Vì sao trái cây Việt vẫn khó tìm đường vào thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các doanh nghiệp Việt Nam còn hiểu quá ít về thị trường Trung Quốc. Do vậy, cần lưu ý, trước khi đưa sản phẩm nông sản Việt vào thị trường đông dân nhất thế giới, việc cần làm trước tiên là phải bảo hộ thương hiệu.

Thị trường Trung Quốc không hề dễ tính

Tại Diễn đàn kết nối nông sản với chủ đề “Thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, khoai lang, chuối và các sản phẩm nông sản - thực phẩm chủ lực sang thị trường Trung Quốc” diễn ra ngày 10/12, TS Trà My - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc - cho biết, thị trường 1,4 tỷ dân không hề dễ tính.

Bà My cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam còn hiểu quá ít về thị trường Trung Quốc. Do vậy, cần lưu ý, trước khi đưa sản phẩm nông sản Việt vào thị trường đông dân nhất thế giới, việc cần làm trước tiên là phải bảo hộ thương hiệu.

Thứ hai, cần tìm những nhà nhập khẩu hoặc phân phối có thực lực về kinh tế, có kênh bán hàng tốt, có đội ngũ tâm huyết với việc phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng nguồn lực kiều bào hoặc hội doanh nghiệp Việt Nam tại nước bản địa.

Sầu riêng Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng

Sầu riêng Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng

Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi tư duy, không nên bán những gì mình có mà nên nghiên cứu nhiều hơn thị trường mình cần thâm nhập.

Thứ tư, “nhập gia tùy tục”, Trung Quốc yêu cầu rất cao về mẫu mã, số lượng không cần nhiều nhưng hộp quà phải đẹp. Vì vậy, cần tập trung chú trọng mẫu mã và đặc biệt để ý đến số lượng nên là những số 2, 6, 8.

Thứ năm, những doanh nghiệp Việt Nam muốn làm ăn lâu dài nên mở văn phòng đại diện hoặc công ty con tại Trung Quốc.

Theo ông Đinh Gia Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, với ngành rau củ quả thực phẩm, Trung Quốc là thị trường quan trọng, có sức mua lớn, tuy nhiên chưa có xúc tiến thương mại đầu tư tập trung hơn để xứng đáng với quy mô.

“Thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, đây là thị trường không thua kém thị trường Mỹ và châu Âu trong tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã sản phẩm, chất lượng. Những rào cản thương mại, các quy định về chất lượng sản phẩm rất nghiêm túc và rõ ràng. Để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ngoài giá cả thì chất lượng sản phẩm cũng cần được nâng cao” - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa kiến nghị, sớm hay muộn thị trường Trung Quốc sẽ áp dụng kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên chúng ta càng sớm khuyến cáo đến nông dân về tiêu chuẩn phía bạn thì sẽ thuận lợi cho công tác xuất khẩu về sau.

Đối với sầu riêng, cần xúc tiến cả mặt hàng cấp đông sang Trung Quốc vì giá trị sản phẩm xuất khẩu rất cao. Lúc cao điểm, giá sầu riêng cấp đông sang thị trường Trung Quốc có thể đạt 13.000-15.000 USD/tấn.

5 khuyến nghị để sầu riêng Việt “ào ào” vào Trung Quốc

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Bob Wang, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh, cho biết Việt Nam và Thái Lan là hai nước xuất khẩu trái cây lớn của Đông Nam Á sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, xuất khẩu trái cây Việt Nam có nhiều thua thiệt so với Thái Lan. Minh chứng rõ nhất là kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan đạt 8,5 tỷ USD, còn Việt Nam cao nhất mới đạt 3,2 tỷ USD.

Để cải thiện việc xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc, ông Bob Wang đưa ra 5 kiến nghị cho Việt Nam.

Trước hết, ông Bob Wang đề nghị các cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây của Việt Nam kiểm soát chặt chẽ chất lượng trái cây và xây dựng các quy tắc thống nhất để đảm bảo rằng việc hái và khử trùng trái cây Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và không sử dụng hóa chất hoặc thuốc trừ sâu để tránh các vi phạm. Đồng thời trái cây Việt Nam khi xuất khẩu phải áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc chất lượng.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trái cây Việt Nam thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường Trung Quốc, bán hàng một cách thụ động mà không tìm hiểu nhu cầu thực sự của thị trường.

Việt Nam cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, đồng thời có thể nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc mới nhất.

Thứ ba, kể từ khi sầu riêng Việt Nam được phép vào thị trường Trung Quốc vào tháng 9/2022, sầu riêng Việt Nam đã được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Tuy nhiên, những tháng sau đó, một tình huống bất thường xảy ra đó là ngoài việc trả tiền mua sầu riêng thì người Trung Quốc phải chịu thêm chi phí về hạn ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam, mỗi container khoảng 300.000 nhân dân tệ, điều này khiến giá sầu riêng Việt Nam cao hơn giá sầu riêng Thái Lan tại thị trường Trung Quốc.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh đề nghị Chính phủ Việt Nam thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc để giúp xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt Nam tại Trung Quốc, giảm khâu và người trung gian.

"Chúng tôi dự định tổ chức một cuộc triển lãm và bán sầu riêng Việt Nam quy mô lớn tại Nam Ninh vào khoảng ngày 24 tháng này, chủ yếu thông qua mô hình bán trước trực tuyến, để đổi mới mô hình bán trái cây Việt Nam tại Trung Quốc.

Nói cách khác, theo cách này trong tương lai, trái cây Việt Nam có thể vừa được hái tại vườn Việt Nam, chúng ta đã bán xong hàng sang Trung Quốc.

Những người bạn Việt Nam quan tâm có thể liên hệ với chúng tôi sau cuộc họp để cùng nhau quảng bá mô hình bán hàng sáng tạo này, bởi từ nay đến Tết Nguyên đán chúng tôi cần khoảng 1.500 container sầu riêng.

Thông qua diễn đàn, tôi mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác với nhà cung cấp trái cây Việt Nam để giảm bớt các liên kết trong khâu lưu thông để hai bên cùng có lợi", ông Bob Wang thông tin.