Vì sao phải thay thế cây phong trên trục đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong tháng 4 này, đơn vị chuyên môn của thành phố sẽ hoàn thành việc trồng thay thế 262 cây phong lá đỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng bằng cây bàng lá nhỏ.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2016, TP Hà Nội đã triển khai chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh trên toàn thành phố, trong đó có các tuyến phố khu vực nội đô.

Hưởng ứng chủ trương chung của thành phố, năm 2018, Công ty Tân Đại Đường đã kiến nghị được tham gia chương trình này bằng việc tài trợ trồng 262 cây phong lá đỏ trên trục phố Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng với mục tiêu tăng cường diện tích cây xanh trên địa bàn Thủ đô, đồng thời giúp đa dạng chủng loại cây xanh đô thị.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, vào thời điểm đó, đơn vị tài trợ cũng mong muốn được thí điểm, tạo một điểm nhấn cho Thủ đô Hà Nội về cây xanh, nhưng đặc tính của cây phong lá đỏ là ưa sống ở khu vực khí hậu ôn đới, trong khi khí hậu Việt Nam nhiệt đới gió mùa, rất khắc nghiệt nên không phù hợp cho quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.

Trong tháng 4 này, Hà Nội sẽ hoàn thiện thay thế toàn bộ cây phong lá đỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng bằng ây bàng lá nhỏ

Trong tháng 4 này, Hà Nội sẽ hoàn thiện thay thế toàn bộ cây phong lá đỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng bằng ây bàng lá nhỏ

Đến thời điểm hiện tại, có 45 cây phong lá đỏ bị chết, số còn lại cũng không phát triển được, cây còi cọc và lá không chuyển màu đỏ như dự tính ban đầu. Do vậy, Sở Xây dựng đã báo cáo thành phố, đề xuất thay thế toàn bộ số cây phong lá đỏ trên hai tuyến phố bằng cây bàng lá nhỏ. Toàn bộ số cây phong còn lại (217 cây) sẽ trả lại cho đơn vị tài trợ là Công ty Tân Đại Đường để đánh chuyển về trồng ở vị trí phù hợp hơn.

“Công ty Tân Đại Đường đã cam kết, sẽ hoàn thành thu hồi số cây phong lá đỏ trên phố Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng trong tháng 4 này. Cùng với đó, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội sẽ trồng thay thế cây bàng lá nhỏ, cũng hoàn thành trong tháng 4”- Sở Xây dựng Hà Nội thông tin.

Cây bàng lá nhỏ trồng trên dải phân cách phố Kim Mã được nhân dân ủng hộ

Cây bàng lá nhỏ trồng trên dải phân cách phố Kim Mã được nhân dân ủng hộ

Liên quan đến việc, tại sao lại lựa chọn cây bàng lá nhỏ thay thế cây phong trên hai tuyến phố này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, cây bàng lá nhỏ đã được TP Hà Nội triển khai trồng trên nhiều tuyến phố, có nơi trồng ở vỉa hè, có nơi trồng trên dải phân cách và kết quả cho thấy loại cây này phù hợp với đô thị Hà Nội.

Cụ thể, bàng lá nhỏ phát triển thân rất thẳng, ít gãy đổ nên hạn chế ảnh hưởng đến ATGT. Hơn nữa, lá cây nhỏ nên khi rụng cũng ít gây tắc cống hơn nhiều loại cây đô thị khác và đặc biệt, bàng lá nhỏ ít phải cắt tỉa hơn nhiều loại cây khác.

Ngoài ra, khoảng cách trồng cây bàng lá nhỏ trên 2 tuyến phố này là 8m (bình thường là 4-5m), do vậy, sau này, nếu cần thiết có thể trồng bổ sung cây muồng vàng, hoa ban hoặc chuông vàng xen kẽ... để tạo cảnh quan đô thị đặc sắc hơn. Khi đề xuất lựa chọn loại cây này, cơ quan chuyên môn cũng đã tham khảo ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về cây xanh...

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian qua, việc trồng và phát triển hệ thống cây xanh đô thị đã được chú trọng, quan tâm đầu tư đồng bộ tạo cảnh quan, không gian xanh trên 200 tuyến phố, tuyến đường của Thủ đô Hà Nội.

Lũy kế kết quả thực hiện từ 2016 đến ngày 30/6/2020, toàn thành phố đã trồng được hơn 1.581.000 cây đô thị, bóng mát, cây lấy gỗ đạt 98,82% kế hoạch thành phố giao.

Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã kêu gọi các tổ chức tham gia xã hội hóa phát triển hệ thống cây xanh, đã kêu gọi được 26.351 cây đô thị.

Các tổ chức, cá nhân tặng cây gồm: Đại sứ quán Phần Lan (nước Cộng hòa Phần Lan), UBND tỉnh Sơn La, UBND Tỉnh Điện Biên, Hiệp hội Hoa Anh Đào Nhật Bản - Đại sứ quán Nhật Bản, Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Aeon… và tiếp tục kêu gọi xã hội hóa các tổ chức, cá nhân tham gia trồng, chăm sóc và trang trí cây xanh trên địa bàn thành phố.