Vì mạng sống con người

ANTĐ - Thành phố đêm mùa hè. Tiếng ve râm ran. Đã lâu rồi, không được tận hưởng không khí đêm Hà Nội, theo lời hẹn, lặng lẽ ra khỏi nhà, không phải theo phiên tuần tra đêm của mấy chiến sỹ Cảnh sát cơ động, nơi tôi đến là Bệnh viện K.

Chiếc máy gia tốc luôn phải hoạt động quá tải

3h. Khác với không khí oi nồng ban ngày của những ngày cuối tháng 7, thành phố ban đêm có vẻ dịu dàng hơn, không khói bụi, không tắc đường, chỉ có tiếng ve và sự thanh sạch của không khí - một thứ giờ đã là của hiếm. Bạn đọc chắc hẳn đang thắc mắc, ung thư vốn không phải bệnh cấp cứu, sao không chờ trời sáng hãy đi khám nếu nghi ngờ mắc, còn nếu đi thăm ai đó, càng không nên chọn ban đêm. Tôi có một lựa chọn cho riêng mình, đến thăm bác sỹ vì nghe nói, giờ này họ vẫn đang... làm việc.

Để điều trị ung thư có 3 cách, thứ nhất là hóa trị, thứ hai xạ trị, thứ ba là phẫu thuật; trong đó, khó khăn, phức tạp nhất là xạ trị. Mỗi chiếc máy gia tốc hiện đại nhất với thời gian sử dụng lâu nhất khoảng 5 năm có giá 1 triệu USD, đó là điều không dễ dàng với y tế Việt Nam. Ở các nước tiên tiến, họ sử dụng máy gia tốc này đúng thời gian quy định là 5 năm sau đó thay máy mới. Còn với Bệnh viện K của Việt Nam, hiện tại chúng ta có 3 máy gia tốc, mỗi máy đều sử dụng được khoảng 9 năm, vì vậy như các bác sỹ ở đây gọi, già cỗi lắm rồi nhưng vẫn phải ì ạch làm việc vì 1 triệu USD không phải như lá cây ngoài vỉa hè, dễ dàng có tiền đầu tư mua máy mới. Cũng chính vì sự chậm này mà để xạ trị cho 1.000 bệnh nhân mỗi ngày không còn cách nào khác là phải chia đủ 4 ca để làm việc.

Khác với không khí ban ngày, khu xạ trị không chen vai thích cánh cùng nhau đứng. Những bệnh nhân đến xạ vào thời điểm này là các đối tượng ưu tiên được ở nội trú. Khối lượng bệnh nhân đông mà giường chỉ có khoảng 1/5, nên không phải ai cũng được điều trị nội trú. Theo lý giải của Phó Giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa Xạ tổng hợp, Tiến sỹ Bùi Công Toàn thì những bệnh nhân nội trú đã được ưu ái hơn rồi nên nhường ban ngày cho những bệnh nhân ngoại trú. Ông cười mà bảo, ban đêm ở bệnh viện cũng nóng bức ngột ngạt khó ngủ lắm nên rủ bệnh nhân xuống xạ cho vui. 3h sáng, tôi không bắt gặp ở họ một sự mệt mỏi vì thức đêm, mà thay vào đó là sự hứng khởi cho một ngày mới.

7h. K dường như đã bắt đầu náo nhiệt. Mấy bà bán quà sáng lượn vào khuôn viên, bệnh nhân từ các khoa phòng nội trú, bệnh nhân đến sớm để người nhà còn đi học, đi làm. Mỗi bệnh nhân vào xạ, chỉ mất 5 phút, nhưng thời gian chờ đợi thì có lẽ hàng giờ đồng hồ. Tôi chọn ngày thứ 4 vì tin tưởng sẽ không đông lắm, những ngày đầu tuần có lẽ tôi không đủ sức để chen với dòng bệnh nhân đang đổ về đây ngày một nhiều hơn. Nhưng hóa ra tôi nhầm, đầu tuần, giữa tuần hay cuối tuần cũng thế, một bệnh nhân xạ trị, thường theo chương trình kéo dài từ hơn 20 ngày trở lên đều đặn, trừ trường hợp chảy máu, sốt, có hiện tượng lạ cần theo dõi thì bác sỹ mới cho tạm ngừng để khám lại.

Nói đến xạ trị là phải nói đến con người và máy móc. Không như các cách điều trị thông thường khác, xạ trị cần có sự hỗ trợ giữa bác sỹ và kỹ thuật viên thực hành. Nhưng cho đến thời điểm này, chúng ta chưa có hệ thống đào tạo chuyên ngành chính quy về xạ trị. Tiến sỹ Bùi Công Toàn cho biết, chúng tôi may mắn được đào tạo chuyên ngành tại nước ngoài, tiếp quản bệnh viện cũng không hề đơn giản. Giáo trình đào tạo trong nước không có, cách đây mấy năm, hồi TS Nguyễn Quý Đức còn làm Giám đốc Bệnh viện K, sau rất nhiều mày mò, tìm tòi, dịch từ sách nước ngoài, K mới trình làng được cuốn “Hướng dẫn thực hành tia xạ”. Xạ là một ngành học khó, ngoài kiến thức y khoa còn phải biết về vật lý, đặc biệt là năng lượng nguyên tử - những vấn đề đến đọc tiếng Việt cũng chẳng đơn giản vậy mà phải tìm kiến thức từ sách nước ngoài.

Máy móc thì như đã nói ở trên, ngoài 3 máy gia tốc, chúng ta còn có thêm 3 máy Cobalt 60, máy xạ rất phổ biến ở những nước đang phát triển, chi phí thấp, thời gian sử dụng được lâu hơn nhưng cũng đồng nghĩa với độc hại hơn cho cả 2 phía bệnh nhân và bác sỹ. Ngày mới đã bắt đầu, cùng với những ánh nắng gay gắt, nghe nói hôm nay, là đỉnh điểm nhất của đợt nắng nóng từ 24-7 đến 31-7.

9h30. Người chen chặt lối đi, nơi thông thoáng nhất là len giữa bãi để xe của cán bộ, công nhân viên bệnh viện. Khu xạ trị gia tốc kỹ thuật cao thuộc khoa Vật lý nguyên tử được ưu ái cho một khoảng sân rộng nằm trong khuôn viên bệnh viện. Thật khó gặp những nụ cười. Tiến sỹ Bùi Công Toàn đưa tôi đi một vòng, giới thiệu đều đều về khối xạ, nhưng thú thật tôi rất khó nhập tâm. Cả 107 con người ở K Quán Sứ, Tứ Hiệp và Triều Khúc lúc nào cũng căng thẳng. Kỹ thuật viên Trần Ngọc Khôi tay vừa chỉnh máy xạ cho bệnh nhân tâm sự: Bệnh viện là nơi tiếp xúc đủ mọi thành phần từ tri thức cho đến kẻ hung đồ. Người ta sẵn sàng hành xử chợ búa, chửi bới, nhưng cũng có người đến chẳng nói gì, im lìm chịu đựng sự đớn đau. Và không chỉ tuân theo những đạo đức nghề y thông thường, bác sỹ ở đây rèn cho mình giao tiếp ứng xử sao cho phải đạo. Đã vào đây bệnh nhân có thái độ cùng quẫn, buồn chán là điều không tránh khỏi, và thái độ của bác sỹ, kỹ thuật viên, kỹ sư cũng có ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh. Tiến bộ khoa học đã giúp cải thiện tình hình, ung thư được phát hiện sớm, được điều trị thành công và không hề hiếm những trường hợp chữa khỏi hay ổn định.

Bác thương binh Nguyễn Viết Hải ngồi lặng lẽ trong một góc. Sáng sớm, con bác đã đưa đến đây, rồi nhanh chóng về đi học. Tâm sự với bác mới hay, người lính thời nào cũng thế, chịu đựng, nhường phần tốt đẹp nhất cho người khác. Bác nhường cho những người ở xa, những người con không có thời gian chờ đợi, bao giờ cũng vậy, bác luôn là người cuối cùng của một kíp xạ. Ở đây lâu, bác sỹ nào cũng nhớ bệnh nhân, biết bác nhường, có hôm bác đến sớm, ưu tiên cho bác vào đầu tiên để về nhà nghỉ ngơi. Tiếng nói chuyện râm ran, ồn ào, dẫu không thấy những nụ cười nhưng trong ánh mắt họ, thấy hiện lên niềm tin vào sự sống.

12h. Trời nắng gắt. Bệnh nhân bắt đầu thưa dần, mấy người xạ ca chiều định ngồi ngoài chờ đợi nhưng nghe tiếng gọi nhau vào xạ. Hóa ra để giải quyết thêm được nhiều bệnh nhân, các anh các chị làm thông trưa. Anh Khôi chia sẻ: 3 tháng ròng làm đêm từ 4h chiều đến 2h sáng hôm sau, nghe vợ cằn nhằn nên hôm nay đổi ca, làm từ 8h đến 4h30. Tranh thủ thêm tí giờ nghỉ trưa cho bệnh nhân đỡ vất vả chờ đợi.

Không gian trầm xuống một chút, đâu đó có tiếng thở dài đắng đót. Người ở gần thì về nhà trọ, người ở xa mà có điều kiện thì con cái đón đi ăn trưa để tiếp tục “chiến đấu”. Có lẽ đây là giờ phút yên ả nhất của Khu xạ trị gia tốc kỹ thuật cao, như khoảng thời gian nửa đêm về sáng mà tôi đã chứng kiến.

15h. Bắt đầu thấm mệt vì cả ngày "hòa vào" không khí bệnh viện. Câu chuyện của tôi và Tiến sỹ Toàn bắt đầu bị ngắt quãng vì sự ồn ã bên ngoài hành lang của những bệnh nhân đến lấy thuốc. Tiến sỹ Toàn vui vẻ: Nhà báo đã bao giờ bị tắc đường ở tòa soạn chưa, còn ở đây, thường xuyên bị tắc đường. Đã có lần tôi đứng giữa bệnh viện mà không biết đi đường nào để lên phòng làm việc. Về sau phải "song phi" qua cửa sổ phòng X quang để tìm đường lên phòng mình.

16h30.

19h.

21h.

... 22h. Chưa thấy dấu hiệu của sự ngơi nghỉ. Tôi không tưởng tượng được bác sỹ lấy đâu ra sức lực để "còn bệnh nhân còn phục vụ". Ở TP.HCM, ngày làm việc bình thường từ 7h30 đến 16h30, trước hoặc sau giờ đó bệnh nhân có nhu cầu, viết vào giấy yêu cầu làm ngoài giờ. Còn ở đây, các bác sỹ cần mẫn như những con ong chăm chỉ, bất kể giờ giấc như vậy nhưng sắp tới đây bệnh viện mới thông qua quy chế làm ca ba dựa theo mẫu của khoa Điện quang. Thôi thì cứ động viên nhau, méo mó có hơn không. Cũng là đỡ thêm một phần cuộc sống của bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong thời buổi trượt giá.

Bệnh nhân vẫn đông. Mỗi thời khắc đi qua mới thấy thấm thía cái tình nghĩa đồng bào. Cùng mang trong mình những căn bệnh quái ác nên họ sẵn sàng sẻ chia cho nhau, nhường nhau từng lượt để người kia đỡ khó khăn hơn. Bác Đàm Thị Hồng, nhà ở Cẩm Khê, Phú Thọ nhưng may mắn có người con trai đang làm việc ở Hà Nội. Ban ngày anh bận đi làm, hơn nữa xạ đầu cổ được xếp vào buổi tối, nên cứ 10h, anh và mẹ lại có mặt ở đây. Anh Trần Hồng Quân - con trai bác Hồng chia sẻ: Thực ra đi làm về rất mệt mỏi, lại phải đưa mẹ lên đây để chờ đợi, nhưng thấy mình vẫn còn may mắn. Có những bệnh nhân đến từ Hưng Yên, Bắc Ninh không thuê nhà trọ ở đây, xạ xong họ về luôn, nên mình cũng thương, nhường cho họ xạ trước để họ về kịp xe buýt. Nhà mình ở đây, vể lúc nào cũng được, nên nhiều hôm, về đến nhà cũng phải 12h đêm. Mệt nhưng tình cảm gắn bó với nhau lắm, có hôm mình lại được người khác nhường. Người Việt Nam mình có thói quen là không biết xếp hàng, hay chen ngang, được người khác nhường lượt chẳng phải quý lắm sao.

                          . . .

Tôi về đến nhà khi đã sang canh ngày mới, mệt mỏi chìm vào giấc ngủ không mộng mị. Sáng hôm sau, nhủ thầm, người làm báo chúng tôi, sức khỏe không tồi, nhưng không trọn vẹn 24h ở Bệnh viện K đã rã rời như vậy, bác sỹ, kỹ thuật viên ngày ngày bước vào guồng quay ấy, phải chăng họ là những người phi thường? Chắc không phải vậy mà họ chỉ là cố thôi, cố vì mạng sống con người.