sở hữu không ký tại ngân hàng và không có chứng minh nhân dân… thì số tiền trong sổ tiết kiệm sẽ không thể biến mất được.

Sau gần 2 ngày mở tòa xét xử “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành và hàng loạt cựu cán bộ ngân hàng liên quan, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội bất ngờ rút vào phòng nghị án hội ý và sau đó quyết định tiếp tục trả hồ sơ cho cơ quan truy tố để điều tra bổ sung.

Theo đó, HĐXX yêu cầu cần phải làm rõ có hay không việc cho nhau vay nợ tiền giữa vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn và Nguyễn Thị Hà Thành? Đến nay, bị cáo Thành nợ ông Toàn bao nhiêu tiền, số tiền đã trả và số tiền thực nhận là bao nhiêu? Số tiền lãi trong các sổ tiết kiệm mà ngân hàng đang giữ của ông Toàn đến nay là bao nhiêu? Và đặc biệt là cần xem xét, đánh giá ông Đặng Nghĩa Toàn có đồng phạm với Nguyễn Thị Hà Thành hay không?

Bên cạnh đó, HĐXX cũng yêu cầu làm rõ ý thức chủ quan của bị cáo Quản Trọng Đức (cựu cán bộ ngân hàng) để thấy rằng bị cáo này có cùng ý chí phạm tội với Nguyễn Thị Hà Thành không? Trước đó, quá trình xét hỏi tại tòa, bị cáo Đức cho rằng việc kiểm tra hồ sơ là trách nhiệm của các nhân viên.

Trước đó, tại phiên tòa mở hồi đầu tháng 1-2022, TAND TP Hà Nội cũng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ thêm hành vi của một số bị cáo và nhiều tình tiết khác liên quan. Trong đó, HĐXX yêu cầu làm rõ vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn có đồng phạm với Nguyễn Thị Hà Thành hay không.

Theo công văn phúc đáp của VKSND TP Hà Nội gửi TAND cùng cấp, tài liệu thu thập được trong hồ sơ vụ án không đủ căn cứ kết luận vợ chồng ông Toàn đồng phạm với bị cáo Thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) và Ngân hàng TMCP Đại chúng (PvcomBank).