Làm thế nào để huy động 5,5 triệu tỷ đồng cho mạng lưới đường sắt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Bộ Xây dựng, tổng kinh phí đầu tư các dự án đường sắt quốc gia ước tính khoảng hơn 2,2 triệu tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Cùng đó, hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM có nhu cầu vốn khoảng gần 3,3 triệu tỷ đồng.

Cần đến 5,5 triệu tỷ đồng cho đường sắt

Bộ Xây dựng đang xin ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để đầu tư phát triển hệ thống đường sắt.

Theo lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt nhằm đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đang được xây dựng nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai các dự án. Qua đó, tạo thuận lợi trong huy động nguồn lực, đầu tư các dự án mới.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, Quốc hội đã ban hành hai Nghị quyết liên quan đến chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cùng với nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.

Mạng lưới đường sắt quốc gia cần khoảng 2,2 triệu tỷ đồng để xây dựng, hoàn thiện, không bao gồm các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam, đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng

Mạng lưới đường sắt quốc gia cần khoảng 2,2 triệu tỷ đồng để xây dựng, hoàn thiện, không bao gồm các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam, đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng

Tuy nhiên, các tuyến đường sắt khác trong quy hoạch như: Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành, Suối Tiên - Thủ Dầu Một... cũng cần có cơ chế, chính sách tương tự, mang tính đặc thù, đặc biệt và vượt trội như các nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, nhằm đáp ứng yêu cầu về tiến độ và hiệu quả đầu tư.

Đặc biệt, cần có cơ chế chung áp dụng cho một số dự án đường sắt cấp bách như tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành.

Mục tiêu là huy động tối đa nguồn lực xã hội, rút ngắn trình tự, thủ tục, thời gian chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ triển khai dự án. Song song đó, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong tổ chức thực hiện, phù hợp với đặc điểm phát triển và điều kiện thực tế của từng địa phương, phát huy vai trò chủ động, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Theo Bộ Xây dựng, tổng kinh phí đầu tư các dự án đường sắt quốc gia ước tính khoảng hơn 2,2 triệu tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM mới có 1-2 tuyến vận hành

Mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM mới có 1-2 tuyến vận hành

Đối với hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, nhu cầu vốn khoảng gần 3,3 triệu tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu gần 510 tỷ đồng. TP Hà Nội dự kiến bố trí hơn 1,17 triệu tỷ đồng, TP.HCM khoảng hơn 1,5 triệu tỷ đồng.

Cần cơ chế huy động vốn

Để đáp ứng yêu cầu về nguồn lực và tiến độ nêu trên, Dự thảo đề xuất nhiều cơ chế về huy động, bố trí vốn cho các dự án đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị; điều chỉnh quy hoạch; chia nhỏ dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án; rút gọn trình tự, thủ tục đầu tư; áp dụng mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông (TOD); khai thác hiệu quả quỹ đất và giá trị gia tăng từ đất khu vực lân cận nhà ga.

Để huy động đa dạng nguồn lực, Dự thảo giao Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng các nguồn vốn như phát hành Trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nguồn tăng thu tiết kiệm chi... cho các dự án đường sắt.

Dự thảo cũng quy định khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất khu vực quanh nhà ga, phát triển đô thị theo mô hình TOD nhằm tạo nguồn vốn đầu tư quay trở lại cho hệ thống đường sắt.

Bên cạnh đó, Dự thảo đề xuất đơn giản hóa thủ tục sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài, thủ tục điều chỉnh quy hoạch với các khu đô thị TOD. UBND cấp tỉnh được quyền quyết định chỉ tiêu kỹ thuật, chỉ tiêu sử dụng đất trong các khu vực phát triển TOD để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất.

Đối với các dự án đường sắt đô thị, đặc biệt là các dự án TOD, UBND cấp tỉnh có thể tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập, không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.