Vì sao việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là cần thiết và cấp bách?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Ủy ban Quốc phòng An ninh (QPAN) cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Cũng theo Uỷ ban QPAN, thực tế hiện nay, đa số các vụ, việc có liên quan đến an ninh, trật tự (ANTT) đều xảy ra ở cơ sở, cần phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời từ sớm, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả cho xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng Công an chính quy tại xã, phường, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn trong quán xuyến địa bàn, hiểu biết về phong tục tập quán, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số… nên cần có sự tham gia của các lực lượng quần chúng ở cơ sở, nhất là lực lượng Công an xã bán chuyên trách trước đây, Bảo vệ dân phố, Dân phòng là một đòi hỏi tất yếu.

Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí với quy định về vị trí, chức năng của lực lượng TGBVANTT ở cơ sở như dự thảo Luật. Về nội dung này, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, có sự điều chỉnh cơ bản so với dự thảo Luật trình Quốc hội khóa XIV.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Về tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Ủy ban QPAN cho rằng, xuất phát từ vị trí, chức năng của lực lượng này là tham gia, hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nên việc quy định tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và huy động lực lượng thực hiện bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đa số ý kiến của Ủy ban QPAN nhất trí với quy định theo nguyên tắc đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và sự chỉ huy, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan Công an.

Về bảo đảm điều kiện hoạt động đối với Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật và đề nghị quy định chi trả phụ cấp hàng tháng (hoặc hàng quý) đối với Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ ANTT…

Ủy ban QPAN cho rằng, mức độ bảo đảm còn rất hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ. Khi kiện toàn, tổ chức lại lực lượng thì cần phải quan tâm hơn nữa thực hiện chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo hoạt động cho lực lượng nhằm động viên, khuyến khích, thu hút người dân tham gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vì vậy, đề nghị đánh giá kỹ, tính toán đủ mức kinh phí mà ngân sách Nhà nước phải bảo đảm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; động viên, khuyến khích được người dân tham gia, phù hợp với khả năng chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước làm cơ sở để Quốc hội xem xét quyết định.

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí với dự thảo Luật quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì thực hiện quản lý Nhà nước về lực lượng TGBVANTT ở cơ sở; đồng thời, tiếp tục rà soát nội dung cụ thể về trách nhiệm của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để tiếp thu cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, hợp lý và khả thi.