Vi phạm Vệ sinh an toàn thực phẩm: Báo động đỏ

(ANTĐ) - “Hiện nay vẫn còn đến gần 50% người dân không hiểu biết đầy đủ về vấn đề này, đặc biệt là tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm vẫn diễn ra rất phổ biến và nghiêm trọng...”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định như vậy tại Hội nghị toàn quốc lần II về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, diễn ra tại Hà Nội ngày hôm qua (9-4).

Vi phạm Vệ sinh an toàn thực phẩm: Báo động đỏ

(ANTĐ) - “Hiện nay vẫn còn đến gần 50% người dân không hiểu biết đầy đủ về vấn đề này, đặc biệt là tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm vẫn diễn ra rất phổ biến và nghiêm trọng...”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã khẳng định như vậy tại Hội nghị toàn quốc lần II về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, diễn ra tại Hà Nội ngày hôm qua (9-4).

Càng kiểm tra, càng phát hiện nhiều sai phạm

Có một thực trạng chung, đó là tất cả các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm khi kiểm tra đều phát hiện những sai phạm nghiêm trọng. Từ việc trồng rau xanh có sử dụng hóa chất kích thích vượt mức cho phép, các lò giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh tối thiểu đến thực trạng đáng báo động về thức ăn đường phố...

Kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở thức ăn đường phố
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở thức ăn đường phố

Theo ông Trần Đáng - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, qua xét nghiệm một số mẫu rau tại Hà Nội, có 15,8 mẫu rau muống và 5,3 mẫu đậu đỗ có hàm lượng Asen (Thạch tín) vượt giới hạn cho phép từ 1,2 đến 8,5 lần. Tình hình ô nhiễm vi sinh vật trên rau là khá phổ biến và ở mức cao. 100% số mẫu kiểm tra nhiễm khuẩn Coliform và vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 đến 500.000 lần; 46,8% mẫu rau nhiễm khuẩn E.coli vượt tiêu chuẩn cho phép 1,7 đến 150 lần. Tỉnh có mẫu rau nhiễm E.coli cao nhất là Đà Nẵng (80%), Lâm Đồng (98%). Ngoài ra khoảng 28,5% số mẫu rau chứa NO3 vượt quá giới hạn cho phép từ 1,1 đến 9 lần...

Về vệ sinh trong giết mổ gia súc, gia cầm, hầu hết các lò mổ được kiểm tra đều mất vệ sinh nghiêm trọng. Như tại cơ sở giết mổ Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), là một trong những cơ sở giết mổ tập trung lớn nhất của Hà Nội nhưng chỉ có 25% số lợn đưa vào giết mổ tại đây được kiểm dịch.

Về thủy sản, hầu hết thủy sản nội địa chưa được kiểm tra chất lượng VSATTP. Thủy sản xuất khẩu còn dư lượng hóa chất kháng sinh (khoảng 30% các lô hàng), việc phát triển vùng nuôi thủy sản an toàn còn chậm...

Ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cho rằng, tình trạng không đảm bảo vệ sinh tại các lò giết mổ gia súc, gia cầm cộng với việc không đảm bảo vệ sinh thức ăn đường phố là một trong những nguyên nhân gây nên nhiều dịch bệnh như tiêu chảy cấp, sỏi mật, đái tháo đường, xơ gan...

Không có Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính

ý thức của người dân được coi là yếu tố then chốt trong công tác cải thiện VSATTP. Tuy nhiên, vấn đề bức xúc nhất trong công tác VSATTP ở nước ta hiện nay, nằm ở chính khâu quản lý? Thực tế, có quá nhiều Bộ, ngành cùng tham gia quản lý sản phẩm thực phẩm, như Bộ Y tế thì quản lý, kiểm tra sản phẩm trên bàn ăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, kiểm tra sản phẩm trên đồng ruộng, Bộ Công thương thì trong khâu lưu thông… nhưng không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm chính. Do đó, khi phát hiện vi phạm trong vấn đề VSATTP, các cơ quan chức năng thường đùn đẩy trách nhiệm, hoặc không thì sự phối hợp xử lý giữa các cơ quan này cũng làm mất rất nhiều thời gian...

Mặt khác, nhân lực kiểm tra ATTP từ cấp Trung ương đến địa phương còn quá mỏng (bình quân 0,5 cán bộ/tỉnh), lại chưa có lực lượng thanh tra chuyên ngành... nên chỉ có thể tiến hành một vài đợt đi kiểm tra trực tiếp các mẫu rau, quả, thịt, hoặc khi nảy sinh vấn đề mới đi kiểm tra để rung lên hồi chuông báo động cho người tiêu dùng... Điều đó khiến cho công tác VSATTP không đạt được nhiều hiệu quả.

Trước thực trạng ấy, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Việc tuyên truyền, giáo dục ý thức về ATTP phải thường xuyên. Hơn nữa, việc xử lý các cơ sở vi phạm VSATTP phải kiên quyết, chứ không thể qua quýt như cách làm của nhiều địa phương hiện nay. Phó Thủ tướng chỉ đạo, khi cần thiết phải có những chế tài mạnh đối với những người thiếu ý thức VSATTP, dù là người sản xuất, người quản lý hay người tiêu dùng.

Tiến Hưng