Vì sao trẻ em mang thai ở độ tuổi vị thành niên gia tăng, nguy cơ khi giữ thai hoặc sinh đẻ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tỷ lệ mang thai ở trẻ vị thành niên đang có xu hướng tăng và đây là một vấn nạn nghiêm trọng…
TS.BS Đỗ Minh Loan tư vấn cho phụ huynh có con trong độ tuổi vị thành niên
TS.BS Đỗ Minh Loan tư vấn cho phụ huynh có con trong độ tuổi vị thành niên

Mấy ngày qua, thông tin bé gái 11 tuổi ở huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) sinh con thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội. Cháu bé này mang thai khi đang là học sinh lớp 5, ở độ tuổi còn quá nhỏ.

Trước đó chưa lâu, trường hợp một nữ sinh lớp 7 ở Bắc Giang có thai rồi tự sinh con trong nhà tắm khiến dư luận vô cùng bất ngờ. Điều đáng nói, cả gia đình và nhà trường đều tỏ ra bất ngờ và không hay biết trẻ đã trải qua giai đoạn mang thai trước đó.

TS.BS Đỗ Minh Loan cho biết, thực tế là Khoa Sức khỏe Vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã từng tiếp nhận điều trị một trẻ gái 14 tuổi mang thai. Tình trạng mang thai và làm mẹ ở tuổi vị thành niên đang có xu hướng tăng, đây là vấn nạn nhức nhối, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của trẻ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội.

Từ góc độ y học, TS.BS Đỗ Minh Loan phân tích, vị thành niên là những trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Vào thời điểm này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục.

Cùng với sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế thụ thai, các biện pháp tránh thai; quan hệ tình dục không chuẩn bị, không mong muốn; sống thử trước hôn nhân; cũng như chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính… Dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn rất cao.

Cần biết các dấu hiệu có thai ở trẻ vị thành niên và nguy cơ

Cần biết các dấu hiệu có thai ở trẻ vị thành niên và nguy cơ

Về nguy cơ, mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, nguy cơ tử vong mẹ cao hơn so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Mẹ dễ bị thiếu máu, tiền sản giật, đẻ non, sẩy thai, chuyển dạ đình trệ, bất tương xứng thai khung chậu. Đứa trẻ sinh ra thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với con của các bà mẹ tuổi trưởng thành…

Về tâm lý, do mặc cảm, xấu hổ nên trẻ vị thành niên thường tìm kiếm dịch vụ phá thai không an toàn. Trẻ vị thành niên thường không biết các dấu hiệu để nhận biết thai nghén, nên không tìm đến cơ sở y tế sớm dẫn đến phá thai to. Do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, tâm lý lại lo sợ nên thủ thuật phá thai ở vị thành niên thường xảy ra nhiều tai biến hơn ở người trưởng thành. Những ảnh hưởng tâm lý sau phá thai ở tuổi vị thành niên có thể rất nặng nề và kéo dài.

TS.BS Đỗ Minh Loan hướng dẫn một số dấu hiệu phát hiện sớm trẻ vị thành niên mang thai, gồm: Trẻ chậm kinh hoặc mất kinh; Buồn nôn và nôn; Thay đổi ở ngực: vú căng và nổi tĩnh mạch quanh quầng vú; Tiết sữa non từ tuần thứ 16 của thai kì; Nhiệt độ cơ thể tăng cao; Thay đổi về da: Nám da, sẫm màu ở núm vú; Chảy máu âm đạo trong 3 tháng đầu của thai kì có thể nhầm lẫn với ra máu kinh nguyệt bình thường.

Chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyến cáo, để giúp trẻ tránh mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên, các bậc cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Phụ huynh và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính; giáo dục, chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân; hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp…

“Rất cần sự chung tay xây dựng của gia đình, nhà trường và xã hội để cuộc sống của các em được an toàn, hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn” - TS Loan kêu gọi.