Về dự thảo cấm cho tặng biếu bằng ngoại tệ: Vừa không khả thi vừa nhiều hệ lụy

ANTĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối. Vấn đề được dư luận quan tâm bàn luận và có nhiều ý kiến trái chiều đó là dự thảo  dự kiến cấm cá nhân cho - tặng ngoại tệ lẫn nhau và cấm người nước ngoài gửi tiết kiệm ngoại tệ tại Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng quy định cấm như vậy không những không  có tính khả thi mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy…

Vì sao cấm?

Một thành viên ban soạn thảo dự thảo nghị định (thuộc NHNN) giải thích mục tiêu của Nhà nước là chống đôla hóa nên cần phải hạn chế giao dịch bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, quy định hiện hành cũng nhấn mạnh mọi giao dịch phải thực hiện bằng tiền đồng, trừ một số trường hợp được phép giao dịch bằng ngoại hối như: các giao dịch với tổ chức tín dụng và tổ chức khác được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối, tổ chức được điều chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản, được góp vốn bằng ngoại tệ để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam...

Đại diện NHNN cũng cho rằng thời gian qua do có sự chênh lệch lớn giữa lãi suất tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi thanh toán bằng ngoại tệ, một số cá nhân là người nước ngoài đã chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào. Sau đó, họ chuyển số ngoại tệ đó sang tài khoản tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ để hưởng chênh lệch lãi suất rồi tất toán toàn bộ gốc và lãi để chuyển ra nước ngoài. Chính vì vậy nên phải cấm. 

 Chúng ta đã khẳng định, nền kinh tế chúng ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vậy mà thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính, ít lâu nay toàn được điều hành bằng các mệnh lệnh hành chính. Chúng ta đã bỏ qua toàn bộ các công cụ thị trường. Có quá nhiều phương cách, quá nhiều các biện pháp thị trường để các cơ quan quản lý, đặc biệt là NHNN can thiệp vào thị trường. Nếu lãi suất ngoại tệ trong nước cao hơn bên ngoài thì hiện tượng đó chỉ ra một thị trường đang cần vốn rẻ. Trong khi đó vốn rẻ trên thị trường thế giới lại quá nhiều. Vậy cớ gì lại ngăn dòng vốn này lại. Chống đô la hóa? Lý do không thuyết phục. Có một chuyên gia đã đặt vấn đề, vốn tiền đồng lãi suất cao đang ế và biện pháp này là góp một phần cứu cái đống vốn ế kia. Tôi thì không tin lắm. Nhưng nghĩ cho cùng, tại sao không dùng các biện pháp thị trường giảm thêm lãi suất gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ. NHNN chẳng đã có văn bản áp trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ đó thôi. Chỉ cần thực hiện nghiêm trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ đã có thể giải quyết khâu buôn tiền này. Vô khối cách mà dễ dàng hơn, đỡ mang tiếng ngăn sông cấm chợ hơn? 

Cũng có một điều lạ. Cấm cho tặng ngoại tệ, nhưng không cấm gửi kiều hối bằng ngoại tệ, không cấm công dân Việt tàng trữ, gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ. NHNN cũng nêu trong dự thảo là các quy định khác vẫn được giữ nguyên. Cụ thể là việc công dân Việt Nam có ngoại tệ tiền mặt gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng vẫn được rút tiền gốc, lãi bằng ngoại tệ đã gửi. Tức là gửi USD thì nhận lãi và gốc bằng USD chứ không phải bằng tiền đồng. Nhưng như thế có nghĩa là USD để chơi thôi nhé, cấm mua bán hàng hóa, cấm cho ai bằng USD. Còn nhớ những ngày cấm người nước ngoài mua nhà, đầu tư…đã dẫn đến tình trạng nhờ người Việt đứng tên tài sản dẫn đến những vụ khiếu kiện đến nay chưa giải quyết xong thì bây giờ với lệnh cấm này sẽ có thêm hàng loạt vụ khiếu kiện cho việc nhờ người trong nước nhận hộ người ngoài nước các khoản ngoại tệ. Lại thêm những hệ lụy.

Gây phiền cho đời sống nhân dân

Trước hết là ảnh hưởng tới quyền định đoạt tài sản hợp pháp của người dân. Ngoại tệ là tài sản được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Tại sao lại cấm cho tặng? Trong một thế giới hội nhập, mỗi người có hàng chục mối quan hệ từ tình cảm đến làm ăn với người khác quốc tịch. Tôi đã từng thấy một chị người Bắc Âu giận dữ khi đang rất khát nước mà không mua được nước uống vì chị ta chỉ có USD mà không có tiền đồng, trong khi quy định không được bán thu ngoại tệ. Bây giờ chị ta có muốn “tặng” ông bán hàng đồng 1 USD để ông bán hàng “tặng” lại chị ta một chai nước cũng không được. Cả tình cảm, cả làm ăn cũng sẽ buồn.

Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, nếu cấm người dân cho tặng ngoại tệ sẽ vi phạm pháp luật cao hơn, đó là hiến pháp. Không thể một vài cá nhân lách mua bán, thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ qua hình thức cho, tặng mà lại đi cấm toàn bộ người dân quyền cho, tặng ngoại tệ. Nhiều người cho rằng việc cấm các cá nhân cho, tặng ngoại tệ là không có tính khả thi. Đơn cử những người trong cùng gia đình “bí mật” cho, tặng ngoại tệ với nhau thì làm sao quản lý được? Trong những năm gần đây, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam khoảng 10 tỉ USD/năm, nếu đã quy định không cho tặng ngoại tệ thì người nhận tiền kiều hối sẽ buộc phải nhận bằng tiền đồng VN. Chúng ta đã biết, trước đây áp dụng quy định người nhận kiều hối chỉ được nhận bằng tiền đồng thì lượng kiều hối vào VN theo đường chui nhiều hơn đường chính thức nên không thể quản lý được. Đến khi bỏ quy định này, người dân được phép nhận kiều hối bằng ngoại tệ, lượng kiều hối mới thông qua các ngân hàng, công ty chuyển tiền vào Việt Nam tăng hẳn.

Đại biểu Quốc hội, TS Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) ngày 5-11 có ý kiến về vấn đề này. Ông cho rằng: “Hiện nay có thực tế là ở mức độ nào đó, chúng ta chưa quản lý được USD, ngoại tệ lưu hành trên thị trường. Ví dụ người thân ở nước ngoài về và vẫn cho tặng trong một chừng mực nào đó thì nó vẫn lưu hành trên thị trường. Và việc mình cấm cũng không khả thi. Chừng nào người Việt Nam còn được nhận kiều hối bằng ngoại tệ, sở hữu ngoại tệ ở Việt Nam, được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ và hưởng lãi suất bằng ngoại tệ thì chừng ấy nên để người dân được tặng, cho, thừa kế kiều hối ấy lẫn nhau”.

Ông Phan Văn Bắc, Giám đốc Công ty du lịch lữ hành QTC cho biết: Nếu dự thảo này được thông qua sẽ gây nhiều phiền phức cho hoạt động du lịch. Người ta đi công tác, du lịch, chữa bệnh, hoặc đơn giản chỉ về nước thăm thân nhân không tiêu hết ngoại tệ, người ta vẫn cho tặng hoặc lưu hành. Vài chục USD, hoặc nhiều là vài trăm USD chả lẽ bắt hết à. Tôi thường thấy những người đi thăm con, chữa bệnh ở nước ngoài, trước khi đi vay nhau ngoại tệ loạn lên, khi về làm ăn rồi lại trả nhau. Chỉ một ít thôi mà cũng quy đổi, lại lệ thuộc tỷ giá…khó khăn lắm. Theo tôi, những người soạn thảo chưa nghĩ đến thực tế là ngoại tệ đang tồn tại cùng với các mối giao lưu xuyên quốc gia. Bài trừ ngoại tệ tuyệt đối sẽ ảnh hưởng đến giao lưu.

Theo chúng tôi, cần phải xem xét thực tiễn có bao nhiêu trường hợp dùng hình thức cho tặng ngoại tệ để lách hành vi mua bán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ. Những ai vi phạm việc dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán thì nên xử lý người đó. Còn việc chống tình trạng đô la hóa nên dùng các biện pháp kỹ thuật như lãi suất huy động thấp, tỷ giá ổn định… để người dân nắm giữ tiền đồng thay vì ngoại tệ tốt hơn là biện pháp không cho người dân cho, tặng ngoại tệ. Nó đỡ phiền cho đời sống người dân và…NHNN đỡ mang tiếng hơn.

NNHN tiếp thu ý kiến

Ngân hàng Nhà nước đã công bố thông tin liên quan đến việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện chương trình soạn thảo các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối, tổ biên tập dự thảo nghị định đã nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.

Tổ biên tập nhận thấy trong điều kiện các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối cho phép cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được gửi tiết kiệm, nhận gốc, lãi bằng ngoại tệ thì việc sử dụng ngoại tệ để cho, tặng là hợp lý. Do vậy, tổ biên tập xin tiếp thu ý kiến góp ý này và chỉnh sửa dự thảo nghị định”.