Vay tiền làm cầu cho dân

(ANTĐ) - 9 năm trời gom góp của cải chỉ để ba lần dựng cầu qua sông Bôi chạy qua địa phận xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình cho dân đi. Anh làm vậy không phải anh là người giàu có, mà chỉ đơn giản vì lâu nay bà con không có cầu qua sông.

Vay tiền làm cầu cho dân

(ANTĐ) - 9 năm trời gom góp của cải chỉ để ba lần dựng cầu qua sông Bôi chạy qua địa phận xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình cho dân đi. Anh làm vậy không phải anh là người giàu có, mà chỉ đơn giản vì lâu nay bà con không có cầu qua sông.

Đến bây giờ, anh Hà Công Hào, ở bản Bãi Xe, xã Nam Thượng cũng không thể nhớ được bao nhiêu lần suýt chết vì cố bám để cứu từng mảnh ván giữa  dòng nước lũ, cứu vãn cây cầu nối 2 bờ sông Bôi.

Bà con rất vui khi có cây “cầu ông Hào”
Bà con rất vui khi có cây “cầu ông Hào”

“Phá” ốc đảo bên sông

Bà con bản Mường ở 3 xã phía tả ngạn sông Bôi là Cuối Hạ, Luông Dăm và Kim Chi, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình bao đời nay cứ từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm khi nước lũ sông dâng cao là bị cô lập. Nông sản bà con làm ra không thể mang tiêu thụ được. Có một số người liều chặt luồng, tre dựng mảng mang ra Quốc lộ 12 để bán, lúc thì bị lũ cuốn trôi mất trắng, khi thì mất cả người lẫn của. Trẻ em sang sông đi học bám mình trên những mảng nứa mong manh như phó mặc số phận mình với Hà Bá.

Ở bờ bên này sông, nhưng lòng anh Hào như lửa đốt mỗi khi trời đổ mưa to, gió lớn. Những hình ảnh đắm đò ở Chôm Lôm, Nghệ An, Quảng Bình dội về trong đầu người nông dân chân chất. Nguy hiểm rình rập hiện ra trước mắt, thực tế anh Hào đã chứng kiến hàng chục vụ bị nước cuốn trôi ngay tại bến sông này. Vốn là lính công binh giải ngũ năm 1982, anh Hào biết chút ít kiến thức cơ bản về công trình cầu cống.

Trước cảnh bà con phải đối mặt với khó khăn về đường sá, các cháu băng lũ đến trường đầy bất trắc anh Hào bàn bạc với vợ: “Mình không thể không có một nhịp cầu nối đôi bờ để bà con đỡ khổ. Đường đi cách trở thế này, sẽ còn nhiều cháu bỏ học”. Thấy anh quyết tâm, chị Thu vợ anh đã cùng chồng lên đồi chặt tre, nứa dựng một cây cầu khỉ dài chừng gần 100m, nối đôi bờ sông Bôi. Nhưng rồi cây cầu mỏng manh của anh không thể trụ lại được sau mỗi trận lũ đầu mùa…

Anh Hào loay hoay tìm cách dựng một cây cầu mới tốt hơn, an toàn hơn cho bà con đi lại. Muốn thế chỉ có thể làm một chiếc cầu phao, “nước nổi cầu nổi”. Nhưng, “cái khôn lại ló cái khó”, làm cầu phao thì cần phải có nhiều tiền mua vật liệu, mà gia đình anh thì nghèo. Thu nhập chính của gia đình anh trông chờ vào những mùa nương rẫy, chăn nuôi và quán nhỏ ven đường trong xã Nam Thượng cũng chỉ đủ ăn.

Anh quyết định đi vay tiền để làm cầu, nhưng đến ngân hàng thì phải có tài sản để thế chấp. Cuối cùng, bằng uy tín trưởng thôn anh vay bà con trong xã mỗi người vài trăm nghìn, tất cả gom được 7 triệu đồng để mua 60 cái thùng phuy và vật liệu khác. Có vật liệu rồi, một mình anh không thể dựng được cầu dưới dòng nước siết, phải thuê người giúp. Lại một lần nữa anh Hào phải “cầu cứu” dân bản hợp sức đổi công, vợ chồng anh sẽ cày bừa, cấy hái trả nợ vào mùa vụ.

Chuyện vay nợ làm cầu phao anh Hào giấu vợ con. Thế rồi, chuyện vỡ lở, vợ con anh cằn nhằn, người thân bảo là gàn, dở hơi đâu lo chuyện làng xã trong khi mình thì chẳng dư dả gì. “Số tiền ấy, dùng khai hoang cả bãi Rào Tre bên sông làm trang trại và bao nhiêu việc khác. Chứ anh mang ra sông ra suối thả thì ý nghĩa gì, nợ nần chồng chất thì bao giờ trả được” - chị Thu nói. “Bà cứ bình tĩnh, đâu khắc có đó, mình thương bà con rồi ông trời sẽ bù trừ cho, đi đâu mà thiệt” - anh Hào thủ thỉ thuyết phục vợ. Một tháng sau,  hình hài cây cầu phao đã hoàn thành trong niềm vui mừng và biết ơn vợ chồng anh của người dân 3 xã bên tả ngạn bờ sông Bôi.

Cây cầu được nối hai bờ, lương thực, nông sản của bà con có đường vận chuyển đến nơi tiêu thụ, giá cả cũng khá hơn. Trẻ em ngày xưa do sợ nước lũ đã bỏ học cũng bắt đầu cắp cặp theo chúng bạn đến trường trở lại. “May mà mấy vụ nuôi lợn, gà vừa qua thắng quả, không thì thành con nợ mang tiếng với thôn bản” - chị Thu ngồi trong nhà góp chuyện.

Công việc “bảo dưỡng” thường được anh Hào duy trì kỹ lưỡng
Công việc “bảo dưỡng” thường được anh Hào duy trì kỹ lưỡng

Nhịp cầu vì dân bản

Điệp khúc làm cầu, vay nợ đã như duyên nợ với anh Hào. Từ năm 2001 đến năm 2008 anh vay 3 lần tiền để sửa cầu. Nợ lần này chưa trả hết đã vay lần khác. Năm 2001 anh Hào làm cây cầu đầu tiên hết 11 triệu đồng thì trong túi anh chỉ có 3 triệu đồng.

Năm 2007, cây cầu bị lũ cuốn trôi xuống khúc sông dưới, tiền chuộc và thuê công trở về hết 9 triệu đồng anh lại phải “nịnh” vợ đôn đáo ngược xuôi vay tiền dựng lại cầu. Năm 2008, cầu bị nước lũ phá tan tành, anh phải mua lại hơn 60 chiếc thùng phuy để làm hệ thống phao mới, chắc chắn, an toàn hơn. Sau đợt này “sổ đỏ” nhà anh cũng “cắm” để vay tiền. Anh Hào cho biết: “Mỗi lần tôi đi vay tiền để sửa cầu nhiều người tưởng tôi cờ bạc.

Người biết thì tin tưởng cho vay, người chưa biết thì khinh khỉnh, không nói không rằng”. Nhặt nhạnh, tiết kiệm đủ thứ, bán nông sản, luồng, tre, chăn nuôi… đến đầu năm 2009, anh Hào mới “thoát” cảnh nợ nần. Anh thu bao nhiêu tiền mỗi lượt qua cầu? “Nói là không thu tiền thì không đúng, tôi chỉ thu tiền người ngoài xã, miễn phí hoàn toàn bà con trong xã và các cháu học sinh. Số tiền thu phí tôi dành để sửa chữa cầu và tái “sản xuất”.

Câu chuyện về ông Hào làm cầu phao đã lan rộng khắp vùng, cuối năm 2008, có đoàn khảo sát về khảo sát để xây cầu bê tông nhưng vẫn chưa thực hiện.

Mùa lũ lại bắt đầu đến, đêm nằm “người thợ cầu” thấp thỏm “nghe” nước từ thượng nguồn sông Bôi dồn về để tìm cách “nhả neo” giữ cây cầu huyết mạch duy nhất cho bà con và lũ trẻ đến trường. Không biết các cấp chính quyền nghĩ sao (?!).

Đức Tuấn