Vi phạm hành chính có thể phải lao động công ích

(ANTĐ) - Dự thảo Luật Xử  lý vi phạm hành chính đang được Bộ Tư pháp gửi tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia góp ý kiến xây dựng để tổng hợp và hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Chính phủ xem xét và cuối cùng là Quốc hội duyệt ban hành. Đáng chú ý trong dự thảo luật lần này có đề cập tới hình thức xử phạt buộc lao động phục vụ cộng đồng hay còn được biết đến với tên gọi khác là lao động công ích...

Vi phạm hành chính có thể phải lao động công ích

(ANTĐ) - Dự thảo Luật Xử  lý vi phạm hành chính đang được Bộ Tư pháp gửi tới các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia góp ý kiến xây dựng để tổng hợp và hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Chính phủ xem xét và cuối cùng là Quốc hội duyệt ban hành. Đáng chú ý trong dự thảo luật lần này có đề cập tới hình thức xử phạt buộc lao động phục vụ cộng đồng hay còn được biết đến với tên gọi khác là lao động công ích...

Có thể thấy, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống xử phạt vi phạm hành chính hiện đã quá hẹp về số lượng và loại hình chưa đủ để có thể đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính. Nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh các biện pháp hiện có như phạt cảnh cáo, phạt tiền, trục xuất, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật hoặc phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, cần mở rộng hình thức xử phạt, khôi phục lại một số hình thức xử phạt đã từng có trước đây như cấm hành nghề, cấm đảm nhận trách nhiệm, lao động công ích, phạt giam hành chính…

Người vi phạm hành chính có thể phải lao động công ích khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực

Người vi phạm hành chính có thể phải lao động công ích khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực

Trong số các hình thức mở rộng này, dư luận đặc biệt quan tâm tới hình thức lao động công ích bởi đây là hình thức xử phạt tiến bộ đã được áp dụng có hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới, có tác dụng răn đe, giáo dục cao. Theo quy định tại Điều 21 của Dự thảo Luật, hình thức xử phạt buộc lao động phục vụ cộng đồng sẽ được áp dụng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường… có quy định hình thức xử phạt tiền nhưng không thực hiện được hoặc việc phạt tiền không đủ sức răn đe, giáo dục với người vi phạm.

Theo đó, người vi phạm thay vì chịu mức phạt bằng tiền sẽ phải thực hiện một số ngày công nhất định đối với một số công việc cụ thể nào đó để phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng dân cư nơi người vi phạm cư trú hoặc nơi người đó thực hiện hành vi vi phạm.

Sau khi đưa ra thảo luận, hình thức xử phạt vi phạm hành chính bằng lao động công ích đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, phần lớn đều tập trung quanh việc giám sát quản lý việc lao động công ích của người vi phạm, công việc cụ thể mà người vi phạm phải thực hiện, mức giờ công và ngày công lao động công ích phải thực hiện… Lý giải những điều này Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng: cần chú ý hiệu quả thực tiễn trong việc quy định hình thức xử phạt buộc lao động phục vụ cộng đồng đối với người có hành vi vi phạm hành chính. Về lâu dài, nên xem xét, áp dụng hình thức xử phạt này bởi đây là một hình thức xử phạt văn minh, tiến bộ. Tuy nhiên để phát huy tối đa hiệu quả của hình thức xử phạt này, Ban soạn thảo Dự án Luật cần có sự cân nhắc và dự liệu.

Trong cuộc hội thảo Báo cáo tổng quan về pháp luật xử lý vi phạm hành chính do Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển thuộc Liên hiệp Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức mới đây nhằm góp ý vào dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, có rất nhiều ý kiến đồng tình với hình thức xử phạt vi phạm hành chính bằng lao động công ích. Trong đó đều nhấn mạnh đến việc để tránh sự cứng nhắc và có hiệu quả trong xử phạt vi phạm hành chính, ngoài việc duy trì các hình thức xử phạt cũ, cần cân nhắc thêm cả phạt lao động công ích để cải thiện tốt hơn ý thức người vi phạm. Thêm nữa, ý nghĩa của việc xử phạt là để răn đe, giáo dục, chứ không phải là để tạo nguồn thu, vì vậy đề xuất này là hợp lý.

Có thể thấy, Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính nói chung và hình thức xử phạt bằng lao động công ích nói riêng đã và đang thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận. Song điều được quan tâm là trong thời gian tới đây khi Luật xử lý vi phạm hành chính được hoàn thiện và có hiệu lực pháp lý thì liệu những quy định này có được triển khai một cách khoa học và có hiệu quả lâu dài.

Duy Minh