Vẽ đường để "hươu" không lao vào bụi rậm

ANTD.VN - Không chỉ Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền mà còn rất nhiều kênh Youtube thuộc diện “giang hồ mạng” được nhiều người biết đến trong thời gian gần đây. Nội dung hài nhảm, sốc, vô bổ… đang thu hút số lượng người xem rất lớn mà đối tượng chủ yếu là giới trẻ. Phóng viên Báo ANTĐ có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Liên - giảng viên bộ môn Tâm lý học Xã hội (Khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) về vấn đề này.

- PV: Bà nhận định như thế nào về việc “thần tượng” những nhân vật như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… của giới trẻ hiện nay?

- Ths Nguyễn Hạnh Liên: Trước hết phải nói rằng các bạn trẻ thần tượng ai thì điều đó cũng là rất bình thường. Ở tuổi 16 các em đang đi tìm khả năng tự đánh giá, khẳng định bản thân và tìm bản sắc cho riêng mình. Dù là thần tượng ai thì các bạn ấy cũng phải tìm thấy điểm gì phù hợp với mình ở những nhân vật ấy. Ở mỗi độ tuổi khác nhau thì có những lý do chọn thần tượng khác nhau 

Nói về nhân vật Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền gần đây, xét về góc độ tâm lý học thì tôi thấy đó là điều dễ hiểu. Trong khi các bạn trẻ có nhu cầu cao trong việc thể hiện mình mà lại được gặp “chất xúc tác” là hình ảnh “thần tượng lệch chuẩn” với tần xuất thường xuyên, liên tục và dồn dập thì chắc chắn sẽ có phần đông bị hấp thụ. 

Chưa cần biết hoặc cũng chưa biết được việc đó là đúng, sai như thế nào, nhưng điều đơn giản nhất xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của các bạn ấy là Khá Bảnh có điểm gì đó hay hay. Lại cũng có khi, xung quanh toàn những thứ tròn trịa, hoàn hảo, thì những đứa trẻ lại thấy cần phải khác biệt, đó là phải đi ngược lại với người khác. Do vậy, chúng học theo “thần tượng” để thấy bản sắc của mình đồng nhất hóa với một nhân vật đang có “giá trị xã hội” mà không quan tâm rằng nhân vật đó tốt hay xấu.

- Nhiều người hay đặt câu hỏi, rốt cuộc những thứ nhảm nhí, những “clip triệu view” toàn nói tục chửi bậy, nhưng lại được thu hút đông đảo người xem hấp dẫn ở điểm nào? Liệu có phải do khoảng cách thế hệ mà chúng ta không hiểu được giới trẻ bây giờ hay không?

- Bạn thấy nhảm, tôi thấy nhảm, hay bố mẹ các em thấy nhảm, nhưng các với các bạn trẻ thì nó không hề nhảm. Vấn đề ở đây là giá trị của các em và người lớn khác nhau, thị hiếu khác nhau.

Tôi nhớ trên lớp tôi từng dạy trước đây, có một em sinh viên đã khóc như mưa cả 15 phút khi thuyết trình nội dung về thần tượng của mình. Có thể do bạn ấy có tổn thương về mặt tâm lý, mất cân bằng tâm lý khi thần tượng sau này đi xuống. Quan niệm về vẻ đẹp của các bạn ấy khác hẳn chúng ta. Chúng ta luôn có khoảng cách trong việc nhìn nhận cái đẹp. Ví dụ ta nhìn từ góc độ này thì thấy nó không đẹp, nhưng các bạn ấy nhìn thấy đó là một thiên đường rất lung linh. Chắc hẳn trước đây, chúng ta cũng từng có thời kỳ suy nghĩ rằng, ý kiến của bố mẹ bảo thủ, không hiểu xu hướng của con cái bây giờ.

Hiện nay, mỗi người có một giá trị về “Chân - Thiện - Mỹ” khác nhau. Thứ mà chúng ta đang hướng tới là làm sao cho cái “Chân - Thiện - Mỹ” đó đồng nhất, là giá trị chung của xã hội. Do vậy, xét về những “thần tượng lệch lạc” gây nhức nhối như Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền vừa qua thì có thể coi đó là những hành vi rất đáng lo ngại nếu không muốn nói là ngông cuồng. 

- Tác động của những “thần tượng lệch lạc” này nguy hiểm thế nào cho sự hình thành nhân cách trẻ, khi mà một đứa trẻ 5-6 tuổi đã thuộc lòng tên tuổi “thần tượng” hơn là các nhân vật lịch sử?

- Xét về góc độ khách quan thì việc thần tượng cũng là bình thường, nó giúp cho các trẻ có thể tìm kiếm được sự cân bằng nhất định, thỏa mãn nhu cầu phát triển của lứa tuổi. Các bạn ấy làm theo thần tượng cũng cho thấy rằng, dù sao bản sắc cá nhân đang được xây dựng.

Rất khó để trách các bạn trẻ bởi họ còn chưa được trang bị kỹ năng “sàng lọc” thông tin. Trong khi đó các nội dung nhảm, sốc, bạo lực cứ nhan nhản trên Internet chỉ chực chờ để “tấn công” tâm lý và nhận thức của họ. 

Ngày trước, khi chúng ta ở lứa tuổi đó thì chúng ta cũng từng có thần tượng. Đó là một bước phát triển bình thường của tuổi mới lớn. Nhờ có thần tượng mà các bạn trẻ trưởng thành hơn, làm cho bản sắc của mình rõ hơn, khẳng định mình khác với những người khác. Nhưng nếu như các trẻ lại thần tượng những thứ tiêu cực thì lại có thể gây ra hậu quả cho chính bản thân mình và người khác. 

Thực tế đã chứng minh, có rất nhiều vụ việc trẻ em đã đưa hành động bạo lực của thần tượng trên mạng xã hội ra ngoài đời sống thật. Về lâu dài, các em sẽ có những cái nhìn lệch lạc vì đánh giá các sự việc trong xã hội qua lăng kính thần tượng của mình. Không ai lường trước được hành vi mà các bạn trẻ bắt chước thần tượng. Các em có thể bắt chước qua lời nói, ví dụ như chửi bậy, nói tục, nhưng cũng có thể bắt chước cả hành vi bạo lực. Tôi từng gặp nhiều phụ huynh không hiểu vì sao con mình lại có thể nói những từ bậy bạ như vậy. Cần lưu ý, ở lứa tuổi thiếu niên, vị thành niên, các em rất thích hùa theo đám đông. Chính vì vậy, hành động xấu hay lời nói tục có tốc độ lan nhanh hơn bao giờ hết.

Còn về phát triển nhân cách, tôi cho rằng đây chỉ là một giai đoạn ngắn và chưa ảnh hưởng đến phát triển nhân cách lâu dài do nó cần một quá trình có nhiều yếu tố. Ở độ tuổi ấy các em thần tượng rất nhanh nhưng cũng thay đổi thần tượng rất nhanh. Để có một kết quả chính xác nhất thì chúng ta cần có nghiên cứu mới đánh giá được trên từng nhóm đối tượng ở các khu vực khác nhau. Chẳng hạn, có bạn thần tượng nhưng vẫn tách biệt được cái tốt và cái xấu. Cũng có bạn sẽ đi theo một cách mù quáng, thần tượng một cách khủng khiếp, đồng nhất hóa bản thân hoàn toàn với thần tượng.

- Liệu có phải do sân chơi bị co hẹp, mạng xã hội và các loại điện thoại thông minh không ngừng đổi mới, phát triển là nguyên nhân khiến những “thần tượng” Youtube phát triển không, thưa bà?

- Ở lứa tuổi này, cái các em cần là sự khác biệt. So với thế hệ chúng ta trước đây thì các bạn trẻ ngày nay có xu hướng thu hẹp mình hơn, hướng nội nhiều hơn, thích ở trong nhà nhiều hơn. Đây là đặc trưng của giới trẻ hiện tại bởi vì các bạn ấy sẽ đi cùng với xã hội 4.0 mà cụ thể là giao tiếp hàng ngày thường bắt đầu bằng việc thức dậy cầm điện thoại để kiểm tra Facebook, Instagram…

Học sinh bây giờ đi học có thể lên mạng tìm tài liệu hỗ trợ rất nhiều và mặt trái của nó là những thông tin không tốt, thời gian dành cho mạng ảo quá nhiều. Trong khi đó, bố mẹ lại mải làm kinh tế mà quên quan tâm đến con. Ngày ngày phụ huynh đưa cho con chiếc điện thoại rồi quay vào công việc, không ai giao tiếp với ai. Chỉ đến khi con cái có tư tưởng sai trái (về pháp luật hoặc đạo đức) thì tất cả mới sững sờ.

Rất khó để trách các bạn trẻ bởi họ còn chưa được trang bị kỹ năng “sàng lọc” thông tin. Trong khi đó các nội dung nhảm, sốc, bạo lực cứ nhan nhản trên Internet chỉ chực chờ để “tấn công” tâm lý và nhận thức chúng thường xuyên như vậy. 

- Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu tâm lý, theo bà để giới trẻ phát triển không lệch lạc, người lớn phải làm những gì?

- Cách đây không lâu, một người bạn của tôi có kể chuyện không hiểu vì sao mà con anh ấy (12 tuổi) lại rất thích nhạc của nhóm BTS Hàn Quốc. Trong khi anh ấy bảo nhóm nhạc đó nhảm khủng khiếp, hát không có gì đặc biệt. Sau đó anh ấy cố gắng tìm hiểu lý do vì sao con mình lại thích. Đầu tiên anh ấy xem cùng con, hỏi con thích nhóm BTS ở điểm gì. Cuối cùng, lý do rất đơn giản mà chúng ta chẳng thể nghĩ ra. Đó là đôi khi đứa trẻ thích nhóm nhạc không phải ở bài hát, chất giọng mà có thể chỉ vì họ có nước da trắng, mái tóc bồng bềnh hoặc ánh mắt nhìn hấp dẫn, trong khi với phụ huynh lại thấy rất “dở hơi”. Đó một ví dụ mà tôi muốn nói về việc phụ huynh đồng hành cùng con cái của mình.

Chúng ta vẫn hay nói phải “làm bạn với con”. Đó là một cụm từ quen thuộc và nghe rất dễ, nhưng thực tế lại không hề dễ tí nào. Làm thế nào để vừa chia sẻ với con mà vẫn cho con quyền tự quyết định? Rõ ràng là chúng ta luôn phải ở bên cạnh con cái để theo dõi chúng. Tuy nhiên cần phân biệt giữa theo dõi để nắm bắt suy nghĩ, mong muốn của con để có những đáp ứng và định hướng từ nhỏ chứ không phải theo dõi nhằm giám sát và áp đặt quan điểm. Tôi tin là những đứa trẻ nào được gia đình quan tâm một cách đúng mực, biết cách truyền đạt định hướng thì chúng sẽ có những suy nghĩ tích cực.

Chắc chắn trong chúng ta không ai có thể thoát khỏi sự phát triển của công nghệ. Nhưng điều mà ta cần làm là hạn chế sự ảnh hưởng, lệ thuộc quá lớn vào nó. Ta cũng không thể cấm con cái sử dụng điện thoại, smartphone, mạng xã hội… khi không có hoạt động gì thay thế thú vị hơn những thứ đó. Muốn vậy chính các ông bố, bà mẹ nên đặt ra những quy định và làm gương trước tiên. Có nhiều cách để thực hiện việc này. Ví dụ như bố mẹ cùng con cái thống nhất một quy định là dành buổi chiều thứ 7 để cả nhà đi công viên, tập thể thao và không ai sử dụng điện thoại, mạng xã hội. Khi đó con cái sẽ thấy rằng, đây là khoảng thời gian mà bố mẹ giành cho mình.

Với trẻ lớn hơn thì nên đồng hành cùng các bạn ấy, như tổ chức hoạt động cho nhóm học sinh vì các bạn ấy ở tầm tuổi này không thích chơi cùng bố mẹ mà thích đi với các bạn hơn. Bố mẹ có thể tham gia vào hoạt động hoặc phụ huynh liên kết với nhau cùng tổ chức. Những phụ huynh nào cởi mở hơn thì có thể cho con tiếp đón các bạn tại nhà. Dù sao thì biết được con đang làm gì trong nhà còn tốt hơn là để chúng ra ngoài hàng điện tử. Nếu con tôi có bạn trai, tôi sẵn sàng cho chúng đến nhà nhau cùng ngồi học hoặc ngồi chơi với nhau. Tuổi này càng cấm thì các bạn ấy lại càng tò mò và muốn khám phá. Không cấm có khi một thời gian sau lại chán, tâm lý tuổi này rất… “buồn cười”. Đây gọi là “vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng chạy đúng đường!

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi.