Vì sao một số bản án chưa khách quan?

(ANTĐ) - Theo đánh giá của TANDTC, trong năm qua, Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm 75.133 vụ với 128.057 bị cáo. Đáng chú ý, có 0,57% án bị hủy, 4% bị sửa.

Xét xử án hình sự

Vì sao một số bản án chưa khách quan?

(ANTĐ) - Theo đánh giá của TANDTC, trong năm qua, Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm 75.133 vụ với 128.057 bị cáo. Đáng chú ý, có 0,57% án bị hủy, 4% bị sửa.

Việc ra một bản án nghiêm minh, công bằng khiến người ta tâm phục, khẩu phục phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song, yếu tố đầu tiên chính là từ năng lực và trách nhiệm của những người cầm cân nảy mực.

Thực tiễn xét xử cho thấy, không ít vụ án đã “đi lệch” hoàn toàn bản chất vụ án, dẫn tới những kết luận không có cơ sở, tuyên một bản án không công bằng và đương nhiên, với những bản án như vậy không thể mang tính giáo dục, phòng ngừa chung.

Sai lầm này xuất phát từ việc định tội danh không đúng do việc xác định các yếu tố cấu thành tội phạm và thường là do xác định sai dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm. Tội danh sai kéo theo hình phạt cũng không phù hợp, tội nặng thì xử nhẹ hoặc ngược lại, gây bức xúc dư luận và khiếu kiện kéo dài.

Bên cạnh đó, việc thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa chưa làm một cách nghiêm túc, đầy đủ; việc đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện; có trường hợp hồ sơ vụ án được điều tra một cách sơ sài, nhưng tòa án chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo để xét xử, trong khi đó, yêu cầu đặt ra là phải khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định, thu thập vật chứng...

Sơ thẩm vụ án mua bán ma túy trái phép của Chu Văn Hiếu và đồng bọn giai đoạn 2 (ảnh minh họa)
Sơ thẩm vụ án mua bán ma túy trái phép của Chu Văn Hiếu và đồng bọn giai đoạn 2 (ảnh minh họa)

Từ những thiếu sót này dẫn đến hậu quả là giải quyết vụ án không chính xác, đặc biệt có trường hợp bỏ lọt tội phạm hoặc kết án oan người không thực hiện hành vi phạm tội. Việc xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhất là việc cho bị cáo được hưởng án treo hoặc áp dụng điều 47 Bộ luật Hình sự để xử bị cáo dưới khung hình phạt trong nhiều trường hợp không đúng.

Cá biệt có bị cáo từng có 2 tiền án chưa được xóa án tích lại tiếp tục phạm tội nhưng tòa án vẫn cho hưởng án treo. Đây có thể coi là một việc làm tắc trách, qua loa và cũng chính từ những vụ việc cụ thể như thế mà dẫn đến những hậu quả phát sinh khác, giảm lòng tin của nhân dân vào những cơ quan hành pháp.

Một số vụ án hình sự xử sơ thẩm song khi xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm lại phát hiện ra những sai sót rất “ngô nghê” dẫn tới bị sửa án hoặc hủy án, đó là việc giải quyết trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự.

Có thẩm phán chỉ chú trọng giải quyết vấn đề hình sự mà xem nhẹ vấn đề dân sự trong vụ án hình sự do nghiên cứu không kỹ những quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn nên sai phạm thường gặp là xác định sai người có nghĩa vụ bồi thường, người được bồi thường, phương thức bồi thường và mức bồi thường những tổn thất về tinh thần...

Một vấn đề khá nổi cộm trong thời gian qua, đó là việc trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Không phải việc trả hồ sơ nào cũng có căn cứ. Thực tế một số vụ án do thẩm phán không nghiên cứu kỹ hồ sơ nhưng vẫn quyết định trả hồ sơ với một số yêu cầu cần làm rõ, song những yêu cầu này đã thể hiện đầy đủ trong hồ sơ.

Có những yêu cầu điều tra bổ sung khác mà thẩm phán biết rằng, không thể điều tra bổ sung được hoặc nếu có thì cũng rất khó nhưng vẫn trả hồ sơ. Thậm chí không chỉ trả 1 lần mà vài lần... dẫn đến việc giải quyết một vụ án phải kéo dài, gây mệt mỏi, ức chế và lãng phí cho nhiều người.

Ngoài những thiếu sót phổ biến trên, quá trình xét xử án hình sự tại một số tòa án còn mắc những lỗi khác về thủ tục. Điển hình là mọi diễn biến phiên tòa không được thể hiện một cách đầy đủ, trung thực trong biên bản phiên tòa; việc xét xử vắng mặt những người tham gia tố tụng không đúng với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; việc ra các quyết định tiếp tục tạm giam đối với các bị cáo đang bị tạm giam, nhưng đã hết thời hạn tạm giam chưa được kịp thời...

Vậy đâu là nguyên nhân của những thiếu sót trên?

Một nguyên nhân chính thuộc về thẩm phán, đó là tinh thần trách nhiệm và năng lực chuyên môn. Có ý kiến cho rằng, cá biệt có một số đơn vị tòa án phải giải quyết một lượng án khá lớn, các thẩm phán mỗi tháng phải thụ lý nhiều hồ sơ... nên không thể nghiên cứu hồ sơ một cách kỹ càng, cẩn thận.

Sự biện bạch này thiếu thuyết phục vì với những thẩm phán có kỹ năng, kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ và xét xử, họ biết phải làm những việc cần làm để ra một bản án khách quan, chính xác. Còn về năng lực thẩm phán, đây là một câu chuyện còn phải bàn lâu dài mà không phải một sớm, một chiều đã giải quyết được.

Với những sai sót của thẩm phán dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí cố tình ra bản án trái pháp luật, cần phải có hình thức xử lý nghiêm khắc để không xảy ra tình trạng tương tự. Bên cạnh đó, cũng cần tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, các kỹ năng cần thiết cho một số thẩm phán.

Đặc biệt trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi chúng ta gia nhập WTO, những tranh chấp kinh tế, thương mại và hoạt động của tội phạm sẽ có những diễn biến mới phức tạp hơn.

Từ thực tiễn này, đòi hỏi đội ngũ thẩm phán không chỉ có phẩm chất chính trị mà cả năng lực chuyên môn, luôn nâng cao nhận thức trên nhiều mặt, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công việc để có thể đáp ứng được với những yêu cầu cấp bách của tình hình.                  

Nguyễn Tuấn