Vì sao nhiều người dù đã kiểm tra qua video call nhưng vẫn sập bẫy lừa đảo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nhận được đề nghị vay tiền của người quen, nhiều người thận trọng kiểm tra (check) lại qua video call song vẫn bị sập bẫy lừa đảo, chuyển tiền hàng chục triệu đồng.
Người dùng kiểm chứng kỹ biểu hiện trên khuôn mặt người quen khi kiểm tra cuộc gọi video call với nội dung hỏi vay tiền

Người dùng kiểm chứng kỹ biểu hiện trên khuôn mặt người quen khi kiểm tra cuộc gọi video call với nội dung hỏi vay tiền

Các chuyên gia công nghệ của Diễn đàn Hacker mũ trắng (WhiteHat), thuộc Bkav cho hay, nguyên nhân khiến nhiều người vẫn bị lừa đảo là do “cơn bão Deepfake” đã tăng cấp độ.

Deepfake đã nổi lên trong giới công nghệ từ năm 2017 khi có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác với độ chân thực đến kinh ngạc. Chẳng hạn, bạn ghép mặt của một người nổi tiếng vào thân hình của bạn mà không có chút tì vết nhờ sử dụng trí tuệ nhận tạo AI.

Ban đầu Deepfake sinh ra để phục vụ việc giải trí của mọi người. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Tội phạm mạng đã “vũ khí hóa” công nghệ này thành một công cụ phạm tội, lừa đảo tài chính và xuất hiện tại Việt Nam dưới hình thức lừa chuyển tiền qua các cuộc gọi video.

Theo phản ánh của chị V.T.M, 26 tuổi (trú tại quận Long Biên - Hà Nội), chị M nhận được tin nhắn mượn tiền từ tài khoản Facebook của người thân, với yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng của một người lạ với số tiền lên tới 75 triệu đồng.

Vì đã cảnh giác, chị M thực hiện cuộc gọi video với tài khoản Facebook nêu trên để xác minh, nhưng hình ảnh xuất hiện lại đúng là người bạn thân, riêng chỉ có phần âm thanh không quá rõ, vì vậy chị M đã thực hiện chuyển tiền mà không biết mình đã "sập bẫy" của tội phạm lừa đảo.

Các chuyên gia WhiteHat cho rằng, chiêu trò lừa đảo này được thực hiện bằng nhiều cách thức nhưng phổ biến có thể là đối tượng lừa đảo thực hiện hack tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...) của một người bất kỳ, sau đó thu thập toàn bộ thông tin về người này, những người thân quen.

Tiếp theo là lựa chọn mục tiêu tấn công. Từ những thông tin thu thập được, kẻ xấu sẽ cần đánh giá xem mục tiêu nào sẽ dễ sập bẫy, tinh vi hơn có thể nghiên cứu cả những thói quen hay cách nói chuyện với nhau của họ, từ đó tạo những hình ảnh và video ngắn giả mạo với giọng nói y hệt bằng cách sử dụng phần mềm Deepfake.

Sau đó, khi nạn nhân thực hiện các cuộc gọi video để xác thực thì các đối tượng sẽ phát các hình ảnh, clip đó trên điện thoại hướng mặt vào camera trước của điện thoại đang gọi với nạn nhân.

Để không bị lộ, các cuộc điện thoại thường ngắn, chất lượng cuộc gọi thường rất thấp, chủ yếu chúng muốn cho nạn nhân nhìn thấy mặt của chủ tài khoản để tạo sự tin tưởng.

Ngoài ra, những tên tội phạm lừa đảo này còn có thể sử dụng những app chuyển đổi nhân vật có sử dụng phần mềm Deepfake để nói chuyện trực tiếp nạn nhân trong các cuộc gọi video. Nhưng để sử dụng phương thức này, đòi hỏi cần có những trang thiết bị có cấu hình cao cũng như một thời gian dài để thu thập hết các thông tin về nạn nhân.

Những tên tội phạm này không những đã tìm ra cách để “lách” được những khuyến cáo của cơ quan chức năng mà còn “nắm thóp” tâm lý của nạn nhân đúng là “mắt thấy tai nghe”. Khi nạn nhân nhận cuộc gọi thì họ đều nghe được giọng nói và hình ảnh của đúng người quen, vì vậy nạn nhân mới dễ dàng chuyển tiền mà không một chút nghi ngờ.

Để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo, các chuyên gia của WhiteHat khuyến cáo, khi nhận được một cuộc gọi video nhờ chuyển tiền, người dùng cần đánh giá các yếu tố: Khuôn mặt nhân vật thiếu tính cảm xúc và khá “trơ” khi nói;

Tư thế của nhân vật trông lúng túng, không tự nhiên, hoặc là hướng đầu và cơ thể của nhân vật trong video không nhất quán với nhau; Màu da bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí;

Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh; Tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi.

Nếu có nghi ngờ, hãy thực hiện việc xác minh danh tính của người gọi bằng cách đặt ra những câu hỏi mang tính riêng tư giữa hai người để kiểm chứng độ xác thực của cuộc hội thoại; Gọi điện trực tiếp cho đối phương bằng số điện thoại của nhà mạng.

Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Đặc biệt, để cho tội phạm mạng không có cơ hội để thực hiện hành vi như trên, người dùng nên hạn chế chia sẻ công khai quá nhiều hình ảnh, clip cá nhân lên các trang mạng xã hội để tránh trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng hình ảnh vào mục đích xấu;

Không vội tin tưởng các cuộc gọi video có hình ảnh bị mờ, chất lượng cuộc gọi xấu, thời lượng ngắn gần như không trao đổi được thông tin qua lại; Đồng thời, luôn trang bị cho bản thân những kiến thức về các hình thức và các cách phát hiện ra các chiêu trò lừa đảo.