Vì sao chưa thể tháo dỡ trạm BOT trên quốc lộ 51 dù đã họp bàn 19 cuộc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự án xây dựng mở rộng QL51 đoạn từ Km0+900 đến Km73+600 theo hình thức hợp đồng BOT chưa có sự thống nhất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nên chưa thể tổ chức  tháo dỡ trạm BOT.

Liên quan việc tháo dỡ trạm BOT trên quốc lộ 51 để tạo thông thoáng mặt đường, giảm nguy cơ mất ATGT, Bộ GTVT cho biết, dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL51 đoạn Km0+900 - Km73+600, trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT đã tạm dừng thu phí từ 7h ngày 13/1/2023.

Để giải quyết các tồn tại của dự án sau khi tạm dừng thu phí, Cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (BVEC) và các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều buổi đàm phán hợp đồng.

Tại cuộc họp lần thứ 19 ngày 17/4/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các công việc để bàn giao, tiếp nhận để quản lý và bảo quản công trình dự án nhưng chưa thống nhất được với doanh nghiệp dự án để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và chuyển giao công trình thuộc sở hữu toàn dân.

Trạm BOT trên quốc lộ 51 chưa thể tháo dỡ do chưa thống nhất được

Trạm BOT trên quốc lộ 51 chưa thể tháo dỡ do chưa thống nhất được

Theo quy định Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hợp đồng BOT đã ký với cơ quan có thẩm quyền, trong thời gian chưa thống nhất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, BVEC vẫn có trách nhiệm theo hợp đồng BOT đã ký trước pháp luật về công tác quản lý, bảo trì công trình dự án và đảm bảo ATGT trên tuyến.

Như vậy, dự án xây dựng mở rộng QL51 đoạn từ Km0+900 đến Km73+600 theo hình thức hợp đồng BOT chưa có sự thống nhất chấm dứt hợp đồng trước thời hạn để tổ chức thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của Nghị định 29/2018 về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.

Do vậy, việc tháo dỡ tài sản dự án BOT là trạm thu phí trên QL51 chưa thực hiện được. Trước mắt, Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo Khu quản lý đường bộ IV chủ động, tăng cường trong công tác theo dõi quản lý nhằm xử lý kịp thời, giảm ùn tắc giao thông trên tuyến.

Hiện, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện nhiệm vụ cơ quan có thẩm quyền tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư để sớm thống nhất chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn và triển khai thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định.

Sau khi hoàn tất thủ tục sở hữu toàn dân và tiếp nhận tài sản trạm thu phí về cơ quan quản lý đường bộ theo quy định tại Nghị định 29/2018, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ khẩn trương tổ chức tháo dỡ, thu hồi tài sản là trạm thu phí.