Vì một ASEAN không ma túy

ANTĐ - Hướng tới cộng đồng không ma túy năm 2015, ngoài nỗ lực của mỗi thành viên, các quốc gia ASEAN đang đẩy mạnh hợp tác phòng chống sản xuất, buôn bán và sử dụng ma túy trái phép vốn đã trở thành một hiểm họa xuyên biên giới.
Vì một ASEAN không ma túy ảnh 1
Lực lượng cảnh sát Indonesia triệt phá băng nhóm buôn bán ma túy lớn ở nước này

Hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy diễn ra tại Thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei ngày 3-9 nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến ma túy trong hiệp hội để hướng tới thực hiện một cộng đồng khu vực không ma túy vào năm 2015 như các quốc gia thành viên đã từng cam kết. Các vị Bộ trưởng đến từ 10 nước thành viên đã thảo luận những vấn đề liên quan đến ma túy, thúc đẩy hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa các nước thành viên trong việc đạt được tầm nhìn chung nhằm thực hiện ASEAN không ma túy, bắt đầu từ năm 2015.

Thực hiện một ASEAN không ma tuý vào năm 2015 nằm trong mục tiêu bao trùm hướng tới một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, văn hoá-xã hội. Trong đó thực hiện mục tiêu một ASEAN không ma tuý vào năm 2015 không dễ dàng bởi các thành viên hiệp hội nằm trong khu vực vốn là một “điểm nóng” về sản xuất, chế biến và buôn bán ma tuý của thế giới nhiều năm nay.

Từ lâu, cả thế giới đã biết tới cái tên “Tam giác vàng”, khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới Myanmar, Thái Lan và Lào. Theo Văn phòng LHQ về phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC), trọng điểm ma tuý “Tam giác vàng” sản xuất mỗi năm tới hàng trăm tấn heroin, mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ hàng chục tỷ USD cho những kẻ sản xuất, vận chuyển và buôn bán “cái chết trắng”.

Trong những năm vừa qua, do vừa bị triệt phá mạnh vừa chuyển đổi nhu cầu sử dụng của thị trường ma tuý khu vực và thế giới, bọn tội phạm ma tuý khu vực “Tam giác vàng” đã chuyển hướng sang sản xuất và buôn bán ma tuý tổng hợp. UNODC ước tính, khu vực Đông Nam Á sản xuất mỗi năm tới hàng trăm triệu viên ma tuý tổng hợp methamphetamine, trị giá hàng tỷ USD.

Chính vì địa hình phức tạp, hiểm trở và nguồn lợi nhuận khổng lồ nên cuộc chiến chống sản xuất, vận chuyển, buôn bán và sử dụng ma tuý trái phép trong các thành viên ASEAN vô cùng gian nan. Song để thực hiện quyết tâm và cam kết chính trị của tất cả các quốc gia thành viên, các thành viên hiệp hội bên cạnh nỗ lực của mỗi nước cũng đã tích cực thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma tuý trong ASEAN.

Để đạt được một ASEAN không ma túy vào năm 2015, các Bộ trưởng ASEAN trong hội nghị tại Brunei đã trao đổi quan điểm và đưa ra những sáng kiến về phương thức thực hiện, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truyền đạt thông điệp nhất quán về công việc của ASEAN nhằm giải quyết và khắc phục vấn đề ma túy. Các Bộ trưởng cho rằng ASEAN cần phải củng cố và tăng cường hợp tác trên các khuôn khổ pháp lý, đào tạo, xây dựng năng lực và quan hệ đối tác với khu vực tư nhân, trong đó bao gồm các ngành công nghiệp hóa chất và dược phẩm.

Hội nghị cũng đã trao đổi ý kiến ​​về việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN chống sản xuất, buôn bán và sử dụng ma túy trái phép trong giai đoạn 2009-2015 và nhất trí rằng việc hiện thực hóa một ASEAN không ma túy vào năm 2015 là trách nhiệm chung của tất cả các thành viên.