- Vương quốc Anh gia nhập CPTPP tác động thế nào đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam?
- Anh chính thức ký nghị định thư tham gia CPTPP
Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội hưởng ưu đãi từ các thị trường xuất khẩu có FTA |
Chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề “Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Ngô Chung Khanh cho biết, hiện chưa có nhiều thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường CPTPP được người tiêu dùng biết đến.
Lý do của tình trạng này theo ông Ngô Chung Khanh là bởi doanh nghiệp ngại xây dựng thương hiệu và chấp nhận “an phận thủ thường”, chấp nhận gia công thuần túy, chưa muốn nhiều hơn nữa.
“Tôi đã hỏi chị phụ trách của doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, chuyên xuất khẩu hàng thêu sang Mỹ, tại sao lại không bán sang Canada (thị trường thuộc CPTPP) để hưởng ưu đãi thuế? Chị ấy bảo không, một năm chỉ xuất khẩu khoảng 2 - 3 container sang Mỹ là đủ rồi. Khái niệm đủ hiện nay đang xảy ra đối với rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Họ nghĩ rằng thế là đủ, mà khi thấy đủ thì không có động lực để nâng cao hơn nữa giá trị có thể mang về”- ông Ngô Chung Khanh nói.
Hoặc một tình huống khác, lãnh đạo một doanh nghiệp lớn chế biến và xuất khẩu điều cho biết, họ không làm thương hiệu vì họ làm hàng gia công, cứ có nhà nhập khẩu đến yêu cầu thì doanh nghiệp làm sản phẩm cho họ, dán nhãn mác của họ. Như thế là đủ. Vì số lượng họ đặt rất lớn nên doanh nghiệp không có động lực để làm thêm hàng thương hiệu làm gì nữa.
“Đó là những điều tôi nghĩ khá phổ biến hiện nay trong doanh nghiệp Việt Nam, tức là đầu tiên là họ chưa muốn làm, họ ngại”- ông Ngô Chung Khanh nói.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam ngại xây dựng thương hiệu, xuất khẩu, tận dụng lợi thế từ CPTPP còn xuất phát từ việc thiếu về lực như: tài chính, nhân lực, kiến thức, kinh nghiệm, tư duy chiến lược, quan hệ…
Theo bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Canada, mặc dù chưa có có một thống kê cụ thể số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu bằng thương hiệu riêng nhưng thực tế số lượng doanh nghiệp có thương hiệu xuất khẩu cũng rất khiêm tốn, nhất là với các thị trường CPTPP.
Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng là nguyên thô.
“Ví dụ ngành công nghiệp chẳng hạn, khoảng 95% giá trị xuất khẩu thuộc trong tay của các tập đoàn quốc tế FDI có thương hiệu toàn cầu riêng. Trong chuỗi giá trị của dệt may, da giày, hình thức xuất khẩu chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng rất ít, tỉ lệ xuất khẩu qua trung gian rất cao và rất ít doanh nghiệp có thể xuất khẩu bằng thương hiệu riêng…” .
Riêng tại thị trường Canada, hàng xuất khẩu Việt Nam vào thị trường này đến nay vẫn được hưởng cả ưu đãi thuế quan theo MFN, GSP và CPTPP.
Thực tế cho thấy sau khi thực thi CPTPP thì xuất khẩu của những mặt hàng hưởng thuế bằng 0 như: điện thoại, điện tử, điện máy hay là kim loại cơ bản, thủy sản, rau củ, quả hay kể cả các sản phẩm khác như: gạo điều, chè, cà phê… cũng tăng đột biến.
Theo bà Trần Thu Quỳnh, có những mặt hàng tăng đến 1.000% cho thấy CPTPP đã có tác dụng đòn bẩy giúp các doanh nghiệp của hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm và thị trường của nhau, từ đó gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu cả những mặt hàng không có lộ trình giảm thuế. Bên cạnh đó, CPTPP còn có tác động tích cực đến xuất khẩu Việt Nam mà chúng tôi gọi là hiệu ứng lan tỏa, tức là thúc đẩy sự phát triển hơn của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước.
Mặc dù vậy, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng xuất khẩu sang Canada vẫn chưa cao, mới đạt khoảng 18%; 81% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan MFN và khoảng dưới 1% vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan GPT (thuế quan ưu đãi do Canada áp dụng cho các nước đang và kém phát triển), GSP.
Mặc dù tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng xuất khẩu Việt Nam qua 5 năm tăng đều nhưng khoảng 4 tỉ USD, tức khoảng 60% các sản phẩm của chúng ta đáng lý được hưởng thuế CPTPP bằng 0 chúng ta vẫn chưa tận dụng được.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền- Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam Vinasamex cho hay, với những hiệp định như EVFTA hay RCEP và CTPPP, mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sang đó không chịu thuế; Tức là thuế xuất khẩu từ 5% giảm xuống 3% và bây giờ là 0%. Đó là điều giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều trong việc khách hàng, thay vì việc người ta mua của những thị trường khác, ví dụ như Indonesia hay Trung Quốc họ chuyển qua ưu tiên mua của Việt Nam.
Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên có chiến lược bài bản, tiên phong khai thác lợi thế từ các thị trường này.