Vì sao bỏ hình phạt tử hình đối với tội “Hiếp dâm”?

(ANTĐ) - Một số bạn đọc gọi điện đến Đường dây nóng Báo An ninh Thủ đô đề nghị cho biết lý do Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (BLHS) có hiệu lực thi hành từ 1-1-2010 bỏ hình phạt tử hình ở 8 điều luật, trong đó có tội hiếp dâm (điều 111).

Vì sao bỏ hình phạt tử hình đối với tội “Hiếp dâm”?

(ANTĐ) - Một số bạn đọc gọi điện đến Đường dây nóng Báo An ninh Thủ đô đề nghị cho biết lý do Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (BLHS) có hiệu lực thi hành từ 1-1-2010 bỏ hình phạt tử hình ở 8 điều luật, trong đó có tội hiếp dâm (điều 111).

Khoản 3 điều 111 (tội hiếp dâm) BLHS năm 1999 quy định người phạm tội hiếp dâm thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát. Theo Luật sửa đổi, bổ sung BLHS, người thực hiện hành vi phạm tội hiếp dâm thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Qua nghiên cứu cho thấy mặc dù hành vi hiếp dâm xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, nhưng xét về mức độ nguy hiểm của hành vi và so sánh mức hình phạt của tội phạm này với một số tội phạm khác nằm trong nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người cho thấy không nhất thiết phải tước bỏ sinh mạng của người phạm tội hiếp dâm. Chẳng hạn, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 104) quy định nếu hậu quả làm chết nhiều người thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân; tội giết người (điều 93) nếu không thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng quy định tại khoản 1 thì mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Mặt khác, thời gian qua, tòa án thường chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với các trường hợp có hành vi vừa hiếp dâm vừa giết người mà không áp dụng hình phạt tử hình đối với người có hành vi phạm tội hiếp dâm dẫn đến hậu quả làm nạn nhân chết hoặc tự sát. Trường hợp phạm tội hiếp dâm mà cố ý làm nạn nhân chết hoặc vừa có hành vi hiếp dâm vừa có hành vi giết người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội là hiếp dâm và giết người (trong đó tội hiếp dâm có hình phạt tử hình). Trường hợp hiếp dâm trẻ em (người dưới 16 tuổi) thì sẽ bị xử lý về tội hiếp dâm trẻ em theo điều 112 (có hình phạt cao nhất là tử hình).

Đối với trường hợp biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội là trường hợp hiếp dâm có tính chất, mức độ nguy hiểm hơn so với trường hợp hiếp dâm khác. Theo quy định hiện hành thì chỉ cần người phạm tội biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn thực hiện tội phạm thì có thể bị phạt tử hình mà không cần xem xét người bị hại có bị nhiễm HIV hay không. Trong khi đó, tội cố ý truyền HIV cho người khác (điều 118 BLHS) chỉ quy định khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Do vậy, để phù hợp với xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới và chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm là phù hợp.

Tiến Phúc