Vì sao Mỹ không thể khinh thường tên lửa phòng không Triều Tiên?

ANTD.VN - Theo tạp chí National Interest, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump can thiệp quân sự vào Triều Tiên, lực lượng của Mỹ sẽ cần cẩn trọng hơn với mạng lưới phòng không của Triều Tiên do nó có thể nguy hiểm hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ.

“Trong thời gian chiến tranh Triều Tiên – Hàn Quốc (1950 – 1953), không quân và hải quân Mỹ đã san phẳng nhiều phần lãnh thổ của Triều Tiên. Như vậy, quốc gia này có đủ kinh nghiệm để đảm bảo rằng, 65 năm sau, một sự việc tương tự sẽ không thể xảy ra”, Chuẩn Đô đốc về hưu, Mike Mc Devitt, một chuyên gia lâu năm tại Trung tâm phân tích hải quân Mỹ, nhận định với National Interest.

Đương nhiên, ngoài việc củng cố các cơ sở hạ tầng chiến lược của mình, Triều Tiên cũng phải tập trung vào phát triển các hệ thống  phòng không. Ngoài hầu hết các tên lửa phòng không mua từ thời Liên-xô, Triều Tiên được cho là cũng đã cải tiến hoặc tự chế tạo một số mẫu nội địa.

Khả năng phòng không của Triều Tiên là vô cùng bí ẩn

“Triều Tiên có các hệ thống tên lửa của Liên-xô như S-75, S-125, S-200 và Kvadrat, đều ở trong tình trạng sử dụng được tốt. Họ cũng từng tự sản xuất S-75 và thậm chí đã nâng cấp hệ thống này. Ngoài ra, từ năm 2010, Triều Tiên cũng bắt đầu đưa vào sử dụng một hệ thống tên lửa đất đối không nội địa mới mà Mỹ và Hàn Quốc gọi là KN-06”, Vasily Kashin, chuyên gia về các vấn đề châu Á ở trường cao học kinh tế Moscow, cho hay.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu tổ hợp KN-06 đã được sản xuất nhưng ông Kashin cho rằng, khả năng của nó có thể ngang bằng những phiên bản đời đầu của S-300 do Nga chế tạo. Nhiều nguồn tin từ Hàn Quốc từng cho biết, KN-06 đã được thử nghiệm thành công và có tầm bắn 150km.

“Nhìn chung, có một sự đánh giá thấp về khả năng công nghiệp của Triều Tiên trên toàn thế giới. Như những gì tôi được biết, họ đã sản xuất được nhiều công cụ máy tính hóa, robot công nghiệp, sợi cáp quang, nhiều chất bán dẫn, ô-tô, đồ điện và nhiều thứ khác. Như vậy, có thể phán đoán rằng, khả năng của Triều Tiên hiện nay sánh ngang được với Liên-xô của những năm 1970 và 1980, đó là còn chưa kể đến việc Bình Nhưỡng có sự hợp tác bí mật với Iran”, ông Kashin nhấn mạnh.

Về các hệ thống phòng không tầm thấp, ông Kashin lưu ý rằng, Triều Tiên thậm chí có bản quyền sản xuất các hệ thống tên lửa phòng không vác vai và pháo phản lực chống máy bay 23 đến 57mm.

Không quân có lẽ là binh chủng yếu nhất của Triều Tiên với phi đội tiêm kích hiện đại nhất là khoảng 40 chiếc MiG-29 đời đầu. Theo ông Kashin, không chắc toàn bộ số máy bay này vẫn còn tốt nhưng chắc chắn, không thể loại nó khỏi sự tính toán nếu muốn tấn công Triều Tiên. Quốc gia này thậm chí còn được cho là đã nhận được những loại radar mảng pha điện tử từ Iran.

Từ tất cả những điều trên, ông Kashin nhấn mạnh rằng, Triều Tiên có thể là một đối thủ mạnh hơn những gì mọi người vẫn nghĩ. Chiến lược phát triển không phụ thuộc khiến nước này đủ khả năng chế tạo nhiều thiết bị quân sự, có thể lạc hậu hơn 20 đến 40 năm nhưng vẫn là mối đe dọa khôn lường.