Vì sao nữ sinh ngất

ANTĐ - Thời gian gần đây xảy ra hiện tượng nữ sinh tại một số trường học ở các tỉnh bỗng dưng ngất xỉu hàng loạt. Một học sinh ngất, rồi nhiều học sinh ngất theo. Một trường học có học sinh ngất, nhiều trường học cũng xảy ra hiện trạng tương tự. Việc học sinh ngất xỉu không chỉ khiến cho gia đình học sinh lo lắng mà còn làm mất ANTT tại môi trường sư phạm, nhiều trường học không thể tập trung giảng dạy. Không những thế kéo theo đó là những lời đồn thổi mê tín dị đoan rằng các em bị ma ám, bị vong theo… gây hoang mang trong dư luận. Thực hư câu chuyện này như thế nào, chúng ta hãy cùng đi tìm câu trả lời từ các nhà chuyên môn.
Vì sao nữ sinh ngất ảnh 1


Hội chứng ngất … tập thể

Trong thời gian từ ngày 25-11-2011 đến 2-12-2012, rất nhiều học sinh ở trường THPT Yên Thành 3, huyện Yên Thành (Nghệ An) bị ngất xỉu khi đang học. Điều đáng nói là số học sinh bị ngất lên tới hơn 200 em. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng đất của nhà trường bị “động” dẫn đến việc các học sinh này bị ngất có liên quan đến yếu tố tâm linh, rất có thể các em đã bị “ma ám”, “hồn nhập”.

Trước đó vào năm 2010, chỉ trong 2 ngày mà có tới hàng chục nữ sinh trường THPT Trần Hưng Đạo (Lệ Thủy - Quảng Bình) đã bị ngất xỉu đồng loạt trong giờ học. Chiều 10-9-2010, một nữ sinh lớp 11B9 bỗng nhiên hét lên một tiếng rồi ngất xỉu. Ngay sau đó, các nữ sinh khác hoảng loạn rồi đồng loạt ngất theo. Đến ngày 11-9, cũng tại lớp này, gần 20 nữ sinh cũng ngất xỉu tập thể khiến học sinh cả trường lo lắng, hoang mang. Các nữ sinh bị ngất đã được Ban giám hiệu, giáo viên và nhân viên y tế kịp thời sơ cứu, chăm sóc nên hồi tỉnh nhanh sau 5 - 10 phút và trở lại học tập bình thường. Theo nhiều giáo viên, vài năm gần đây tình trạng nữ sinh ngất xỉu hàng loạt xảy ra phổ biến ở trường này, có khi lên tới vài chục em cùng ngất xỉu.

Vào thời điểm tháng 11-2008, tại tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã xảy ra tình trạng nữ sinh ngất hàng loạt không rõ nguyên nhân. Tại trường THPT Nguyễn Du, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, xuất hiện rất nhiều nữ sinh la hét rồi ngất xỉu. Theo lời thầy Trần Văn Hoa - Hiệu trưởng nhà trường, trung bình mỗi ngày, tại trường có khoảng 5 -10 nữ sinh của trường bị ngất xỉu, nhiều trường hợp phải đưa đi cấp cứu tại trạm y tế. Nguyên nhân của việc nữ sinh bị ngất xỉu hàng loạt vẫn thì nhà trường không thể xác định được. Trước đó, Trạm y tế thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức  đã tổ chức tiêm VAT (vắc xin phòng uốn ván) cho 186/300 nữ sinh của trường. Thế nhưng, sau khi tiêm thuốc thì 12 nữ sinh có triệu chứng khó thở, nên phải đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Châu Đức. Sau khi tiêm vaccine hàng ngày, cứ vào khoảng 14h thì 12 nữ sinh trên liên tục bị khó thở, chân tay co giật, mắt trợn,  cấu xé sách vở, cắn tay, bứt tóc rồi la hét, vùng chạy… Nặng nhất là trường hợp nữ sinh L.T.M.H học sinh lớp 10A1 phải chuyển lên điều trị tại TP.hCM trong thời gian gần 1 tháng. Sau khi Trung tâm Y tế huyện đến tìm hiểu nguyên nhân thì được biết vaccine không phải là nguyên nhân khiến các nữ sinh ở ngôi trường này ngất hàng loạt.

Các vụ ngất xỉu vẫn liên tục xảy ra

Mới đây nhất, ngày 25-3 tại trường THCS Đinh Tiên Hoàng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, Phú Yên, cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm hiểu hiện tượng trong vòng 1 tuần liên tiếp xảy ra hiện tượng học sinh ngất xỉu. Ông Dương Văn Trình, Hiệu trưởng trường THCS Đinh Tiên Hoàng cho biết: Tình trạng ngất xỉu diễn ra tại tất cả các khối lớp của nhà trường. Ngày nhiều nhất có từ 10 - 15 em, ngày ít nhất từ 2- 4 em, tất cả đều là học sinh nữ. Hầu hết các em bị ngất xỉu đều có triệu chứng khó thở, buồn nôn, mệt lả, chân tay co giật… nhưng sau khi được đưa ra chỗ mát mẻ, thông thoáng thì sức khỏe các em dần hồi phục. Được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng một thời gian các em có thể đi học trở lại bình thường.

Theo ông Dương Văn Trình, hiện nhà trường đã gặp gỡ các phụ huynh học sinh bị ngất xỉu để động viên, cũng như bàn cách phối hợp, tăng cường công tác quản lý, theo dõi sát sao diễn biến tâm lý của học sinh trong và sau giờ học nhằm ngăn chặn triệt để  tình trạng trên. Ông Trình cho biết thêm, trước đây nhà trường chưa từng xảy ra tình trạng học sinh ngất xỉu nhưng từ khi có một số học sinh của trường THCS, THPT Sơn Thành (cũ) - nơi có nhiều học sinh ngất xỉu  chuyển sang lại xuất hiện tượng trên nhưng đã giảm dần rồi dứt hẳn, song thời điểm này thì trở lại. Các cơ quan y tế cũng vào cuộc kiểm tra nhưng không phát hiện có điều gì bất thường về sức khỏe các em cũng như môi trường của nhà trường, nhiều khả năng các em bị hạ canxi huyết và ảnh hưởng tâm lý nên ngất xỉu dây chuyền.

Hysteria là thủ phạm

Sau vụ việc ở Phú Yên, các cơ quan chức năng đã tiến hành hội chẩn, kết luận các học sinh này bị bệnh hysteria. Bệnh hysteria là một bệnh loạn thần tâm căn (y học hiện đại xếp hysteria vào nhóm bệnh loạn thần phân ly) đã xuất hiện từ rất lâu. Bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương tâm lý ở một số người. Tỷ lệ gặp ở 0,3-0,5% dân số, thường gặp ở nữ giới. Tần suất bệnh gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới khoảng 10 lần do phụ nữ trẻ có hệ thần kinh nhạy cảm,  thiếu sự chịu đựng thường dễ mắc bệnh. Đôi khi, bệnh cũng xuất hiện ở trẻ em được nuông chiều quá mức. Bệnh xảy ra đột ngột, biểu hiện đa dạng và sau đó, bệnh nhân lại bình thường. Do đó, nhiều người vẫn nghi ngờ hysteria có thật sự là bệnh hay không. Thậm chí có những người khi nhìn thấy bệnh nhân bị bệnh này còn cho rằng đây là bệnh “thiếu hơi trai” nhằm ám chỉ nó không có thật. Những bác sĩ điều trị, nếu chưa có kinh nghiệm, cũng rất dễ chẩn đoán nhầm bệnh vì không có bằng chứng về cận lâm sàng để chứng minh.

Hysteria thường có những biểu hiện như cơ thể mệt mỏi hụt hơi, khó thở, đau nhức... nhưng không có bằng chứng xác đáng về bệnh cơ thể; Những biểu hiện về tâm thần kinh như khóc cười, sợ hãi vô cớ, la hét, mất hoặc tăng cảm giác (kích thích nhỏ, bệnh nhân cảm nhận lớn hơn bình thường). Đặc điểm quan trọng là bệnh nhân rất dễ tự ám thị và bị ám thị (nhận thức không đúng về sự vật hiện tượng xảy ra) ly kỳ hóa hiện tượng, kịch tính hóa, thích được mọi người chú ý. Biểu hiện nổi bật nhất của bệnh là cơn hysteria với các triệu chứng như: thở nhanh, ngất xỉu, hay một số biểu hiện khác như: ngất, ngủ lịm, nói không chuẩn (không ăn nhập với chủ đề xung quanh).  Đôi lúc, hysteria chỉ là những rối loạn về vận động, cảm xúc, giác quan hay dị cảm.... Cảm giác nội tạng cũng bị rối loạn như đau bụng, đau ngực, đau vùng tim...  Cơn hysteria xuất hiện khi hệ thần kinh cao cấp bị kích thích quá độ, làm mất sự điều chỉnh bình thường của hệ vỏ não cao cấp. 

Tất cả các triệu chứng nêu trên có thể khẳng định những nữ sinh ngất hàng loạt trong thời gian vừa qua là mắc chứng hysteria. Nhưng cũng không loại trừ trường hợp những nữ sinh ngất hàng loạt là do tâm lý, khi nhìn thấy người bên cạnh ngất xỉu cũng lập tức lo sợ, hoảng hốt ngất xỉu theo. Hơn nữa có thể thấy rằng, những nữ sinh bị ngất thường trong độ tuổi từ 14-18, lứa tuổi sau dậy thì, nhu cầu cơ thể đòi hỏi một lượng calo lớn, nhưng nhiều em vì vóc dáng của mình mà không muốn nạp năng lượng cũng dẫn đến việc mất đường huyết và ngất xỉu. Độ tuổi này có tâm lý nhạy cảm, đôi khi chỉ vì sự không hài lòng mà bực bội, tác động đến suy nghĩ và khi không chịu nổi thì cũng dễ… ngất. 

Đối phó với hysteria

Khi có người bị bệnh hysteria, theo bác sỹ Nguyễn Quang Huy, Bệnh viện Bạch Mai thì nên có thái độ ứng xử thích hợp như: Chăm sóc ân cần, chu đáo nhưng tự tin, không ủy mị làm ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh. Để người bệnh nằm trên giường rộng, tránh bị ngã khi xoay trở. Tránh nằm gần những vật cứng, dễ vỡ. Nơi nằm nên có không khí thoáng mát. Nên giải thích, trấn an cho bệnh nhân và khuyên họ hít thở đều. Nếu mọi việc qua đi an toàn và đã được kiểm soát tốt, chỉ cần chăm sóc người bệnh tại nhà. Nếu cơn kéo dài, bạn cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc tốt hơn. Tại đây, người bệnh được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý, trợ giúp thở oxy, điều chỉnh các bệnh nên phối hợp nếu có, dùng thêm các loại thuốc an thần.

Để giúp các nữ sinh phòng chống được bệnh này, cần phối hợp giảng dạy tâm lý và chăm sóc sức khỏe học đường, cân đối áp lực học tập, vui chơi, làm việc, nghỉ ngơi, loại trừ các yếu tố gây căng thẳng. Phổ cập các kiến thức về bệnh này. Kêu gọi mọi người sống chan hòa, có tinh thần tập thể, tình thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Với hysteria, người mắc bệnh hồi phục nhanh, nhưng bệnh dễ tái phát khi tiếp cận với những hoàn cảnh tương tự. Muốn cải thiện, người bệnh cần tập tính chịu đựng, tập luyện nhân cách vững vàng trong các môi trường khác nhau.