Ve sầu cũng lên bàn nhậu

(ANTĐ) - Cùng với bọ xít, dế mèn và vô số các loài sâu bọ, côn trùng cánh cứng hay thân mềm khác, ve sầu đang dần rời khỏi những cành phượng vĩ, những gốc bằng lăng xù xì quen thuộc để lên thẳng… bàn nhậu, trở thành món đặc sản của dân chơi đất kinh kỳ.

Ve sầu cũng lên bàn nhậu

(ANTĐ) - Cùng với bọ xít, dế mèn và vô số các loài sâu bọ, côn trùng cánh cứng hay thân mềm khác, ve sầu đang dần rời khỏi những cành phượng vĩ, những gốc bằng lăng xù xì quen thuộc để lên thẳng… bàn nhậu, trở thành món đặc sản của dân chơi đất kinh kỳ.

Đổ xô đi bắt ve sầu

Người đi bắt ve sầu săm soi kỹ từng gốc cây. Ảnh: Internet

Người đi bắt ve sầu săm soi kỹ từng gốc cây. Ảnh: Internet

Mới 19h mà công viên Linh Đàm đã hết sức huyên náo. Những người đi bắt ve từ khắp nơi đổ về. Ánh đèn pin quét loang loáng từng gốc cây, tán lá, tiếng người gọi nhau í ới. Trong khoảng không gian vài trăm mét vuông mà có tới hơn hai chục người tìm bắt “sứ giả của mùa hè”. Công viên Linh Đàm được xem là điểm đến lý tưởng của dân bắt ve, bởi nơi đây hội đủ cả hai yếu tố: không thiếu những gốc cây lâu năm (ve bám vào để lột xác) cùng các trảng cỏ rộng (nơi ấu trùng ve trú ẩn).

Một người đi bắt ve ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội vừa rọi đèn pin vào những gốc cây vừa giải thích: “Đây là thời điểm nhộng ve chui lên từ lòng đất, bám vào thân cây để lột xác. Mới tuần trước thôi, ve nhiều vô kể, chỉ cần đi một vòng loanh quanh khoảng 2 tiếng đồng hồ là đã có 1 - 2 kg. Giờ thì số lượng ve đã giảm nhiều. Với “đội ngũ” bắt ve lên đến mấy chục người mỗi tối thì côn trùng nào sinh sản cho kịp?”.

Dụng cụ để hành nghề bắt ve non rất đơn sơ, một chiếc đèn pin và túi ni lông để đựng. “Sản phẩm” thu được đa phần chỉ là nhộng vừa lột xác. Còn để bắt được những con ve trưởng thành thì khó khăn hơn nhiều, phải có công cụ dụ ve rồi vợt, lưới… Đầu hè, hầu như thân cây nào cũng có từ 2 - 4 ấu trùng ve vừa trải qua quá trình thoát xác. Đặc tính của loài ve là rất “hiền lành” và gần như không có bất kỳ phản xạ nào. Ngay cả khi bóng đèn 4 pin rọi thẳng vào mà những con ve vẫn không nhúc nhích - có chăng chỉ là những di chuyển hết sức chậm chạp. Chính vì vậy, việc bắt ve là khá dễ dàng.

Đặc sản ve sầu rán

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Đặc sản từ ve sầu có thể mới với dân miền Bắc nhưng đã trở thành món cũ, khá phổ biến ở trong Nam từ nhiều năm nay với những cách chế biến kinh điển: ve rang, ve tẩm bột rán... Thường thì ve sầu bắt về được rửa sạch, ngâm nước lạnh, ngắt bỏ phần chân, cánh và đầu, chỉ để lại thân. Đảo qua dầu mỡ, rồi gia vị, lá chanh… chỉ vài phút sau, đã có một đĩa ve sầu rán béo ngậy. Tuy nhiên, những người đi bắt ve chủ yếu là để làm mồi nhậu, chứ không mấy ai đem bán cho nhà hàng. Bởi 1 kg ve phải cỡ trên dưới 1.000 con. Ở thời điểm hiện tại, nếu hai người đi trầy trật cả tối mới được 8 - 9 lạng. Thực tế cũng có người hỏi mua, nhưng số tiền họ trả chả bõ bèn gì (70.000đ/kg), vậy nên “để lai rai thích hơn”.

Đa số những người tham gia “truy sát” loài “côn trùng đầu to” này đều chỉ nhằm mục đích “vừa vui, vừa có… đồ nhậu”. Tuy nhiên, đằng sau cái vui nhất thời ấy đã gợn lên suy nghĩ: với tốc độ “tiêu diệt” ve hàng loạt như thế này, có lẽ không bao lâu nữa, tiếng ve râm ran ngày hè như lời hát của nhạc sĩ Hoàng Vân năm nào (Ve ve ve, hè về/ Vui vui vui, hè về/ Cây xanh xanh rợp bóng ven đường...) chỉ còn trong hoài niệm!

Mạnh Hà